Dòng sự kiện:
Phó Tổng cục trưởng Lâm nghiệp: Chắc chắn phải giải tỏa xưởng gỗ dăm trái phép
21/03/2016 16:13:06
ANTT.VN - Hàng loạt xưởng gỗ dăm trái phép mọc lên ở hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa. Tuy nhiên, bất chấp chính quyền địa phương, “ông chủ” của những nhà máy này vẫn xây dựng, đưa vào vận hành bất chấp pháp luật.

Tin liên quan

Liên quan đến tình trạng khai thác, lập xưởng gỗ dăm trái phép này, ANTT.VN đã có cuộc phỏng vấn ông Cao Chí Công, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT).

Ông Cao Chí Công, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT)

Ông Công cho biết: Văn bản 2775 (hướng dẫn thực hiện thẩm định điều kiện hình thành các dự án mới về sản xuất dăm gỗ) ngày 6/4/2015 của Bộ NN&PTNT đã hướng dẫn rất chi tiết về việc thẩm định các cơ sở sản xuất dăm gỗ trong đó có 2 điểm rất cơ bản.

Thứ nhất, đối với các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, đồng bằng Sông Cửu Long, Đông Nam Bộ sẽ không hình thành các cơ sở sản xuất dăm mới. Theo tôi được biết và các tỉnh báo cáo đến giờ phút này các vùng đó không có các cơ sở sản xuất mới.

Thứ hai, đối với vùng Bắc Trung bộ (Thanh Hóa, Nghệ An) và Đông Bắc thì sẽ không hình thành các cơ sở dăm mới mà chỉ có sản xuất dăm, nếu có hình thành các cơ sở mới thì trong dây chuyền của nó là phải có đầu tư chế biến sâu. Ví dụ, cơ sở mới hình thành ngoài việc chế biến dăm lấy từ cành, ngọn, bìa, bắp, thì gỗ dăm đó phải để chế biến thành các sản phẩm như: Mộc, ván dăm, bột giấy… thì mới được phép.

Nếu các cơ sở được phép phải đảm bảo 4 yêu cầu: Phù hợp với quy hoạch chế biến gỗ theo quyết định 2728 của Bộ NN&PTNT ban hành ngày 21/10/2012. Phải chủ động được nguồn nguyên liệu tối thiểu 50%. Phải được Bộ NN&PTNT chấp thuận. Cuối cùng là phải có chế biến sâu.

Đến hiện tại, chưa có đơn vị nào có văn bản đề nghị xây dựng cơ sở sản xuất mới có sản xuất dăm đáp ứng được đủ các yêu cầu của Bộ NN&PTNT và cũng chưa có đơn vị nào có đề nghị xây dựng xưởng với Bộ.

Nhà máy sản xuất gỗ dăm trái phép của Công ty Minh Long 68

Theo khảo sát của phóng viên, hiện nay ở các huyện Thanh Chương, Quỳ hợp (Nghệ An) và các huyện Như Xuân, Tĩnh Gia, Triệu Sơn, Như Thanh (tỉnh Thanh Hóa) có nhiều nhà máy sản xuất gỗ dăm mọc lên trái phép. Tổng cục Lâm nghiệp có biết về việc  này không?

Đặc biệt, ở huyện Thanh Chương có xưởng gỗ dăm của công ty Thành Phát chưa được cấp phép sử dụng đất và xây dựng xưởng nhưng nhưng hoạt động công khai thậm chí có dấu hiệu bảo kê, ông đánh giá gì về việc này?

Nếu xưởng Thành Phát ở huyện Thanh Chương hoạt động sai phép đúng như phóng viên phản ánh, thì cơ sở này không thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ NN&PTNT cả văn bản 2775 này. Đây là văn bản hướng dẫn các địa phương việc thẩm định và cấp phép. Việc địa phương  không cấp phép, chưa thẩm định mà doanh nghiệp đã tự động làm thì đó là làm trái với quy định thì việc này các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm. Còn địa phương phải xử lý, còn trong trường hợp địa phương cấp phép mà chưa có văn bản thỏa thuận của Bộ NN&PTNT thì chưa theo đúng hướng dẫn này.

Chưa được cấp phép sử dụng đất và xây dựng nhà xưởng, doanh nghiệp Thành Phát vẫn ngang nhiên sản xuất gỗ dăm mà chính quyền huyện Thanh Chương vẫn tỏ ra "không biết"

Hiện nay Tổng cục Lâm nghiệp cũng đang tiến hành cử đoàn kiểm tra do Phó Vụ trưởng làm trưởng đoàn thanh tra tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Hết tuần này sẽ về báo cáo.

Quy định hiện nay thì các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ dăm phải đóng thuế 2%. Vậy việc các nhà máy sản xuất gỗ dăm trái phép ở Nghệ An, Thanh Hóa có gây mất nguồn thu rất lớn cho Nhà nước. Ý kiến của bộ về việc này thế nào?

Thông tư 182 ngày 16/11/2015 của Bộ Tài chính quy định, việc áp dụng thuế suất từ 0 – 2%  khi xuất khẩu dăm gỗ. Nhưng như bạn nói các đơn vị này không phải là đơn vị xuất khẩu mà chỉ thu mua nguyên liệu hoặc người ta sử dụng nguyên liệu của người ta, người ta băm dăm ra rồi bán cho các đầu mối xuất khẩu thì các đầu mối xuất khẩu kia phải đóng thuế, tức là ai xuất khẩu mà không đóng thuế mới gọi là thất thu ngân sách.

Báo chí cũng đã phản ánh về tình trạng các xưởng sản xuất gỗ dăm trái phép ở Nghệ An và Thanh Hóa, song các xưởng gỗ dăm này vẫn ngang nhiên hoạt động trong thời gian dài và công khai nhưng không bị xử lý? Theo ông có chuyện bải kê cho các xưởng gỗ dăm này không? Có lợi ích nhóm ở đây không?

Như tôi nói ban đầu, bây giờ đoàn đang đi kiểm tra, phải biết như thế nào mới gọi là xưởng? Việc có lợi ích nhóm ở đây hay không thì tôi chưa thể trả lời được. Hiện đang có đoàn đi kiểm tra, chúng tôi kiểm tra nhiều vấn đề, trong đó có việc sản xuất dăm ở các địa phương cụ thể là Nghệ An, Thanh Hóa. Sau khi có báo cáo tôi sẽ cung cấp.

Việc các xưởng gỗ dăm mọc lên trái phép, bừa bãi gây ảnh hưởng như thế nào đến các vùng nguyên liệu, và tài nguyên rừng, thưa ông?

Bây giờ phải xem nguyên liệu sản xuất dăm là loại nguyên liệu nào, nếu các cơ sở sản xuất chỉ tận dụng cành, bắp, nguyên liệu đã chế biến xong, ví dụ mộc xuất khẩu hoặc ván ép, bột giấy… đã chế biến sâu thì tôi nghĩ nó không ảnh hưởng gì đến nguyên liệu mà cái đó là tốt cho người dân. Trừ trường hợp tranh mua tranh bán, trả giá cao hơn để mua gỗ hoặc đưa gỗ cây để nghiền gỗ dăm, trong khi những loại này có lợi cho việc khác tốt hơn thì lúc đó mới ảnh hưởng đến vùng nguyên liệu.

Các xưởng gỗ dăm trái phép xảy ra ở nhiều nơi, vậy theo ông và cụ thể là Bộ NN&PTNN thì trách nhiệm của cơ quan chức năng ở địa phương như thế nào? Và hướng xử lý các xưởng gỗ dăm trái phép này?

Trách nhiệm của địa phương là đã để tự phát là đã vi phạm quy hoạch chế biến gỗ số 2728 được Bộ NN&PTNT phê duyệt ngày 31/10/2012. Trước tiên trách nhiệm thuộc UBND cấp huyện và các sở ban ngành và UBND tỉnh. Bộ NN&PTNT không phải cái gì cũng xử lý được Bộ chỉ có hướng dẫn, phê duyệt quy hoạch đó.

UBND cấp xã phải chịu trách nhiệm trước UBND cấp huyện, UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, còn UBND tỉnh phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ.

Còn các xưởng gỗ dăm, nếu vi phạm về mặt chế biến gỗ thì phải xử lý theo luật, tùy theo mức độ, xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ, phát triển rừng.

Tức là nếu trái phép sẽ phải dẹp bỏ, thưa ông?

Cái đó tùy theo mức độ, nó trái phép như thế nào, có nằm trong quy hoạch không? 

Vậy trường hợp ở Thanh Chương, Quỳ Hợp (Nghệ An), Tĩnh Gia, Như Thanh, Nông Cống (Thanh Hóa)… chưa có phép sử dụng đất và cũng chưa có phép xây dựng xưởng thì phải xử lý như thế nào, thưa ông?

Nếu như vậy, đầu tiên người sử dụng đất bất hợp pháp thì chắc chắn phải giải tỏa, đất của anh đâu mà anh ở đó, nếu xây dựng trái phép thì rõ ràng phải dẹp bỏ.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hàng loạt nhà máy gỗ dăm trái phép ở Thanh Hóa

Theo khảo sát của ANTT.VN, ít nhất có gần 30 cơ sở sản xuất gỗ dăm trái phép “mọc” lên trên địa bản tỉnh Thanh Hóa. Trong đó nổi cộm lên gồm các huyện Tĩnh Gia, Như Thanh, Triệu Sơn, Nông Cống…

Ghi nhận của phóng viên những ngày cuối thasng3/2016 tại thôn Hòa Lâm (xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia) cho thấy, nhưng Công ty thương mại và dịch vụ Minh Long 68 do bà Nguyễn Thị Phượng đại diện pháp luật đã san gạt, tàn phá hàng nghìn mét vuông đất để xây dựng nhà máy và kho bãi sản xuất chế biến gỗ dăm. Điều đáng nói, diện tích đất nói trên được công ty này “xẻ thịt” từ đất lâm nghiệp đang được Bộ NN&PTNT quản lý chặt chẽ. 

Bị đình chỉ xây dựng, nhưng nhà máy của Công ty Minh Long 68 vẫn ngang nhiên hoạt động

Vừa đi vào hoạt động, nhưng hai dưởng băm dăm của doanh nghiệp do bà Phượng đứng tên đang hoạt động rầm rộ, hết công suất. Số gỗ dăm sau khi được nhà máy ‘chế tác” xong đang chờ được vận chuyển để xuất khẩu.

Theo biên bản làm việc số 06 (ngày 22/12/2015) của UBND xã Trường Lâm với đại diện doanh nghiệp này cho thấy, Công ty thương mại và dịch vụ Minh Long 68đang san lấp mặt bằng làm thay đổi hiện trạng diện tích 5.000 m2, đào 2 hố 2,5x4. Theo đó, Công ty đã vi phạm Luật Đất đai: “Tự ý lắp đặt nhà máy xay gỗ dăm, san lấp mặt bằng làm thay đổi hiện trạng” quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 7. Buộc Công ty trả lại mặt bằng hiện trạng ban đầu", biên bản số 06 cho biết.

Không riêng gì huyện Tĩnh Gia, hàng loạt nhà máy gỗ dăm trái phép hiện nay đang được xây dựng hoặc chuyển bị vận hành cũng đã “hiện diện” ở các địa bàn huyện khác như Như Thanh, Nông Cống, Như Xuân, Triệu Sơn, Cẩm Thủy…

Thiên Di - Thủy Tiên

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến