Tin liên quan
Tháng 8 là một quãng thời gian tồi tệ đối với các nhà đầu tư Trung Quốc. Thị trường chứng khoán nước này đã giảm 11% trong tháng này và tổng cộng 40% từ mức đỉnh tháng 6. Đồng Nhân dân tệ (NDT) luôn được chính phủ Trung Quốc kiểm soát một cách chặt chẽ, đã giảm một cách chưa từng có tiền lệ trong quá khứ. 2% giá trị giảm so với USD trong ngày 11/8 là con số lớn nhất trong một ngày giao dịch từng được Bắc Kinh chấp thuận kể từ 1994 - khi tỷ giá hối đoái chính thức giữa NDT và đồng USD được đưa ra. NDT giảm tiếp 1% ngày sau đó (12/8).
Tình cảnh của Trung Quốc hiện nay và Mỹ trong khủng hoảng tài chính 2008 mang những nét tương đồng. Cả hai đều chịu những cú sốc tài chính, tăng trưởng chậm lại, thị trường nhà đất đi xuống. Nhưng Trung Quốc không trải qua cái gọi là “cú sốc Lehman” (Sự sụp đổ của ngân hàng lớn thứ 4 nước Mỹ Lehman Brothers).
Thay vào đó, nền kinh tế nước này chứng kiến thị trường chứng khoán lao dốc và sự phá đồng nội tệ chưa từng có. Tuy nhiên đây dường như là hệ quả của những chính sách kinh tế có tính toán kỹ càng gần đây của Bắc Kinh.
Mục tiêu của những chính sách này là khiến các thị trường vốn của Trung Quốc trở nên toàn cầu hơn, đồng thời nới lỏng sự kiểm soát của chính phủ đối với chúng. Ngoài ra, một sự điều chỉnh giảm cũng là cần thiết nhằm trả thị trường tài chính Trung Quốc về giá trị thực của nó, đặc biệt trong bối cảnh giới quan sát quốc tế tỏ ra nghi ngờ trước những con số mà Bắc Kinh đưa ra.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc chứng kiến sự tăng trưởng quá nóng trong những năm qua. Đặc biệt ngay sau khi giới chức nước này áp dụng chương trình “Kết nối thị trường chứng khoán Thượng Hải- Hồng Kông” (Shanghai - Hongkong Stock Conect) nhằm thu hút dòng vốn từ bên ngoài vào Đại lục, hơn 50 triệu tài khoản mới đã được mở chỉ trong giai đoạn từ tháng 11-2014 tới tháng 6-2015. Hệ quả tất yếu là giá chứng khoán đã tăng tới 150% trong giai đoạn trên.
Thị trường chứng khoán Hồng Kông giảm điểm kỷ lục ngày 8/7/2015
Tuy nhiên trạng thái hưng phấn của các nhà đầu tư nhanh chóng bị dập tắt vào ngày 9-6, khi MSCI (Morgan Stanley Capital International) từ chối đưa chứng khoán Trung Quốc vào giỏ chỉ số tiêu chuẩn của nó. Chỉ số Shanghai Composite ngay lập tức giảm 2,2% sau thông tin trên và chốt phiên giảm 3%. Nếu MSCI làm ngược lại, nó có thể đã khuyến khích các quỹ đầu tư quốc tế mua vào, đẩy mạnh dòng vốn khổng lồ từ bên ngoài vào thị trường chứng khoán trong nước.
Thay vì vậy, MSCI từ chối, bày tỏ lo ngại về chính sách quản lý kém minh bạch của chính phủ Trung Quốc lên vốn ngoại. Từ đấy cho tới cuối tháng 8, chỉ số Shanghai Composite giảm gần 40% mặc dù Bắc Kinh đã liên tục chỉ đạo các công ty nhà nước tăng cường mua lại chứng khoán và ngăn ngừa các nhà đầu tư bán ra.
Tương tự, hành động phá giá đồng nội tệ của Trung Quốc có thể được lý giải rằng Bắc Kinh đang muốn tăng cường vai trò và sức ảnh hưởng của đồng NDT trên thị trường tài chính thế giới. Từ khủng hoảng thế giới 2008, chính phủ nước này đã và đang cố gắng biến đồng tiền của họ trở nên toàn cầu hơn nhằm giảm sự phụ thuộc vào đồng USD.
Trong nỗ lực khuyến khích thế giới chấp nhận NDT, Bắc Kinh đã và đang mời chào các khoản giao dịch bằng NDT với các ngân hàng Trung ương khác. Đồng thời thúc đẩy đồng NDT trong thanh toán với các công ty hoạt động trên thị trường thương mại quốc tế và khuyến khích giao dịch bằng đồng tiền này trên thị trường trái khoán Hồng Kông.
Ngoài ra, như một phần trong chiến dịch khuyến khích sử dụng NDT trong thanh toán quốc tế, Bắc Kinh đã nới lỏng các quy định, cho phép các dòng vốn chảy tự do qua lại biên giới. Tuy nhiên từ giữa năm 2014, những dòng vốn này chủ yếu chảy ngược ra ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Hệ quả là từ tháng 6 năm 2014 tới tháng 8 năm 2015, dự trữ ngoại hối của nước này giảm 10% tương đương 436 tỷ USD.
Một số yếu tố kinh tế vĩ mô có thể giải thích cho sự sụt giảm này: Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của TQ năm 2015 ghi nhận con số yếu nhất từ cuộc suy thoái 2008. Bên cạnh đó, việc ngân hàng Trung ương TQ cắt giảm lãi suất 5 lần từ tháng 11-2014, trong khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ đang rục rịch chuẩn bị tăng lãi suất cũng khiến các nhà đầu tư tiếp tục tìm đường tháo chạy khỏi Đại lục.
Xuất khẩu của Trung Quốc tăng trưởng chậm nhất từ 2008
Để làm chậm lại dòng chảy này, Bắc Kinh đã cho phép phá giá đồng NDT nhằm giảm bớt sự định giá quá cao của NDT so với các đồng tiền chính khác (ngoài USD), trong bối cảnh những đồng tiền này đã giảm giá trị đáng kể so với USD từ giữa 2014.
Gần đây nhất, chính phủ Trung Quốc đã cố gắng thuyết phục Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) đưa đồng NDT vào rổ tiền tệ của tổ chức này - cái hiện nay đang bao gồm USD, Euro, Bảng Anh và đồng Yên của Nhật. Giới chức Trung Quốc tin rằng động thái này sẽ khuyến khích các quỹ đầu tư quốc gia, ngân hàng Trung ương và các cơ quan tài chính khác giữ đồng NDT trong dự trữ tài sản của họ.
Tuy nhiên bước đi này của Bắc Kinh chỉ nhận được ánh mắt nghi ngại từ giới quan sát bởi sự kiểm soát chặt chẽ tỉ giá nói riêng và cả nền kinh tế nói chung của chính phủ Trung Quốc.
Đồng thời với việc phá giá đồng nội tệ của mình, ngân hàng Trung ương nước này cũng thông báo chính sách tỉ giá mới nhằm khiến đồng NDT xích lại gần hơn với nguyên tắc thị trường: Theo đó, ngân hàng này tiếp tục giới hạn biên độ tỉ giá 2% mỗi ngày so với một tỉ giá cố định được nó thông báo mỗi buổi sáng. Nhưng tỉ giá cố định này sẽ tùy thuộc hơn vào biến động của thị trường tài chính và giá trị đồng tiền được giao dịch trên thị trường vốn ngày trước đó.
Chính sách tỉ giá mới này dường như là sự phản hồi trước hành động từ chối cho đồng NDT gia nhập rổ tiền chung của IMF. Bởi IMF yêu cầu các đồng tiền trong rổ tiền tệ của mình phải được giao dịch một cách tự do. Bởi vậy, một chính sách tỉ giá linh hoạt và hướng tới thị trường hơn là điều kiện tiên quyết cho sự gia nhập của đồng NDT trong rổ tiền tệ IMF.
Cái nền kinh tế Trung Quốc đang cần là tính ổn định, không phải tốc độ
Với cách nhìn này có thể thấy rằng mặc dù ngân hàng Trung ương Trung Quốc vẫn chưa cho phép đồng NDT giảm giá hơn nữa so với USD kể từ hôm 12 tháng 8, và tuyên bố rằng không có căn cứ nào cho hành động này, thì tham vọng đóng một vai trò lớn hơn trong thị trường tài chính toàn cầu cũng sẽ bắt buộc chính phủ Trung Quốc sớm giảm sâu hơn nữa giá trị đồng NDT - đồng nghĩa với sự bất ổn của đồng tiền này trong những tháng sắp tới.
Nếu điều này xảy ra, nó gần như sẽ dẫn tới một khung cảnh hỗn loạn trên thị trường. Tuy nhiên những hệ quả này có thể không quá tồi tệ đối với người Trung Quốc, thậm chí ngược lại:
Không giống ở Mỹ, nơi một cuộc khủng hoảng trên thị trường tài chính sẽ nhanh chóng lan tới thị trường tín dụng, khiến các công ty không thể vay được vốn, sản xuất đình trệ; nguồn cung tín dụng ở Trung Quốc tới chủ yếu từ các ngân hàng do nhà nước kiểm soát. Cơ chế này giúp chính phủ Trung Quốc có thể nhanh chóng can thiệp và ngăn chặn sự sợ hãi từ thị trường chứng khoán lan sang những phần còn lại của nền kinh tế.
Ngoài ra, ở Trung Quốc, thị trường chứng khoán chỉ cấu thành nên một phần nhỏ trong thu nhập người dân so với ở Mỹ, do vậy giới hạn được phần nào nguy cơ chi tiêu hộ gia đình giảm sút khi thị trường chứng khoán đi xuống.
Bởi vậy nếu đồng NDT giảm giá sâu hơn nữa trong những tháng tới, nó dường như sẽ mang tới nhiều lợi ích hơn cho nền kinh tế Trung Quốc. Đồng NDT yếu sẽ hỗ trợ xuất khẩu và giúp Trung Quốc giữ được dự trữ ngoại hối ở mức cao, qua đó đảm bảo tốc độ tăng trưởng chậm lại sẽ không trở thành một cuộc suy thoái.
Cơn sóng biến động tài chính trong mùa hè này dĩ nhiên không đánh dấu chấm hết cho nền kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên nó cho thấy rằng nếu Bắc Kinh muốn quốc tế hóa đồng tiền của mình, hay đảm bảo một vai trò quan trọng hơn trong hệ thống tài chính thế giới cũng như thoát khỏi ảnh hưởng đơn cực của đồng USD, Bắc Kinh không có lựa chọn nào khác phải nới lỏng dần và tiến tới dỡ bỏ chính sách kiểm soát chặt chẽ nền kinh tế như hiện nay. Điều này đồng nghĩa với sự biến động lớn hơn trên thị trường tài chính so với trong quá khứ. Nhưng nó sẽ mang tới những hệ quả tích cực cho nền kinh tế Trung Quốc trong dài hạn.
Nghi Điền (Theo Foreign Affairs)
Nên đọc
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy