Dòng sự kiện:
Phát hiện hơn 1.000 vụ liên quan đến tín dụng đen trong 3 năm
15/12/2019 01:42:37
Đó là phát biểu của Thượng tướng Lê Quý Vương tại Hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện Kế hoạch 231 của CATP Hà Nội, triển khai chuyên đề 231 về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm liên quan đến tín dụng đen.

Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên TƯ Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị. Trung tướng Đoàn Duy Khương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc CATP chủ trì hội nghị.

Theo báo cáo tại hội nghị: trong 3 năm triển khai thực hiện Kế hoạch số 231, các đơn vị nghiệp vụ CATP Hà Nội đã phát hiện hơn 1.000 vụ việc có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Trong đó có 244 vụ phạm pháp hình sự với 589 đối tượng có liên quan và 760 vụ việc đổ chất bẩn, chất thải xác định có mâu thuẫn bắt nguồn từ hoạt động vay, cho vay tài chính, cầm đồ.

Trong 244 vụ phạm pháp hình sự đã xử lý hình sự 166 vụ với 474 bị can, chiếm 68% tổng số vụ phạm pháp hình sự liên quan đến hoạt động "tín dụng đen", đặc biệt trong số này chủ yếu là các tội cố ý gây thương tích và cướp tài sản. Quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch 231, các đơn vị đã phát hiện, triệt phá được 44 ổ nhóm tội phạm có tổ chức, 114 đối tượng hoạt động “tín dụng đen”; xác lập nhiều chuyên án trinh sát đấu tranh triệt phá như ổ nhóm Hải “bay”, Phùng Văn Lợi, Hải “bát giới”, Quang “rambo”, Tiến “trắng”... không để các ổ nhóm, đối tượng hoạt động công khai, gây nhức nhối trong xã hội.

Một số đơn vị thực hiện công tác điều tra, bắt giữ tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” đạt hiệu quả như: Công an huyện Gia Lâm khởi tố 30 vụ, bắt 48 bị can; Công an quận Nam Từ Liêm khởi tố 15 vụ với 37 bị can; CAQ Hai Bà Trưng khởi tố 24 vụ, 27 bị can; CAH Đông Anh khởi tố 10 vụ, 24 bị can; Phòng Cảnh sát hình sự khởi tố 9 vụ, 54 bị can…

Nhận định tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” tuy đã được kiềm chế, nhưng còn tiềm ẩn nhiều phức tạp, Thứ trưởng Lê Quý Vương cho rằng “tín dụng đen” không chỉ tồn tại ở thành thị mà đã len lỏi đến từng ngõ ngách, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, có nơi, có lúc tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” được ví như “cướp ngày”; hoạt động “tín dụng đen” ngày càng tinh vi, khó phát hiện, khó xử lý, đáng chú ý gần đây xuất hiện hoạt động cho vay ngang hàng (hay còn gọi là P2P Lending), một trong những sản phẩm công nghệ tài chính kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay mà không thông qua trung gian tài chính, có biểu hiện gắn với hoạt động cho vay lãi nặng, “tín dụng đen”, chứa đựng nhiều rủi ro cho người tham gia.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Quý Vương khẳng định, CATP Hà Nội đã rất chủ động trong đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” bằng việc ban hành, triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch 231 ngày 25/8/2016 về “Tổ chức điều tra cơ bản, phòng ngừa, đấu tranh xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đối với các cơ sở, đối tượng kinh doanh dưới hình thức kinh doanh tài chính”.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen, Thứ trưởng Lê Quý Vương đề nghị, CATP Hà Nội và Công an các địa phương lưu ý triển khai Chỉ thị số 12 của Thủ tướng Chính phủ, các Kế hoạch của Bộ Công an và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố Trung ương về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” cần được tiến hành đồng bộ, liên tục, kiên quyết với những giải pháp, bước đi vững chắc, tích cực, có trọng tâm, trọng điểm, phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng CAND với các cấp, các ngành, tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội và huy động được sự tham gia của các tầng lớp nhân dân nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

Thượng tướng Lê Quý Vương cũng yêu cầu, CATP Hà Nội và các địa phương đặc biệt coi trọng và làm tốt các mặt công tác nghiệp vụ cơ bản; nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; tiếp tục thiết lập, tổ chức hoạt động của các đường dây “nóng”, hòm thư tố giác tội phạm để tiếp nhận, xử lý kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến tội phạm, vi phạm pháp luật “tín dụng đen”.

Thực tế hiện nay, hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh tài chính đã giảm đáng kể, nhưng các cơ sở kinh doanh tài chính có biểu hiện hoạt động phức tạp và ngày càng tinh vi, nhằm đối phó với cơ quan chức năng.

Số lượng cơ sở kinh doanh cầm đồ, kinh doanh tài chính và các cá nhân hoạt động “rải họ”, “bốc họ”... trên địa bàn thành phố hiện nay không hề nhỏ. Trong khi đó, lực lượng công an cơ sở còn phải giải quyết nhiều công việc khác, nên chưa bố trí đủ lực lượng và thời gian để chỉ đạo tập trung giải quyết dứt điểm các cơ sở kinh doanh, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật, nhất là số đối tượng “anh chị” đứng sau các ổ nhóm hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”.

Hoạt động cho vay “tín dụng đen” càng ngày càng có nhiều biến tướng khó lường. Những người vay tiền của các đối tượng cho vay nặng lãi thường là thanh -  thiếu niên sống dựa vào gia đình, vay tiền ăn chơi, không có khả năng chi trả dẫn tới lãi mẹ đẻ lãi con, thành món nợ khổng lồ dẫn tới mất tài sản vì “tín dụng đen”.

Mai An (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến