Để VNĐ mất giá, nên chăng?
18/11/2014 16:52:28
ANTT.VN – Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, đà tăng tỷ giá USD/VND trong thời gian qua là hợp lý, đúng đắn và cần thiết.

Tin liên quan

Tỷ giá USD/VND đã liên tục tăng trong thời gian qua

Tỷ giá USD/VND đã liên tục tăng trong thời gian qua

Tỷ giá  “leo” nhanh

Sáng hôm nay (18/11), tỷ giá USD/VND  đã lại tiếp tục được điều chỉnh tăng theo niêm yết tại các ngân hàng thương mại.

Cụ thể, trong nhóm 4 ngân hàng TMCP Nhà nước thì Vietinbank đang là ngân hàng công bố tỷ giá USD/VND cao nhất với mức niêm yết 21.340 - 21.390 (mua vào- bán ra), tăng 35 đồng cả hai chiều so với cùng thời điểm sáng ngày hôm qua (17/11).

Vietcombank – nhà băng luôn duy trì tỷ giá ở mức cạnh tranh nhất trên thị trường cũng đã điều chỉnh tăng thêm 10 đồng cả hai chiều lên niêm yết ở mức 21.320 đồng đổi một USD chiều mua và 21.370 đồng cho một USD chiều bán.

Tại các ngân hàng thương mại khác, mức tăng cũng phổ biến từ 10 đến 30 đồng. Có thể kể đến như tỷ giá USD/VND hiện niêm yết trong sáng nay ở Eximbank là 21.310 – 21.390 (+30 đồng cả 2 chiều mua bán) hay tại ngân hàng Techcombank, mặc dù giá USD chiều mua vào vẫn được giữ nguyên ở 21.270 đồng thì ở chiều bán ra mức giá đã được cộng thêm 20 đồng lên mức 21.285 đồng đổi một USD.

Trong buổi sáng, giá USD mua vào thấp nhất trên thị trường hối đoái đang là 21.270 đồng và cao nhất là 21.340 đồng. Ở chiều bán ra, giá thấp nhất hiện là 21.355 đồng của ngân hàng Agribank, giá cao nhất là 21.400 đồng.

Như vậy, trong thời gian qua, tỷ giá USD/VND niêm yết tại các ngân hàng đã liên tục đi lên với một biên độ khá cao và doãng chênh lệch giữa 2 chiều mua bán ở nhiều ngân hàng thậm chí còn mở rộng lên 80 – 100 VND. Chỉ trong chưa đầy một tháng trở lại đây, giá USD niêm yết ở các ngân hàng đã tăng mạnh tới 150 VND trong khi tỷ giá bình quân liên ngân hàng vẫn được Ngân hàng Nhà nước duy trì ổn định ở 21.246 VND đổi một USD.

Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến sự biến động đó?

TS. Lưu Bích Hồ

TS. Lưu Bích Hồ -Nguyên Viện trưởng Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển,

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Diễn biến hợp lý

Theo TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc tăng giá của đồng USD trong thời gian qua xuất phát từ 3 nguyên nhân chính:

Thứ nhất, trong thời gian qua giá đồng dollar trên trên thị trường thế giới đang tăng lên và cụ thể trong phiên thứ Hai, USD đã chạm đỉnh cao nhất trong 5 năm so với rổ 10 loại tiền tệ chủ đạo và điều này cũng đã có những tác động nhất định tới thị trường hối đoái trong nước.

Thứ 2, giá đồng VND hiện nay vẫn được đánh giá là khá cao so với USD và việc hạ giá VNĐ từng bước là cần thiết và lộ trình nới tỷ giá trong thời điểm này cũng có nhiều điều kiện phù hợp.

Thứ 3, tỷ giá USD như hiện nay (được đánh giá là thấp) sẽ không có lợi cho xuất khẩu nhưng lại có lợi cho nhập khẩu và trong bối cảnh nhập khẩu đang gia tăng nhanh thì việc các ngân hàng thương mại đồng loạt điều chỉnh tăng giá USD thì cũng là một điều dễ hiểu.

Bênh cạnh đó, vị chuyên gia này cũng nhận định: “biến động tỷ giá trong thời gian qua sẽ không gây ra quá nhiều đột biến trong đời sống kinh tế bởi với điều kiện hiện nay cơ quan quản lý hoàn toàn có đủ nguồn lực và công cụ để điều tiết tỷ giá theo đúng cam kết kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô”.

TS. Võ Trí Thành

TS. Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM)

Đồng tình với nhận định của TS. Lưu Bích Hồ, trao đổi với phóng viên ANTT.VN, TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng quyết định kết thúc gói QE3 của FED cùng với việc thu lại dần chính sách định lượng về tiền tệ, đẩy giá Dollar Mỹ tăng cao chính là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến  việc  đi lên của tỷ giá USD/VND. Bên cạnh đó, kì vọng của thị trường do đồng USD tăng cao lại gắn vào thời điểm những tháng cuối năm khi hoạt động xuất nhập khẩu sôi động đã tạo ra áp lực đẩy tỷ giá tăng lên.

Và theo Phó Viện trưởng CIEM, về tổng thể, các chỉ số vĩ mô như lạm phát, cán cân thanh toán quốc tế, dự trữ ngoại tệ hiện nay đều rất tích cực nên Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng để giữ tỷ giá “tương đối ổn định”. Trong 2 năm qua, bằng 3 biện pháp cơ bản: 1/ Ổn định kinh tế vĩ mô, giữ lạm phát ở mức thấp; 2/ Giữ tương quan lãi suất giữa VNĐ và USD cũng như kì vọng về việc thay đổi tỷ giá làm có lợi cho việc giữ VND (và cho đến thời điểm này, việc giữ VND vẫn có lợi); 3/ Thống đốc NHNN đã cam kết đảm bảo biên độ dao động tỷ giá USD/VND trong mức cho phép (+/- 2%/năm) và trên thực tế là trong 2 năm qua biên độ dao động chỉ ở mức 1%.

TS. Võ Trí Thành cho rằng một “chế độ tỷ giá dần linh hoạt hơn” là một điều cần thiết, tuy nhiên ông cũng nhận định trong thời gian trước mắt sắp tới, về cơ bản chính sách tỷ giá cũng sẽ vẫn được duy trì như 2 năm qua.

Tác động tích cực

Bổ sung thêm ý kiến của 2 vị chuyên gia nêu trên, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho biết khuynh hướng điều chỉnh tăng của tỷ giá như hiện nay là một rất cần thiết, bình thường và đúng đắn; đồng thời, cũng không nên lo ngại về một “cú shock tỷ giá” khi mà cán cân thanh toán hiện vẫn thặng dư tốt, về mặt tổng thể, sắp tới chắc chắn không thể sảy ra khủng hoảng hoặc thiếu ngoại tệ. Ngoài ra, TS. Nguyễn Đức Thành cũng đề cập đến yếu tố “biến mùa”, khi nhu cầu USD tăng cao trong những tháng cuối năm cũng sẽ đẩy tỷ giá tăng cục bộ (cả thị trường chợ đen và các ngân hàng), tuy nhiên, về cuối năm âm lịch tỷ giá USD sẽ hạ nhiệt do lượng kiều hối sẽ tăng mạnh.

TS. Nguyễn Đức Thành

TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR)

Đánh giá về tác động từ việc tăng giá của đồng USD, Viện trưởng VEPR cho biết:

“Về mặt tiêu cực, việc tăng tỷ giá USD/VND sẽ làm dư nợ công tăng lên bởi vì có không ít các khoản vay được quy định theo đồng USD; đồng thời tỷ giá tăng cũng sẽ làm cho chi phí nhập khẩu máy móc, thiết bị và các yếu tố đầu vào khác cũng đắt hơn.

Còn về mặt tích cực, việc tăng giá của đồng USD sẽ làm gia tăng lợi thế về giá cho các doanh nghiệp xuất khẩu so với các nước khác. Quan trọng hơn, khi giá nhập khẩu tăng lên, các doanh nghiệp trong nước sẽ có xu hướng sản xuất có lãi hơn để bán trong nước thay vì phải nhập khẩu (thay thế nhập khẩu), tác động trên sẽ giúp bảo vệ ngành sản xuất trong nước cũng như giúp cho các ngành công nghiệp nhỏ, nhẹ đang bị mất lợi thế sẽ tốt lên. Ngoài ra, khi tỷ giá tăng lên cũng sẽ kích thích, hướng dòng tiền của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam”.

N.G/ANTT.VN

Nên đọc

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến