Dòng sự kiện:
'Phép màu' phân tích kỹ thuật
29/08/2021 09:59:21
Phân tích kỹ thuật (PTKT) được ví như “phép màu” giúp các nhà đầu tư dự báo xu hướng biến động của giá hàng hóa, tài sản trên thị trường tài chính.

Đa số các chuyên gia, nhà đầu tư đều nhận thức vai trò và tầm quan trọng vô đối của công cụ PTKT, nhưng không phải ai cũng có thể sử dụng thành thạo và hiệu quả các công cụ này.

TS Lê Đức Khánh

Linh hoạt kết hợp

PTKT thường sử dụng diễn biến giá cả trong quá khứ để dự báo trong tương lai nên công cụ này đòi hỏi người sử dụng rèn luyện và mài dũa các kỹ năng với nhiều năm sử dụng và thử nghiệm hệ thống sai và sửa sai. Đã có những chuyên gia PTKT hàng đầu đã từng nói phải nhìn, theo dõi hàng trăm nghìn biểu đồ kỹ thuật khác nhau để tìm ra những mẫu hình giá nhằm dự báo phần nào xu hướng, diễn biến giá hàng hóa, giá cổ phiếu…

Nếu am hiểu phân tích biểu đồ hình nến– nghiên cứu các mẫu hình nến Nhật Bản, các nhà đầu tư có thể theo dõi diễn biến giá đóng cửa, mở cửa, thấp nhất, cao nhất trong phiên cũng như biên độ biến động giá của ngày hôm đó để có thể đánh giá lực mua hay lực bán sẽ chiếm ưu thế. Hay từ biến động cung cầu cổ phiếu trong ngắn hạn có thể đưa ra những nhận định về xu hướng, dự báo biến động giá trong một vài ngày, một vài tuần, một vài tháng, một vài năm hay thậm chí một vài chục năm tới. Trong khi trường phái theo đuổi lý thuyết sóng Elliot lại cho phép nhà đầu tư có thể hiểu được diễn biến giá tuân theo các quy luật lên xuống.

Tuy nhiên, nếu chỉ hiểu một trường phái phân tích kỹ thuật mà không đặt nó trong bối cảnh nào, không kết hợp giữa phân tích biểu đồ hình nến, các mẫu hình, tín hiệu chỉ báo, kênh xu hướng, các đường trung bình động hay các thang đo điều chỉnh Fibonacci linh hoạt, thì nhà đầu tư sẽ không thể sử dụng tốt công cụ PTKT để đạt hiệu quả cao.

Sử dụng và hiểu các phân tích kỹ thuật đòi hỏi nhiều kỹ năng (ảnh: Internet)

Ứng dụng ra sao?

Có rất nhiều trường phái PTKT mà các nhà đầu tư cần lưu ý. Thứ nhất, trường phái cổ điển và tân cổ điển đi kèm 2 công cụ chủ yếu đó là nền tảng biểu đồ giá và các tín hiệu chỉ báo kỹ thuật như (RSI, MACD, CMF….). Thứ hai, trường phái Hamonic lại chỉ chú trọng vào sự vận động của giá mà không cần quan tâm đến khối lượng giao dịch. Trường phái Hamonic dự báo diễn biến giá dựa trên các quy luật, hình học chi phối cuộc sống con người, cân bằng vũ trụ. Thứ ba, trường phái phân tích dòng tiền (Volume Spread Analysis) cho rằng dòng tiền đổ vào đâu thì cái đó tăng giá và ngược lại. Cuối cùng, trường phái phân tích biểu đồ hình nến Nhật Bản cho rằng tâm lý nhà đầu tư quyết định mọi thứ với 3 kiểu chính: Biểu đồ hình nến Nhật Bản, Heiken Ashi và Ichimoku Kinko Hyo.

Trên thực tế, mỗi trường phái có những ưu, nhược điểm riêng và ứng dụng tốt hơn trong môi trường đầu tư, giao dịch. Nếu trường phái phân tích biểu đồ nến Nhật Bản sẽ thích hợp hơn trong việc giao dịch vàng, chứng khoán phái sinh – hợp đồng tương lai chỉ số VN30, hợp đồng quyền chọn…, thì trường phái cổ điển và tân cổ điển ứng dụng các mẫu hình giá, chỉ báo kỹ thuật lại thích hợp với việc đầu tư, giao dịch cổ phiếu. Trong khi trường phái phân tích dòng tiền lại phù hợp hơn đối với việc đầu cơ cổ phiếu, giao dịch hàng hóa…

Phân tích kỹ thuật đòi hỏi nhà đầu tư phải có thời gian trải nghiệm đủ dài ở nhiều môi trường đầu tư, giao dịch khác nhau.
 
Cần trải nghiệm đủ dài
 
Giống như các bác sĩ chuẩn đoán hình ảnh, PTKT đòi hỏi nhà đầu tư phải có thời gian trải nghiệm đủ dài ở nhiều môi trường đầu tư, giao dịch khác nhau để có thể sử dụng có hiệu quả các công cụ PTKT.

Trong đầu tư cổ phiếu, việc ứng dụng PTKT sẽ càng đúng nếu sử dụng đối với đúng doanh nghiệp điển hình, doanh nghiệp có triển vọng kinh doanh, triển vọng doanh thu và lợi nhuận tươi sáng. Còn trong việc đầu cơ cổ phiếu thì các nhà môi giới, nhà giao dịch chỉ quan tâm đến xu hướng giá, diễn biến từng cổ phiếu đơn lẻ để đưa ra các quyết định nhanh mà không cần dựa nhiều vào hoạt động phân tích cơ bản. Đối với giao dịch chứng khóa phái sinh, đòi hỏi các kỹ năng giao dịch, và luôn có hệ thống test tín hiệu hỗ trợ cho hoạt động giao dịch ngắn hạn. Nếu các nhà đầu trải nghiệm càng lâu, càng rút ra được các kinh nghiệm, thì trình độ PTKT của họ sẽ càng cao.

Công thức tìm hiểu “100.000” biểu đồ cũng là 1 ý tưởng để cho thấy các nhà đầu tư, nhà giao dịch phải được tôi luyện và cần nhiều thời gian. PTKT cũng rất kén người sử dụng và đòi hỏi người sử dụng phải đặt niềm tin hoàn toàn vào nó, lắng nghe “nhịp đập” của thị trường.

Tác giả: TS. LÊ ĐỨC KHÁNH - Chuyên gia chứng khoán

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến