Dòng sự kiện:
Phi công Mỹ cứu người dân Việt trong vụ thảm sát Mỹ Lai
18/03/2015 11:31:22
Phi công người Mỹ trong chiến dịch thảm sát năm 1968 từng bị dọa giết và ném xác động vật vào nhà vì đấu tranh phơi bày sự thật tại Mỹ Lai, Việt Nam.

Tin liên quan

Hugh Thompson là một trong số ít lính Mỹ cứu người dân Việt Nam trong vụ giết người hàng loạt ở Mỹ Lai ngày 16/3/1968. Ông nỗ lực đưa vụ việc ra ánh sáng bất chấp giới lãnh đạo Mỹ cố tình che giấu tội ác của binh sĩ.

Hành động của Thompson giúp ông nhận được huân chương anh hùng của người Mỹ nhưng quan trọng hơn là phơi bày tội ác chống loài người ra trước thế giới. 

Chĩa súng vào đồng đội cứu nạn nhân thảm sát 

Hugh Clowers Thompson, Jr. sinh ngày 15/4/1943 tại Atlanta, Georgia. Trước khi gia nhập quân ngũ, ông là thợ điện. Thompson phục vụ trong Hải quân Mỹ sau đó trở thành phi công lái trực thăng. Ông hoàn thành khóa đào tạo lái máy bay ở Fort Wolters, Texas và Fort Rucker, Alabama năm 1966. Một năm sau đó, ông sang Việt Nam.

Hugh-Clowers-Thompson

Hugh Clowers Thompson - phi công cứu người dân Việt Nam năm 1968. Ảnh: Wikipedia. 

Đảm trách nhiệm vụ bay trinh sát trong ngày 16/3/1968, Thompson phát hiện lính Mỹ sát hại người dân ở Mỹ Lai. Thậm chí, một binh sĩ đã bắn chết phụ nữ ngay trước mặt Thompson và đội bay dù họ đã thả khói xanh, tín hiệu cho thấy có người cần cấp cứu. Trong một hội nghị khoa học về Mỹ Lai ở Đại học Tulane tháng 12/1994, Thompson kể: “Chúng tôi bay trong khu vực và nhanh chóng nhận ra xác người nằm la liệt khắp nơi. Phần lớn thi thể là trẻ em, phụ nữ và những người đàn ông lớn tuổi”. 

Khi phát hiện đồng đội đang sát hại những người dân vô tội, Thompson buộc phải hành động cứng rắn. Ông ra lệnh cho hai thành viên phi hành đoàn chĩa súng máy hạng nặng cố định trên trực thăng vào những binh sĩ đang thảm sát. Hỏa lực vượt trội giúp họ ngăn được những kẻ khát máu. 

Với sự trợ giúp của hai người điều khiển trực thăng vận tải đa nhiệm UH-1 Huey, các phi công Mỹ đã đưa được hơn 10 thường dân vô tội thoát khỏi họng súng của đồng đội. Họ cũng cứu một đứa trẻ bị những xác người đè lên và chuyển bé tới bệnh viện. 

Sau khi trở về căn cứ, Thompson báo cáo vụ việc lên lãnh đạo quân đội. Ngay lập tức, chỉ huy lệnh hủy bỏ chiến dịch đang diễn ra ở Mỹ Lai. Tuy nhiên, giới chức quân sự Mỹ ra lệnh che đậy vụ thảm sát trong khi Thompson tiếp tục đảm trách nhiệm vụ do thám. 

Hành trình phơi bày sự thật 

Nỗi ám ảnh Mỹ Lai đeo bám Thompson nhiều năm sau khi giải ngũ. Nó khiến ông buộc phải đấu tranh để phơi bày sự thật đẫm máu. “Tôi nhận được nhiều cuộc gọi dọa giết. Chúng ném xác động vật vào nhà tôi. Những con vật chết không toàn thây nằm trên cửa nhà vào mỗi buổi sáng”, Thompson nói với chương trình 60 Phút của Đài CBS trong năm 2004. 

tham-kich-my-lai-tai-viet-nam

Thảm kịch Mỹ Lai qua ống kính của phóng viên người Mỹ Ronald L. Haeberle. Ảnh: Wikipedia. 

Tuy nhiên, cuộc đấu tranh chính nghĩa của Thompson đã được đền đáp. Dù một quân nhân Mỹ phải hầu tòa, thế giới đã biết tới vụ việc kinh hoàng ở ngôi làng nhỏ của Việt Nam năm 1968. 30 năm sau vụ thảm sát, Thompson và hai thành viên phi hành đoàn được trao tặng huy chương Quân nhân, danh hiệu cao quý nhất dành cho những anh hùng không còn ra chiến trận của Mỹ. 

Đúng 3 thập niên sau ngày vụ thảm sát diễn ra, Thompson trở lại Việt Nam dự lễ kỷ niệm 30 năm sự kiện. “Điều khủng khiếp đã xảy ra ở đây 30 năm trước. Tôi không thể giải thích vì sao nó xảy ra. Tôi chỉ muốn mình và phi hành đoàn có thể đưa nhiều người thoát khỏi địa ngục hơn những gì chúng tôi đã làm”, CNN dẫn lời Thompson. 

Cựu phi công Mỹ qua đời năm 2006 vì ung thư. Ông trút hơi thở cuối cùng tại Trung tâm Y tế dành cho các cựu chiến binh ở Alexandria, Louisiana hôm 6/1/2006. 

Theo Zing.vn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến