Phó Tổng giám đốc Sacombank: Thói quen sử dụng tiền mặt còn rất cao
20/11/2014 08:13:55
ANTT.VN – “Trở ngại hay khó khăn đầu tiên và lớn nhất ở Việt Nam nói riêng hay các nước Đông Nam Á nói chung đó là những tập quán, thói quen sử dụng tiền mặt vẫn còn rất cao, phổ biến đại chúng ở nhiều nơi và nhiều giao dịch”
Tin liên quan

Tối hôm qua (19/11), Lễ trao giải và tôn vinh Ngân hàng điện tử được yêu thích nhất Việt Nam – MyEbank 2014 đã được tổ chức long trọng tại khách sạn Melia (Hà Nội).

Sau 3 tháng khởi động, với hơn 2 triệu lượt tham gia, Chương trình bình chọn Ngân hàng điện tử được yêu thích tại Việt Nam - My Ebank 2014, dưới sự bảo trợ của Ngân hàng Nhà nước và cố vấn chuyên môn từ Công ty Dịch vụ Thẻ Smartlink, đã đi vào chặng cuối cùng và trong đêm trao giải chủ nhân của danh hiệu cao quý nhất đã được công bố.

Xuất sắc vượt qua gần 30 ngân hàng, Sacombank trở thành chủ nhân của danh hiệu MyEbank 2014

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao danh hiệu MyEbank2014 cho đại diện Ngân hàng TMCP Sacombank

Luôn quan tâm tới trải nghiệm của từng khách hàng, nhanh nhạy triển khai các tiện ích mới nhất theo hướng cá nhân hóa cho người sử dụng, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín - Sacombank đã xuất sắc vượt qua 28 nhà băng để vinh dự đạt danh hiệu Ngân hàng điện tử yêu thích nhất Việt Nam - My Ebank 2014.

Bên lề buổi lễ, phóng viên ANTT.VN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Sacombank – chủ nhân danh hiệu MyEbank 2014.

Lời đầu tiên, xin phép được chúc mừng Sacombank khi đã vinh dự trở thành chủ nhân của giải thưởng uy tín MyEbank – Ngân hàng điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam năm 2014.  Xin ông vui lòng cho biết cảm nhận của mình, một nhà điều hành Sacombank sau kết quả hết sức đáng mừng trên?

Như các bạn cũng biết đây là một giải thưởng đầu tiên chuyên biệt về lĩnh vực ngân hàng điện tử tại Việt Nam, thu hút được một lượng chú ý đông đảo từ phía dư luận xã hội, sự quan tâm lớn từ phía các ngân hàng cũng như đơn vị chủ quản là Ngân hàng Nhà nước.

Với ngân hàng nói chung và Sacombank nói riêng, cuộc thi này chính là một cơ hội để quảng bá, giới thiệu dịch vụ ngân hàng điện tử ra rộng khắp xã hội, dù rằng trong thời gian qua, số lượng khách hàng đến với ngân hàng điện tử của các ngân hàng đã gia tăng một cách nhanh chóng, đặc biệt là dịch vụ Mobile Banking.

Thông qua cuộc thi, các ngân hàng có thể nhìn lại, đánh giá chính mình cũng như được so sánh, trao đổi kinh nghiệm với các ngân hàng khác để xem mình nên phát triển như thế nào.

Bên cạnh đó, từ sự phản hồi của khác hàng hay sự quan tâm của độc giả, chúng tôi cũng nhận thấy rằng cần phải tiếp tục phát triển hơn nữa, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng sử dụng.

Với những kết quả này, định hướng cụ thể của Sacombank trong thời gian tới đây là như thế nào để tiếp tục phát triển sâu rộng dịch vụ ngân hàng điện tử, thưa ông?

Trong chiến lược của Sacombank là phát triển trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu khu vực thì phát triển ngân hàng điện tử là một kênh mà chúng tôi đặc biệt quan tâm song song với kênh phục vụ truyền thống tại các điểm giao dịch.

Sở dĩ chúng tôi nhấn mạnh “các kênh” bởi ngân hàng điện tử không chỉ đơn thuần là một dịch vụ mà là còn một kênh để phục vụ và tiếp cận khách hàng ở một diện lan tỏa rộng hơn, ở mọi đối tượng và có thể phục vụ khách hàng mọi lúc, mọi nơi, 24/7 – một lợi thế so với giao dịch qua kênh truyền thống thông thường.

Với xu thế phát triển về kỹ thuật cũng như các ứng dụng về thanh toán điện tử thì việc phát triển kênh ngân hàng điện tử giúp cho ngân hàng tiếp cận được một cách nhanh chóng, giới thiệu được các sản phẩm dịch vụ của mình đến khách hàng. Và đặc biệt là so với kênh truyền thống thì kênh ngân hàng điện tử mặc dù việc thu phí dịch vụ sẽ thấp hơn nhưng chi phí phục vụ trên một khách hàng tại kênh điện tử cũng là thấp hơn tại quầy, qua đó, giúp các ngân hàng nâng cao hiệu quả hoạt động của mình.

Về phía khách hàng, sự trải nghiệm sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử cũng giúp tiết kiệm tối đa thời gian, chi phí và họ có thể tận dụng những công cụ gắn liền hàng ngày như máy vi tính, máy tính bảng hay các dòng điện thoại thông minh để giúp cho việc quản lý tài chính, giao dịch với ngân hàng được dễ dàng, thuận lợi, nhanh gọn.

Thời gian vừa qua, các giao dịch điện tử đã phát triển nhanh chóng đặc biệt là trong lĩnh vực ngân hàng, tuy nhiên, trên thực tế, vẫn xảy ra rất nhiều những sai sót, lỗi bảo mật, lỗi giao dịch… Sacombank đã có những giải pháp gì để xử lý những vấn đề này và tránh những rủi ro có thể có?

Ngoài yếu tố giải pháp phần mềm trong việc đưa ra các dịch vụ điện tử, chúng đôi đặc biệt quan tâm đến vấn đề về tính bảo mật.

Sacombank đã xây dựng những trung tâm dữ liệu, lưu trữ, những giải pháp để phòng chống rủi ro trong giao dịch trên mạng cũng như các sự cố về kỹ thuật và quan trọng, chúng tôi cũng luôn chú trọng quan tâm đầu tư cho vấn đề này.

Đối với Sacombank, trong thời gian qua hầu như không xảy ra một rủi ro đáng tiếc nào và về sai sót, xin được nói nõ, tỷ lệ giao dịch thành công là lên đến hơn 99%.

Phó TGĐ Sacombank Nguyễn Minh Tâm đang trả lời phóng viên ANTT.VN

Phó TGĐ Sacombank Nguyễn Minh Tâm đang trả lời phóng viên ANTT.VN (Ảnh: Nhật Đăng)

Hiện nay, ngân hàng chúng tôi đã đưa vào áp dụng hệ thống bảo mật 3D Security. Hệ thống sẽ “verify” mọi giao dịch thẻ trên đó. Khi bạn giao dịch trên hệ thống này với những trang chính thức, tuy tín và chấp nhận thanh toán thì ngay lập tức một “password” sẽ được gửi về điện thoại di động của bạn để bạn xác thực nên mọi giao dịch sẽ được đảm bảo an toàn ở mức độ cao nhất.

Sacombank luôn luôn đề cao các yếu tố an toàn cho khách hàng trong các giao dịch điện tử!

Trong thời gian vừa qua thì giao dịch điện tử phát triển rất nhanh nhưng mà tiềm năng vẫn được đánh giá là còn rất lớn, xin ông có thể cho biết đâu là những trở ngại cản trở sự phát triển của ngân hàng điện tử ở thời điểm này và trong tương lai?

Trở ngại hay khó khăn đầu tiên và lớn nhất ở Việt Nam nói riêng hay các nước Đông Nam Á nói chung đó là những tập quán, thói quen sử dụng tiền mặt vẫn còn rất cao, phổ biến đại chúng ở nhiều nơi và nhiều giao dịch.

Điều thứ hai, đó là tâm lý e ngại những vấn đề về rủi ro, vấn đề về bảo mật trong các giao dịch điện tử của nhiều bộ phận khách hàng vẫn còn lớn. Bên cạnh đó, khi giao dịch khách hàng cũng phải tập làm quen để sử dụng các dịch vụ mới.

Tuy nhiên, tôi nghĩ những khó khăn, trở ngại đó thực sự không lớn và ngày càng có xu hướng giảm dần.  Tốc độ sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử của người dân cũng đang tăng lên rất nhanh, ví dụ như dịch vụ Mobile Banking trong 3 năm gần đây đã tăng vài chục thậm chí vài trăm lần mỗi năm.

Thưa ông, tính cạnh tranh trong lĩnh vực ngân hàng nói chung và ngân hàng điện tử nói riêng đang ngày càng khốc liệt. Và hiện nay, trong sức ép cạnh tranh, áp lực chỉ tiêu doanh số khá cao đó, đang xảy ra hiện tượng một số nhân viên ngân hàng đã cố gắng bằng mọi cách để phát hành thẻ, phát hành tài khoản giao dịch nhưng trên thực tế, tỷ lệ tài khoản thực sự được sử dụng để thanh toán, giao dịch trong tổng số phát hành vẫn còn rất ít. Ông đánh giá sao về vấn đề này?

Về nội bộ ngân hàng, khi đánh giá chỉ tiêu, chỉ khi nào tài khoản được kích hoạt chúng tôi mới ghi nhận, còn không kích hoạt thì chung tôi loại bỏ thành tích đó và khi khách hàng hủy thì phải buộc lòng bù lượng khách hàng vào, gọi là chỉ tiêu tăng ròng.

Trở lại vấn đề tại sao khách hàng không sử dụng thẻ trong giao dịch thanh toán trên kênh điện tử, theo tôi, ngoài việc tâm lý quen sử dụng tiền mặt ra, khách hàng vẫn ngại các giao dịch thanh toán online do có những yếu tố về rủi ro hoặc bảo mật thông tin. Và một điều nữa, đó là sự phổ cập kiến thức về tính năng thẻ vẫn còn hạn chế. Điều đó cũng là trách nhiệm của những ngân hàng phải có thông tin truyền thông rõ ràng và dễ hiểu cho người dân.

Bên cạnh đó, hiện nay, các cây ATM hầu như vẫn chỉ được sử dụng với chức năng rút tiền, các chức năng khác như chuyển khoản, thanh toán vẫn chưa được sử dụng nhiều.

Ngoài ra, các điểm thanh toán vẫn chưa phổ biến và chỉ tập trung ở một số thành phố, đô thị lớn.

Tôi nghĩ, điều quan trọng để nâng dần tỷ lệ này là để làm sao cho người dân hiểu được những tiện ích, những giá trị sử dụng mà thẻ mang lại cũng như lợi thế của việc thanh toán không dùng tiền mặt.

Xin cảm ơn!

N.G (thực hiện)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến