Dòng sự kiện:
“Phố đông, Làng trống” - Báo nước ngoài viết về mặt tối của đô thị hóa Việt Nam
14/12/2015 17:24:06
ANTT.VN - Ông Đặng Nguyên Anh, Viện Trưởng Viện Xã hội học Việt Nam cho biết, sự thay đổi này là hoàn toàn dễ hiểu “Nếu bạn tìm được một công việc tốt, bạn sẽ không muốn quay trở về quê hương của mình” - ông nói.

Tin liên quan

Mở đầu bài viết của mình bằng câu chuyện của gia đình chị Vũ Thị Linh, Hãng thông tấn Pháp AFP viết: “Khi chị Linh cùng hai con quyết định bỏ lại ngôi nhà rộng rãi của mình ở quê để chuyển đến sống trong một căn phòng trọ nhỏ hẹp ở Hà Nội, chị đã hy vọng rằng con cái của mình sẽ được nhận một nền giáo dục tốt hơn - một điều mà chị chưa bao giờ có”.

Chị Linh cùng hai con gái chỉ là một trong số hàng trăm nghìn người dân ở vùng nông thôn Việt Nam quyết định rời bỏ quê hương để chuyển đến sống tại các thành phố lớn và đông đúc như Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh mỗi năm. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là một trong những nước có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất Châu Á.

Trong khi tin tốt là tăng trưởng kinh tế Việt Nam rõ ràng đã có dấu hiệu tăng lên, các thành phố lớn tại đất nước này đang phải vật lộn để đối đối phó với một số lượng khổng lồ dân cư đổ về từ các tỉnh thành khác. Để lại hậu quả là chỉ còn người già và trẻ nhỏ sinh sống tại các vùng nông thôn.

Một người dân ngoại tỉnh hành nghề thu mua phế liệu trên một con phố ở trung tâm thành phố Hà Nội (Ảnh: Hoàng Đình Nam/ AFP).

Chị Linh chuyển đến sống ở Hà Nội kể từ tháng 6 sau khi nghe tin hai con gái đỗ đại học. Chia sẻ với AFP, chị tâm sự: “Tôi không nghĩ rằng cuộc sống ở trên thành phố có gì thú vị, nhưng vì tương lai của các con, tôi đã phải thay đổi quan điểm của mình”. “Chúng (các con tôi) bây giờ đã trở nên hiểu biết hơn rồi, giờ chúng không còn muốn quay về sống ở quê nữa” - chị nói thêm.

Kể từ sau năm 1975 - cột mốc đánh dấu sự kết thúc của những thập kỷ chìm trong chiến tranh ở Việt Nam, đất nước Đông Nam Á này đã phát triển một cách nhanh chóng từ một quốc gia nghèo khó, thiếu thốn lương thực, thực phẩm sang một nước có thu nhập trung bình và trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Mặc dù vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết trong lĩnh vực ngân hàng và khu vực nhà nước, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam trong năm nay đã tăng trưởng nhanh hơn so với dự kiến. Các nhà phân tích cũng cho biết Việt Nam là một trong những nước duy nhất ở khu vực Đông Nam Á có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng nhanh chóng.

Khoảng 70% trên tổng số hơn 90 triệu người dân Việt Nam vẫn sống dựa vào nông nghiệp tại các vùng nông thôn. Tuy vậy, đường hướng phát triển của Việt Nam là trở thành “một quốc gia hiện đại và công nghiệp hóa vào năm 2035”.

Hiện nền kinh tế Việt Nam đang sản xuất theo định hướng xuất khẩu, kết hợp phát triển xây dựng và dịch vụ, cũng vì vậy mà nhiều người dân ở các tỉnh thành khác di chuyển đến các thành phố lớn với hy vọng tìm kiếm được việc làm tại các khu công nghiệp ở khu vực ngoại ô.

Đối với nhiều người mới đến, cuộc sống ở nơi ở mới không thực sự dễ dàng. Như gia đình chị Linh là một ví dụ. Linh chấp nhận đánh đổi ngôi nhà cùng vườn rau và cây ăn quả rộng đến 500 m2 ở Thái Bình để chuyển đến sống với 2 con gái trong một căn phòng trọ rộng chưa đầy 20 m2. Tuy nhiên, nếu xét về khía cạnh thu nhập kiếm được, số tiền 300.000 đồng/ngày mà chị thu về nhờ vào công việc lao công và thu lượm phế liệu tại Hà Nội là lớn hơn nhiều so với số tiền mà chị có thể kiếm được nếu làm việc ở quê.

Cùng quan điểm với chị Linh, ông Lê Văn Mừng, người đã chuyển đến sống ở Hà Nội từ hơn một thập kỷ trước, chia sẻ với AFP: “Cuộc sống ở quê quá khó khăn. Chúng tôi không thể kiếm được nhiều tiền mặc dù chúng tôi đã làm việc rất vất vả với rất nhiều nghề”.

Xuất thân là dân ngoại tỉnh, ông Mừng quê gốc ở tỉnh Hà Nam. Hiện tại ông đang làm thợ điện và vợ ông có mở một cửa hàng nhỏ. Hiện thu nhập của cả hai vợ chồng ông Mừng mỗi tháng khoảng hơn 13 triệu đồng, đủ cho cả hai ông bà trả tiền thuê nhà và trang trải việc học hành cho hai con. “Cuộc sống ở Hà Nội không phải dễ dàng gì. Nhưng chúng tôi phải cố gắng kiếm tiền vì con. Tôi nghĩ là chúng sẽ có cuộc sống tốt hơn bố mẹ chúng”, ông Mừng nói thêm.

Một người lao động ngoại tỉnh ăn trưa tại một nhà hàng nhỏ ở Hà Nội (Ảnh: Hoàng Đình Nam/AFP).

Theo số liệu của WB, từ năm 2000 đến năm 2010, có khoảng 7,5 triệu người di chuyển đến các thành phố lớn của Việt Nam. Tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam hiện tại là 4,1%. Trong số 14 quốc gia ở Đông Nam Á mà WB đề cập đến, chỉ có duy nhất hai quốc gia láng  giềng với Việt Nam là Lào và Campuchia có tỷ lệ cao hơn.

Việt Nam hiện có 23 triệu người dân sống tại các thành phố lớn, con số này đã biến Việt Nam trở thành nước có tốc độ đô thị hóa lớn thứ 6 tại Đông Nam Á.

“Ở đây (thành phố) có nhiều công việc với mức lương được trả cao hơn và nhiều cơ hội hơn so với ở quê” - ông Đặng Nguyên Anh, Viện Trưởng Viện Xã hội học ở Hà Nội, cho biết. Hơn nữa, thế hệ trẻ hiện nay dường như đang quay lưng lại với lối sống nông thôn truyền thống. “Thật khó để cưỡng lại sức hấp dẫn của cuộc sống thành phố”, ông Anh cho biết.

Theo số liệu thống kê của Việt Nam, mỗi năm có khoảng 100.000 người dân chuyển đến sinh sống ở thủ đô Hà Nội và khoảng 130.000 người đến TP.HCM. Đối với một đất nước nơi mà cụm từ “về nhà” được hiểu theo nghĩa đen là “trở về làng”, đây được coi là một con số đáng chú ý.

Chia sẻ với AFP, ông Phạm Văn Thanh, một quan chức thành phố Hà Nội cho biết, những người dân chuyển đến sống tại các thành phố lớn hầu hết đều là sinh viên và lao động phổ thông. Điều này vừa mang lại lợi ích nhưng cũng đặt “các áp lực về văn hóa, giáo dục, giao thông, chăm sóc sức khỏe” lên những thành phố này.

Hà Nội và TP.HCM đang chạy đua trong việc xây dựng các hệ thống cơ sở hạ tầng như đường giao thông, hệ thống cấp, thoát nước cho thành phố nhưng vẫn khó có thể theo kịp được với tốc độ gia tăng dân số của nó. Theo các chuyên gia, ùn tắc giao thông ở các đô thị đã trở thành một vấn đề lớn, trong khi các trường học, bệnh viện đang trở nên quá tải.

Tắc đường tại một ngã tư ở Hà Nội (Ảnh: Hoàng Đình Nam/AFP).

Ở TP.HCM, mỗi năm có khoảng 85.000 học sinh mới nhập trường. Ở một số khu vực, hơn một nửa trong số này có thể là con em từ các tỉnh thành khác đến.

Những quy định liên quan đến việc đăng ký hộ khẩu ở Việt Nam cũng gây không ít khó khăn cho người dân ngoại tỉnh trong việc tiếp cận với các các chương trình chăm sóc sức khỏe và giáo dục miễn phí tại các thành phố lớn. Mặc dù trong một số trường hợp, hiện tượng đút lót và tham nhũng cũng có thể phần nào giúp xóa bỏ được rào cản này.

Chia sẻ với AFP, ông Phạm Văn Thanh nói thêm, hiện tại các nhà chức trách “không nỗ lực để giảm thiểu số lượng người di cư”. Tuy nhiên, xu hướng này cũng sẽ tạo ra những ảnh hưởng không tốt đến khu vực nông thôn. Hiện tại, do hầu hết những người trưởng thành trong độ tuổi lao động đều di cư đến các thành phố lớn hoặc các khu công nghiệp để làm việc, phần lớn người dân sống ở khu vực nông thông đều là người già và trẻ nhỏ.

Ông Đặng Nguyên Anh, Viện Trưởng Viện Xã hội học cho biết, sự thay đổi này là hoàn toàn dễ hiểu “Nếu bạn tìm được một công việc tốt, bạn sẽ không muốn quay trở về quê hương của mình” - ông nói.

Phương Phương – Theo AFP

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến