Phụ huynh, bác sĩ lo lắng trẻ nhiễm bệnh vì thiếu vaccine tiêm chủng mở rộng
19/05/2023 08:24:50
Những ngày qua, một số loại vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng ở TP.HCM đã “cạn”. Chờ đợi kéo dài mà không có để tiêm vaccine cho con, nhiều phụ huynh lo lắng nên lựa chọn tiêm dịch vụ.
Các bác sĩ trăn trở việc thiếu vaccine miễn phí sẽ khiến cho dịch bệnh tấn công trẻ em, nhất là các em có hoàn cảnh khó khăn.
Âu lo vì thiếu vaccine miễn phí
Ngày 18/5, con trai anh Trần Minh Tài, ngụ phường Hiệp Bình Phước, thành phố Thủ Đức, TP.HCM được tiêm mũi thứ 2 của viêm não Nhật Bản. Rất may, loại vaccine này vẫn còn để bé được tiêm miễn phí. Mấy tháng trước, anh phải chọn tiêm dịch vụ vaccine 6 trong 1, thay thế cho vaccine 5 trong 1 (của tiêm chủng mở rộng).
“Mình hay cho bé tiêm ở đây. Cứ ra đây, khi nào có vaccine gì thì các cô sẽ tiêm vaccine đó, nếu mà không có loại này thì tiêm loại khác. Nếu hết vaccine miễn phí thì mình chờ, còn không thì đi chích dịch vụ. Mục đích là phòng ngừa cho con trước thì mình cứ chịu khó. Bác sĩ tư vấn cần tiêm mũi nào thì mình nghe theo, do tiêm chủng là cần thiết, tiêm được đầy đủ cho bé là tốt”, anh Tài nói.
TP.HCM sắp "cạn" nhiều loại vaccine tiêm chủng mở rộng (Ảnh: Kim Dung)
Không khá giả như gia đình anh Tài, chị Nguyễn Thị Hải làm nghề buôn bán nhỏ, chồng là công nhân, cuộc sống khó khăn nên không có nhiều cơ hội cho con tiêm vaccine dịch vụ: “Nghe nói hiện nay vaccine nằm trong tiêm chủng mở rộng sắp hết. Thực sự nếu không tiêm cho con thì rất lo lắng, mà tiêm dịch vụ thì giá nhiều loại vaccine không phải là rẻ”.
Bác sĩ Nguyễn Thị Bích Loan, Trưởng Trạm y tế phường Hiệp Bình Phước cho biết, đã 5 tháng qua, trạm không còn vaccine 5 trong 1 miễn phí để tiêm cho trẻ vì đã hết từ ngày 20/12/2022. Từ cuối tháng 4/2023, vaccine PDT (phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván) tiêm cho các trẻ từ 18-24 tháng tuổi cũng đã hết.
Do thời gian chờ đợi dài mà vẫn chưa có, trạm đã tư vấn phụ huynh đưa con em đi tiêm dịch vụ, dù tốn kém nhưng không để lỡ các mũi tiêm cho trẻ. Phần lớn phụ huynh cũng chấp nhận tiêm dịch vụ cho con.
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Thị Bích Loan, mỗi mũi tiêm vaccine 6 trong 1 giá khoảng 1 triệu đồng, đây là chi phí không nhỏ đối với các gia đình khó khăn: “Mình phải tư vấn để người dân hiểu, đa số cũng đồng ý vì đợi lâu quá, đến giờ là 5 tháng rồi nên người ta cũng không đợi được nữa. Một số người thì bảo đợi tiếp, trạm cũng báo là tùy gia đình quyết định. Nhưng thực tế ra thì bây giờ mỗi gia đình chỉ có một, hai bé thôi, mình cố gắng tiêm đúng thời điểm thì tốt hơn cho bé”.
Tình trạng hết vaccine cũng xảy ra ở Trạm y tế phường Bình Chiểu, TP. Thủ Đức. Bác sĩ trưởng trạm Nguyễn Ngọc Mỹ cho biết, trạm có 2 phương án tư vấn cho các trường hợp tiêm vaccine 5 trong 1, tùy theo tình hình kinh tế gia đình có thể đáp ứng được hay không: “Những trường hợp gia đình không có điều kiện thì mình sẽ cho uống vaccine OPV trước để ngừa bệnh bại liệt. Trong thời gian chờ đợi, nếu có thuốc và các cháu vẫn trong thời gian độ tuổi thì sẽ tiến hành tiêm. Tại vì các mũi tiêm chỉ cách nhau khoảng một tháng, đồng thời cũng tiêm các mũi khác theo phác đồ”.
Cần sớm tháo gỡ
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP.HCM, thành viên Hội đồng đánh giá tiêm chủng quốc gia cho rằng, vaccine 5 trong 1 thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng có một loại khá quan trọng là viêm gan siêu vi B. Nếu trẻ tiêm không đủ loại này thì sẽ không giảm được tỷ lệ viêm gan siêu vi B trong cộng đồng. Nếu bỏ tiêm thời gian dài, không tiêm đủ 3 – 4 mũi thì rất nguy hiểm, nguy cơ bệnh sẽ quay lại.
Còn vaccine ngừa bạch hầu - uốn ván - ho gà (DPT) nếu không tạo được miễn dịch nền trước 6 tháng cho trẻ nhỏ thì dễ bị người lớn lây bệnh. Các bệnh này thường rất nặng.
Bác sĩ Khanh nhấn mạnh, việc thiếu một số loại vaccine nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng do vướng thủ tục, cần sớm được giải quyết để mọi trẻ em được tiêm chủng đầy đủ: “Phải tìm cách tháo gỡ, chứ nếu thiếu vaccine miễn phí thì trẻ em nghèo sẽ không được hưởng lợi ích của tiêm chủng mở rộng, như vậy cũng mất ý nghĩa của chương trình. Người dân ở nông thôn khả năng phòng ngừa, phát hiện sớm và điều trị những bệnh đó lại kém, việc bỏ sót những người này là không nên”.
Tiêm vaccine viêm não Nhật Bản cho trẻ ở phường Hiệp Bình Phước, thành phố Thủ Đức, TP.HCM (Ảnh: Kim Dung)
Ông Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM cho biết, Sở Y tế đã có văn bản về việc dự trù vaccine tiêm chủng mở rộng trong những tháng còn lại của năm 2023, dự trữ 6 tháng năm 2024 để được cung ứng trở lại như trước.
Theo ông Tâm, tình trạng tạm gián đoạn cung ứng một số loại vaccine tiêm chủng mở rộng như hiện nay là bất khả kháng: “Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng vẫn duy trì, tích cực tiêm các loại vaccine đang còn một cách đầy đủ nhất, cũng như lập danh sách các trẻ đến lịch tiêm chủng nhưng chưa được tiêm, để ngay khi có vaccine sẽ tiến hành tiêm ngay cho các em, đảm bảo sự bảo vệ tốt nhất”.
Theo số liệu của Sở Y tế TP.HCM, đến hết tháng 4/2023 tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ mũi 1 cho trẻ trên địa bàn Thành phố đạt 77,3%. Tuy nhiên theo quy định, tỷ lệ trẻ tiêm chủng phải đạt tới 95%. Đối với các mũi tiêm nhắc như sởi là 78,8% trong khi chỉ tiêu là 95%; DPT là 70,5%, trong khi chỉ tiêu quốc gia là 85%./.
Mặc dù Mỹ vẫn tự tin trước một cuộc khủng hoảng nhưng lượng dự trữ giảm dần cũng đã hạn chế các lựa chọn của Tổng thống Biden để ứng phó với một cú sốc trong tương lai đối với thị trường dầu mỏ.
Chiều 17/10, đại diện Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, đã cơ bản hoàn thiện phương án nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, đa số bộ ngành đồng ý phương án nghỉ năm cũ 2 ngày và năm mới 3 ngày.
Ngày 17/10, Viện KSND TP Hồ Chí Minh đã ban hành cáo trạng truy tố bị can Lê Văn Bậm (SN 1979) và Nguyễn Thảo Nguyên (SN 2000, quê Đắk Lắk), cùng về tội hành hạ người khác.