Phó TGĐ ABBank: 'Chữa “khối u” nợ xấu, cần cả hệ thống chung tay'
13/02/2017 07:53:08
ANTT.VN - "Ở ABBank, vấn đề xử lý nợ xấu luôn nhận được sự quan tâm sâu sát của các cấp lãnh đạo cao nhất từ Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban điều hành ngân hàng và được triển khai quyết liệt, tích cực đến các CN/PGD, mục tiêu đặt ra là tập trung xử lý nợ xấu đồng thời kiểm soát chất lượng tín dụng để không phát sinh nợ xấu mới".

Tin liên quan

Năm 2016, ngành ngân hàng tập trung tiếp tục thực hiện tái cơ cấu và xử lý nợ xấu để thanh lọc hệ thống, lành mạnh hóa hoạt động kinh doanh từ huy động đến cho vay. Bên cạnh việc tập trung giải quyết những khó khăn tồn đọng từ trước, các tổ chức tín dụng còn không ngừng nâng cao hiệu quả kinh doanh, đáp ứng yêu cầu của cổ đông và khách hàng.

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho rằng, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, việc xử lý nợ xấu khó có thể có sự hỗ trợ trực tiếp của ngân sách nhà nước, quan trọng vẫn là nỗ lực từ các ngân hàng thương mại. Các ngân hàng cần tăng cường trích dự phòng rủi ro từ nguồn lợi nhuận, đồng thời đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn trong quá trình xử lý tài sản đảm bảo khi xử lý nợ xấu.

Đối với một số ngân hàng khi đã trải qua giai đoạn khó khăn, việc xử lý nợ xấu còn phụ thuộc rất lớn vào trách nhiệm, sự quyết liệt thực hiện trên toàn hệ thống, sự phối hợp đồng bộ giữa các chi nhánh và đơn vị chuyên trách xử lý nợ ở Hội sở cũng như sự chỉ đạo hỗ trợ sâu sát của các cấp lãnh đạo ngân hàng.

Phóng viên ANTT.VN đã có buổi trao đổi trực tiếp với ông Bùi Trung Kiên – Phó Tổng giám đốc ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) về kinh nghiệm xử lý nợ xấu và những kết quả của ngân hàng trong năm qua.

Ông Bùi Trung Kiên - Phó Tổng giám đốc ngân hàng TMCP An Bình (ABBank)

ABBank báo lãi 288 tỷ đồng

PV: Xin ông cho biết kết quả hoạt động kinh doanh của ABBank trong năm 2016?

Ông Bùi Trung Kiên: Năm 2016 là năm ABBank đạt thành công trên nhiều mảng hoạt động; năng lực tài chính của Ngân hàng được tăng cường, các chỉ tiêu kinh doanh có sự tăng trưởng mạnh so với cuối năm 2015.

Đến cuối năm 2016, vốn điều lệ ngân hàng đạt trên 5.319 tỷ đồng, tăng 10.8% so với cuối năm 2015. Tổng tài sản của ABBank đạt 74.517 tỷ đồng, tăng hơn 15% so với năm 2015. Huy động và cho vay trên thị trường 1 tăng lần lượt 9% và 30% so với năm trước.

Kết quả kinh doanh của ABBank cũng ghi nhận những con số lạc quan với mức lợi nhuận trước thuế đạt trên 288,1 tỷ đồng, tăng trưởng lợi nhuận năm 2016 đạt 68%. Một dấu hiệu tích cực hơn là thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ đạt kết quả ấn tượng 123 tỷ đồng – tăng gấp đôi so với năm 2015.  

Hiệu quả của ngân hàng có thể được đánh giá qua tổng hòa nhiều tiêu chí khác nhau, tuy nhiên qua những kết quả mà ABBank đạt được năm qua trong bối cảnh ngành ngân hàng còn nhiều khó khăn, chúng tôi có thể tự tin sẽ tiếp tục đáp ứng được yêu cầu của cổ đông trong thời gian tới.

PV: Nợ xấu luôn là mối quan tâm của cổ đông, khách hàng đối với ngành ngân hàng thời gian gần đây. Vậy tình hình của ABBank hiện nay ra sao?

Ông Bùi Trung Kiên: Kết thúc năm 2016, theo đánh giá sơ bợ, chất lượng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ với tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ tiếp tục được giữ ở mức dưới 3% theo quy định của NHNN. Việc hạn chế và giảm nợ xấu luôn là mục tiêu được ABBank chú trọng đặc biệt trong thời gian qua.

Để đạt kết quả này, theo tôi, một yếu tố quan trọng là sự quyết liệt thực hiện trên toàn hệ thống cùng sự triển khai phối hợp đồng bộ giữa các CN và Đơn vị chuyên trách xử lý nợ ở Hội sở cũng như sự chỉ đạo hỗ trợ sâu sát của các cấp lãnh đạo NH.

Ở ABBank, vấn đề xử lý nợ xấu luôn nhận được sự quan tâm sâu sát của các cấp lãnh đạo cao nhất từ Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban điều hành ngân hàng và được triển khai quyết liệt, tích cực đến các CN/PGD.  Chúng tôi tập trung xử lý nợ xấu đồng thời kiểm soát chất lượng tín dụng để không phát sinh nợ xấu mới. Từ khẩu vị rủi ro, các quy trình kiểm soát, các khâu trong công tác tín dụng (thẩm định, giải ngân, kiểm soát sau cho vay,…), các chỉ tiêu an toàn tín dụng được giám sát và tăng cường thường xuyên.

Công tác xử lý nợ được chuyên môn hóa, phân cấp và quản lý tập trung tại Hội sở, đồng thời triển khai tích cực các hoạt động xử lý, thu hồi nợ tại các CN/PGD. Chỉ tiêu xử lý nợ là chỉ tiêu quan trong trọng công tác đánh giá đối với hoạt động của các đơn vị và cán bộ liên quan.

Tập trung vào lĩnh vực bán lẻ, đưa ABBank lên sàn năm 2017

PV: Phân khúc khách hàng mà ABBank tập trung chủ yếu là gì và ngân hàng đã có chiến lược như thế nào để tiếp cận được “đúng và trúng” khách hàng mục tiêu?

Ông Bùi Trung Kiên: Tầm nhìn của ABBank là trở thành NHTMCP hàng đầu Việt Nam tập trung vào lĩnh vực bán lẻ; do đó doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) là nhóm khách hàng trọng tâm ABBank hướng đến. Nhìn nhận thấy những tiềm năng phát triển của nhóm khách hàng này cũng như những khó khăn mà các  doanh nghiệp SME gặp phải trong quá trình tiếp cận vốn, dịch vụ ngân hàng; ABBank đã triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp SME.

Chúng tôi đã đẩy mạnh chuyên môn hóa, tiến tới hình thành các trung tâm chuyên phục vụ khách hàng SME. Các chính sách quy trình cho vay, tài sản đảm bảo cũng được hoàn thiện theo hướng vừa đáp ứng các quy định, đảm bảo an toàn vừa được đơn giản hóa, rút ngắn thời gian xử lý.

Trong năm 2016, ABBank đã dành tương đương hơn 10.000 tỷ đồng nguồn vốn giá rẻ để chia sẻ khó khăn và hỗ trợ các doanh nghiệp. Bên cạnh đó còn không ngừng chọn lọc các ngành/lĩnh vực cho vay không có bảo đảm bằng tài sản, cho vay đảm bảo bằng khoản phải thu từ các hợp đồng kinh tế, … nhằm tháo gỡ rào cản về tài sản bảo đảm trong việc tiếp cận vốn của phân khúc khách hàng này.

Năm 2017, ABBank tiếp tục đẩy mạnh phát triển khách hàng SME trong đó bao gồm cả tiểu phân khúc Micro SME và các doanh nghiệp khởi nghiệp start-up. Đánh giá đây là thị trường tiềm năng, chúng tôi cùng với sự hỗ trợ từ Công ty tài chính quốc tế (IFC) đã và đang nghiên cứu tìm hiểu đặc thù nhu cầu của nhóm khách hàng mục tiêu, từ đó xây dựng chiến lược, mô hình nhân sự và hệ thống sản phẩm chuyên biệt nhằm khai thác và đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng.

PV: Theo các chuyên gia kinh tế, năm 2017 đặt ra khá nhiều thách thức và khó khăn từ các yếu tố trong và ngoài nước, vậy ABBank đã chuẩn bị những gì cho thời gian tới?

Ông Bùi Trung Kiên: Năm 2017 cũng được coi là năm bản lề để ABBank tập trung đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh theo định hướng bán lẻ với phương châm phát triển bền vững. Với định hướng đó, chúng tôi sẽ tích cực triển khai các dự án chiến lược đã được HĐQT thông qua; tập trung nâng cao chất lượng, dịch vụ, sản phẩm bán lẻ.

Về kế hoạch kinh doanh, ABBank đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 72% so với năm 2016, duy trì định mức tín nhiệm cao của Moody’s sau khi được nâng hạng vào tháng 10/2016 vừa qua. Một vấn đề trọng tâm cũng được HĐQT và Ban điều hành ngân hàng quan tâm đó là đưa cổ phiếu ABBank lên sàn giao dịch chứng khoán.

Về công tác điều hành, chúng tôi sẽ đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin đặc biệt trong các hoạt động liên quan đến khách hàng; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống. Đồng thời, Ngân hàng cũng chú trọng việc chuẩn hóa các hoạt động theo chuẩn mực/thông lệ quốc tế, duy trì định mức tín nhiệm cao để khẳng định thương hiệu ABBank trên thị trường ngân hàng.

Xin cảm ơn ông!

Hoa Liên (t/h)

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến