Chiều 6/5, TAND Cấp cao tại TP.HCM tiếp tục phiên phúc thẩm xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (Công ty Xuyên Việt Oil). HĐXX cho biết đã nhận được đơn xin khắc phục hậu quả của một số bị cáo và sẽ tạo điều kiện để các bị cáo thực hiện việc này trong ngày.
Đáng chú ý, luật sư của bị cáo Lê Đức Thọ (cựu Bí thư Tỉnh uỷ Bến Tre) thông tin gia đình ông Thọ đang làm thủ tục khắc phục thêm hơn 10,2 tỷ đồng, trích từ 3 sổ tiết kiệm đứng tên vợ bị cáo.
Tuy nhiên, HĐXX nêu rõ hiện đang kê biên tổng cộng 133 sổ tiết kiệm nhưng luật sư chỉ trình bày chung chung, không làm rõ số dư cụ thể từng sổ, gây khó khăn trong việc đánh giá mức độ khắc phục hậu quả để làm căn cứ lượng hình. HĐXX đề nghị luật sư khẩn trương phối hợp với ngân hàng xác minh chi tiết, đồng thời khẳng định sẽ hỗ trợ tối đa nếu cần thiết để quá trình khắc phục diễn ra thuận lợi.

Bị cáo Lê Đức Thọ tại phiên toà.
Để tạo điều kiện cho bị cáo Lê Đức Thọ và các bị cáo khác hoàn tất thủ tục, HĐXX quyết định tạm ngừng phiên tòa, sẽ tiếp tục làm việc vào ngày 8/5.
Tại toà, bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil cho biết, doanh nghiệp đã nộp cho Nhà nước 5.000 tỷ đồng tiền thuế và gần 9.000 tỷ đồng thuế bảo vệ môi trường.
Bị cáo Hạnh đề nghị HĐXX xem xét đưa các tài sản đã bị kê biên vào danh mục khắc phục hậu quả. Theo bà, hiện có 11 tài sản đang bị kê biên nhưng cấp sơ thẩm chưa đưa vào diện xem xét thiệt hại. Đồng thời, bị cáo cũng xin được xem xét giảm nhẹ hình phạt đối với hành vi đưa hối lộ.
"Nếu hình phạt quá nặng thì sau này sẽ không ai dám khai báo nữa. Bị cáo căn cứ theo Nghị quyết 03, tin rằng sẽ được hưởng tình tiết giảm nhẹ nên mới khai cả những vấn đề nhỏ nhặt", bà Hạnh trình bày.
Chủ toạ phiên toà xác nhận có 11 tài sản đang bị kê biên nhưng chưa được cấp sơ thẩm tính đến trong việc khắc phục thiệt hại.
Trước đó, bị cáo Hạnh đã tự nguyện khắc phục 6,7 tỷ đồng. Bà bày tỏ mong muốn HĐXX ghi nhận hoàn cảnh, thiện chí khắc phục hậu quả và xem xét giảm nhẹ hình phạt trong phiên phúc thẩm lần này.
Theo nội dung vụ án, bà Mai Thị Hồng Hạnh là người đại diện theo pháp luật, Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty Xuyên Việt Oil. Trong quá trình điều hành hoạt động kinh doanh xăng dầu tại Công ty, lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao, bà Hạnh đã vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng quỹ Bình ổn giá và tiền bảo vệ môi trường, gây thất thoát tài sản Nhà nước với số tiền là 1.463 tỷ đồng. Trong đó, thất thoát từ quỹ Bình ổn giá là 219 tỷ đồng, thất thoát từ thuế bảo vệ môi trường là 1.244 tỷ đồng.
Cụ thể, bà Hạnh không chỉ đạo nhân viên trích lập Quỹ Bình ổn giá theo quy định mà chỉ đạo cấp dưới chuyển tiền vào tài khoản cá nhân.
Sau đó, bà Hạnh dùng tiền này để mua, cho bạn bè vay mượn, chi tiêu cá nhân, đưa hối lộ cho một số cá nhân tại Bộ Công Thương, Bộ Tài chính…
Đối với việc thu hộ, quản lý và chuyển nộp tiền thuế bảo vệ môi trường, bà Hạnh cố ý sử dụng số tiền thu hộ vào các mục đích cá nhân mà không nộp tiền chuyển vào ngân sách Nhà nước.
Tổng cộng bà Hạnh đã đưa hối lộ 22 lần với số tiền hơn 31 tỷ đồng cho 8 cá nhân. Trong đó, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận 1,1 tỷ đồng để giúp cho Công ty Xuyên Việt Oil cấp lại Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu cho các thương nhân đầu mối và trực tiếp phụ trách sắp hết hạn.
Cựu Bí thư tỉnh uỷ Bến Tre, ông Lê Đức Thọ bị cáo buộc nhận hối lộ hơn 13 tỷ đồng, lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi hơn 22 tỷ đồng.
Cụ thể, từ năm 2018, Mai Thị Hồng Hạnh quen biết ông Lê Đức Thọ do Công ty Xuyên Việt Oil có quan hệ tín dụng với ngân hàng nơi ông Thọ làm Chủ tịch. Bà Hạnh nhờ ông Thọ giúp cấp giới hạn tín dụng, kéo dài thời gian duy trì giới hạn tín dụng cho Xuyên Việt Oil.
Với hành vi Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, cáo trạng xác định năm 2021, ông Thọ được điều động, phân công giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre.
Để nâng cao uy tín bản thân, ông Thọ đề nghị Mai Thị Hồng Hạnh thành lập chi nhánh hoặc công ty con của Xuyên Việt Oil tại Bến Tre để nộp thuế nhằm tăng nguồn thu ngân sách cho tỉnh. Đổi lại, Công ty này sẽ được tạo điều kiện về thực hiện các dự án bất động sản, cảng biển, du lịch tại địa phương.
Sau khi thành lập Công ty Cổ phần Việt Oil tại Bến Tre (Công ty Việt Oil), cựu Bí thư đã nhiều lần dùng vị trí chức vụ của mình để tác động, tạo điều kiện cho Công ty Việt Oil trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
- Vụ án Xuyên Việt Oil: Các cựu quan chức không sách nhiễu, ép buộc đưa hối lộ
- Vụ án Xuyên Việt Oil: Mai Thị Hồng Hạnh thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội bị truy tố
- Phương thức Công ty Xuyên Việt Oil rút quỹ bình ổn giá xăng dầu
- Cựu Thứ trưởng Công Thương cùng thuộc cấp bị cáo buộc nhận hối lộ 365.000 USD
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy