Dòng sự kiện:
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình: Phải khởi tố một số vụ cát tặc!
08/03/2017 07:56:26
"Có thể có tình trạng cơ quan chức năng, chính quyền địa phương buông lỏng quản lý, bao che, thậm chí là có dấu hiệu bảo kê tội phạm” - Phó thủ tướng Trương Hòa Bình nói trong cuộc họp về “cát tặc” với các bộ, ngành, địa phương chiều 7-3.

Tin liên quan

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo mở đợt cao điểm tấn công cát tặc

Có dấu hiệu bảo kê cho vi phạm, tội phạm

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định cát sỏi là nguồn tài nguyên thiên nhiên có hạn, cần nhiều năm để tái tạo.

Với đà khai thác như hiện nay thì nguồn tài nguyên này sẽ sớm cạn kiệt; đồng thời gây ra nhiều hệ lụy khác nhu xói mòn, sạt lở bờ sông, làm thay đổi dòng chảy tự nhiên, ảnh hưởng đến các công trình quan trọng, tác động xấu đến môi trường, gây ảnh hưởng đến tài sản và tính mạng người dân sinh sống xung quanh, gây mất an toàn cho các phương tiện giao thông đường thủy, gây bức xúc dư luận...

Phó thủ tướng cho biết Chính phủ và Thủ tướng đã ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo để chấn chỉnh tình trạng khai thác cát trái phép, nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, đến nay hoạt động khai thác cát sỏi vẫn diễn biến phức tạp, chưa được ngăn chặn hiệu quả.

“Nguyên nhân khách quan là địa bàn khai thác cát trái phép trải rộng, kéo dài qua nhiều tỉnh, thành, số đối tượng khai thác cát trái phép nhiều, sống ven sông, thông thạo sông nước, thủ đoạn hoạt động tinh vi, đa dạng, thường xuyên thay đổi hình thức, quy luật hoạt động và có tổ chức chặt chẽ, có kế hoạch đối phó, né tránh khi lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý” - Phó thủ tướng nêu.

Ông cho biết thêm: “Thời gian bơm hút cát diễn ra nhanh trong khoảng 30-60 phút, được trang bị máy móc hiện đại, công suất lớn, thường diễn ra ban đêm tại các địa bàn giáp ranh, các đối tượng vi phạm thường xây dựng hệ thống “chân rết” rộng đẻ cảnh báo, theo dõi hoạt động của các cơ quan chức năng nên việc tổ chức bắt giữ, xử lý gặp nhiều khó khăn”.

Về nguyên nhân chủ quan, phó thủ tướng cho rằng “một số nơi cấp ủy, chính quyền ở cơ sở còn buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản. Việc xử lý vi phạm thiếu nhất quán, chưa đủ tính răn đe đối tượng vi phạm”.

“Chúng ta cũng phải thấy một thực tế là có những vi phạm diễn ra công khai, ban ngày, liên tục nhưng vẫn không bị xử lý gì. Có thể có tình trạng cơ quan chức năng, chính quyền địa phương buông lỏng quản lý, bao che, thậm chí là có dấu hiệu bảo kê cho tội phạm. Đằng sau các hoạt động khai thác trái phép lại có bóng dáng của tội phạm, tổ chức bảo kê cho hoạt động này” - ông Trương Hòa Bình nói.

Phải khởi tố hình sự các vụ trọng điểm

Trước sự bức xúc của nhân dân và các hệ lụy do nạn khai thác cát trái phép gây ra, phó thủ tướng yêu cầu các lực lượng chức năng phải có quyết tâm lớn để ngăn chặn, đẩy lùi.

“Bộ Công an trước mắt mở đợt đấu tranh cao điểm chống cát tặc từ 15-3 đến 1-6-2017. Xem xét khởi tố hình sự một số vụ án trọng điểm để góp phần răn đe, phòng ngừa chung. Phải chỉ đạo lập chuyên án, làm rõ đường dây khai thác cái trái phép” - phó thủ tướng yêu cầu.

Ông cũng lưu ý “Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Công an đề xuất chế tài cần thiết, đủ sức răn đe các hành vi khai thác cát trái phép. Chế tài xử lý phải xử lý, tránh để đối tượng kiện ngược lại lực lượng chức năng. Bắt tàu cát khai thác trái phép thì tàu đó là phương tiện phạm pháp cần phải xử lý, chứ không thể để tình trạng họ đánh chìm tàu rồi quay lại kiện ngược cơ quan chức năng. Kiến nghị TAND tối cao hướng dẫn xử lý trước mắt, có án lệ, chứ để bó tay là không được”.

Vẫn theo phó thủ tướng Trương Hòa Bình, cần xác định rõ trách nhiệm cấp ủy, chính quyền trong quản lý địa bàn, đấu tranh với nạn khai thác cát sỏi trái phép. Nơi nào để tình trạng vi phạm kéo dài thì phải xử lý người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương đó.

Với các xã giáp ranh, chủ tịch huyện phải chịu trách nhiệm, giáp ranh huyện thì chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm, giáp ranh các tỉnh thì trung ương phải vào cuộc. Phát hiện cán bộ bao che, bảo kê vi phạm thì phải xử lý nghiêm minh.

Trước đó, phát biểu tại cuộc họp, thượng tướng Lê Quý Vương, thứ trưởng Bộ Công an cho rằng có cả sự vi phạm của các doanh nghiệp, đơn vị được cấp phép khai thác chứ không chỉ là vi phạm của cát tặc.

“Ví dụ như cấp phép cho ông nạo vét có 5m, nhưng ông nạo vét tới 15m, gây ra rất nhiều hệ lụy xấu cho môi trường, xói lở, đời sống người dân” - ông Vương nêu ví dụ.

Ông Vương cũng “đồng tình với ý kiến các địa phương là truy tố một vụ hình sự là rất khó khăn. Hà Nội năm ngoái chúng tôi phối hợp mãi mới bắt được vụ vi phạm các quy định về tài nguyên, môi trường. Phối hợp để bắt một vụ trên sông là không dễ, vừa phải chống tội phạm vừa phải đảm bảo an toàn”.

Theo Tuổi trẻ

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến