Phá sản dự án thép nghìn tỷ Hà Tĩnh: Ngân hàng ngậm đắng nuốt cay
30/05/2015 09:21:42
ANTT.VN - Sau khi BQL KKT tỉnh Hà Tĩnh có quyết định “chấm dứt hoạt động Nhà máy liên hợp gang thép Vạn Lợi" được dự kiến đầu tư 2.000 tỷ đồng, hàng loạt ngân hàng liên quan mới "nháo nhào" tìm cách thu hồi tài sản từ đống sắt vụ đã bỏ hoang vài năm nay.

Tin liên quan

 

Dự án “nghìn tỷ” chết yếu

Dự án Khu liên hiệp Gang thép Vạn Lợi có tổng mức đầu tư ban đầu là 1500 tỉ đồng sau đó được điều chỉnh lên gần 2000 tỉ đồng. Số vốn để thực hiện dự án này chủ yếu được Cty GTHT vay từ ngân hàng và tài sản thế chấp của bên vay chính là sản phẩm được hình thành sau đầu tư.

Được biết, trong giai đoạn 1 thực hiện dự án này có một số ngân hàng tham gia cho Cty GTHT vay vốn, như: Ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh Hà Tĩnh (VDB Hà Tĩnh), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Hà Tĩnh (BIDV Hà Tĩnh), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam chi nhánh Hà Tĩnh (Vietcombank Hà Tĩnh)... Trong đó Ngân hàng VDB Hà Tĩnh là đơn vị cho vay nhiều nhất với số tiền gốc lên đến 609 tỉ đồng và tiền lãi hơn 100 tỉ đồng (tính đến thời điểm hiện tại - PV).

Dự án Khu liên hiệp Gang thép Vạn Lợi giờ chỉ còn là đống sắt vụn

Trong rất nhiều kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh tại các buổi làm việc với Cty GTHT đều nhấn mạnh: Việc dự án bị đình trệ, quá chậm so với yêu cầu đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của dự án, môi trường đầu tư, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội. Đặc biệt, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động, uy tín của ngân hàng cho vay vốn và đời sống của người lao động trong công ty.

Theo công văn số 647, ngày 19/05 của BQL KKT tỉnh Hà Tĩnh về việc “chấm dứt hoạt động Nhà máy liên hợp gang thép công suất 250.000 tấn/năm, dự án Nhà máy liên hợp gang thép Vạn Lợi được BQL KKT Vũng Áng cấp chứng nhận đầu tư ngày 15.6.2007, điều chỉnh lần 3 tháng 12.2009 với tổng mức đầu tư 1.764 tỉ đồng. Theo chứng nhận đầu tư, tháng 8.2010, nhà máy sẽ sản xuất thử ra phôi thép thương phẩm. Tuy nhiên, dự án đã không thực hiện được như cam kết”.

Hàng loạt ngân hàng tin tưởng vào 1 báo cáo thẩm định

Công văn 647 cũng được gửi tới các ngân hàng đã giải ngân cho dự án trên “đề nghị lập kế hoạch, phối hợp với Cty CP gang thép Hà Tĩnh có phương án bảo vệ tài sản, xử lý các nghĩa vụ về tài chính và các nghĩa vụ khác liên quan đến dự án. Sau 25.5, BQL KKT tỉnh Hà Tĩnh sẽ ban hành quyết định chấm dứt hoạt động, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của dự án”.

Đáng chú ý, trong số các chủ nợ của Thép Vạn Lợi có cả các ngân hàng quốc doanh như Vietcombank, BIDV… Đắng cay hơn, chính nhờ sự tin tưởng vào kết quả thẩm định dự án của Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) mà các nhà băng đều không tham gia thẩm định lần 2 nên không biết được dự án có hiệu quả khả thi thế nào.

Giải ngân chỉ dựa vào báo cáo thẩm định của VDB, Vietcombank và BIDV không biết đang đầu tư vào đâu?!

Ông Nguyễn Hữu Lực, GĐ Vietcombank Hà Tĩnh bày tỏ mối lo khi hàng trăm tỷ đồng tiền nhà nước có nguy cơ mất trắng. “Vị phó chủ tịch tỉnh hồi đó nói ngân hàng lớn tham gia, tác động vào dự án, Vietcombank tham gia 6 - 7%. Kế hoạch là 100 tỷ đồng, nhưng thời ấy mới giải ngân 70 tỷ đồng” - ông Lực nói.

Cũng theo ông Lực, vừa rồi, các ngân hàng họp lại, khảo sát xem thiết bị máy móc còn gì nữa không. Mới đây có việc dân vào ăn trộm, bảo vệ biết nhưng bị dân “đánh cho gãy xương sườn”.

“Thời đó, chủ đầu tư đưa dự án ra thế chấp, gọi là tài sản hình thành sau vốn vay (tiền các ngân hàng giải ngân trước, sau đó mới lấy nhà máy thép ra thế chấp). Nên bây giờ, các ngân hàng có quyền thu hồi, bán để trả nợ. Giai đoạn đó, đang tính hiệu quả cao, bởi có sắt Thạch Khê, sắt Vũ Quang, chứ có ai nghĩ, không có hiệu quả đâu”, ông Lực nói.

Về phía BIDV, Giám đốc Kiều Đình Hòa cũng phân trần: “Bên tôi phải làm theo toàn bộ. Hồ sơ NHPT họ giữ. Mỗi lần giải ngân cho dự án thì NHPT thông báo cho các ngân hàng, góp vốn theo tỷ lệ đã cam kết. Không phải chúng tôi không được phép thẩm định mà toàn bộ hồ sơ giao cho NHPT thẩm định. Ví dụ đợt này giải ngân 100 tỷ đồng, NHPT thẩm định và thông báo cho chúng tôi, hùn vốn theo tỷ lệ, chúng tôi 7% thì là 7 tỷ đồng”.

Nguy cơ mất vốn nhà nước, lãnh đạo “đá bóng” trách nhiệm

Câu chuyện thất bại của Thép Vạn Lợi có thể có nhiều nguyên nhân, nhưng dễ nhìn thấy nhất là sự đầu tư dàn trải; chủ đầu tư vốn ít, song lại đầu tư quá lớn, vượt quá năng lực và lệ thuộc nhiều vào vốn vay.

Đây không phải trường hợp cá biệt, nhiều DN Việt Nam nói riêng và cả nền kinh tế đang phải trả giá cho việc chạy theo mô hình tăng trưởng phụ thuộc chủ yếu vào mở rộng vốn đầu tư trong khi hiệu quả đầu tư thấp. Một báo cáo của NHNN mới đây thừa nhận, đặc điểm của nền kinh tế và DN Việt Nam là vốn tự có thấp, DN hoạt động nhờ vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Ông Võ Tá Nam, PGĐ Ngân hàng Phát triển Hà Tĩnh – đơn vị đã giải ngân hơn 600 tỷ cho dự án thép Vạn Lợi cho biết “Chúng tôi cho vay theo nghị quyết kêu gọi của tỉnh, ưu ái, tạo điều kiện cho dự án được đầu tư hoạt động. Nói thật tài sản đảm bảo tiền vay ở trong nhà máy, có nhiều cái chủ đầu tư cũng không nắm được, chứ nói gì ngân hàng chúng tôi.

Về việc thu hồi tài sản cho ngân hàng thế nào, ông Nam nói: “Máy móc nhập về do Tổng thầu ECP (Trung Quốc). Chỉ khi nào tổng thầu sang để lắp đặt, mở ra mới biết được những gì đã đầu tư. Giờ phải kiểm toán lại toàn bộ mới có đánh giá được giá trị tài sản đã đầu tư thế nào, còn lại những gì sau nhiều năm bỏ hoang”.

Như vậy, Ngân hàng Phát triển cho vay theo “kêu gọi của tỉnh”, hàng loạt nhà băng có cổ phần chi phối của Nhà nước lại dựa vào 1 báo cáo thẩm định của VDB, chỉ cần góp vốn theo tỷ lệ đã cam kết. Đến khi có quyết định đóng cửa Dự án án Khu liên hiệp Gang thép Vạn Lợi thì trách nhiệm thuộc về ai?

PV

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến