Dòng sự kiện:
PMI tháng 1/2016 tăng: Ngành sản xuất Việt Nam tiếp tục hưởng lợi nhờ giá dầu giảm
01/02/2016 15:54:01
Kết quả chỉ số PMI tháng đầu năm 2016 cho thấy các điều kiện kinh doanh đã tốt lên và sức khỏe của lĩnh vực sản xuất đã cải thiện với tốc độ nhanh hơn một chút so với cuối năm 2015.

Tin liên quan

Nikkei vừa công bố chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam tháng 1/2016. Theo đó, trong tháng đầu năm 2016, chỉ số PMI ngành sản xuất đã tăng từ mức 51,3 điểm của tháng trước lên 51,5 điểm.

Kết quả chỉ số cho thấy các điều kiện kinh doanh đã tốt lên tháng thứ hai liên tiếp, và sức khỏe của lĩnh vực sản xuất đã cải thiện với tốc độ nhanh hơn một chút so với cuối năm 2015.

Số lượng đơn đặt hàng mới trong tháng 1 đã tăng tháng thứ hai liên tiếp và với một tốc độ nhanh hơn so với tháng 12. Các công ty cho biết nhu cầu khách hàng tăng là nhân tố chính làm cho số lượng đơn đặt hàng mới tăng.

Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng tăng trong tháng, mặc dù với một tốc độ yếu hơn. Số lượng đơn đặt hàng mới tổng thể tăng đã góp phần làm tăng sản lượng lần thứ hai trong hai tháng, với tốc độ tăng gần như ngang bằng so với tháng trước.

Bên cạnh đó, chi phí đầu vào tiếp tục giảm trong tháng 1, kéo dài thời kỳ giảm 7 tháng liên tiếp. Ngoài ra, tốc độ giảm nhanh hơn so với tháng 12, khi các thành viên nhóm khảo sát cho rằng chi phí đầu vào giảm là do giá cả hàng hóa giảm, đặc biệt là giá dầu.

Việc làm và hoạt động mua hàng tăng được cho là do yêu cầu sản xuất tăng lên. Việc làm tăng lần thứ chín trong mười tháng qua, mặc dù tốc độ tăng chỉ là nhẹ. Trong khi đó, hoạt động mua hàng hóa đầu vào tăng với tốc độ nhanh hơn tháng trước. Hoạt động mua hàng tăng lên đã làm một số công ty tăng tồn kho hàng hóa đầu vào.

Bình luận về dữ liệu khảo sát PMI ngành sản xuất Việt Nam, Andrew Harker, tại Markit, công ty thu thập kết quả khảo sát, cho biết, mặt tích cực nhất của bộ số liệu PMI kỳ gần nhất của

Việt Nam là tốc độ tăng số lượng đơn đặt hàng mới nhanh hơn vào đầu năm 2016.

Điều này cho thấy các công ty trong nước vẫn có thể thu hút số lượng đơn đặt hàng mới cho dù môi trường kinh doanh toàn cầu còn khó khăn. Trong khi mức độ tạo việc làm còn yếu, lượng công việc chưa thực hiện tăng lên cho thấy các nhà sản xuất có thể cần tuyển thêm nhân sự trong những tháng tới để đáp ứng cho khối lượng công việc.

“Với hiệp định thương mại TPP dự kiến được ký vào cuối tuần này, từ đó bắt đầu giai đoạn phê chuẩn, năm 2016 có thể tạo ra những bước phát triển tích cực trong nền kinh tế Việt Nam sau khi có khởi đầu tốt từ đầu năm" – ông Andrew Harker nói.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng Purchasing Managers’ Index (PMI) lĩnh vực sản xuất do Nikkei công bố là một chỉ số tổng hợp về tình trạng ngành sản xuất của Việt Nam.

Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng Ngành Sản xuất tại Việt nam (PMI) của Nikkei được xây dựng trên cơ sở dữ liệu thu thập hàng tháng từ các bảng trả lời câu hỏi khảo sát của các nhà quản trị mua hàng ở hơn 400 doanh nghiệp công nghiệp.

Nhóm thành viên tham gia khảo sát được phân loại theo GDP và số lượng nhân công của công ty. Lĩnh vực sản xuất được chia thành 8 ngành chính: Kim loại cơ bản, hóa chất và nhựa, điện tử và quang học, thực phẩm và đồ uống, cơ khí chế tạo, dệt may, gỗ và giấy, vận tải.

Các câu trả lời khảo sát phản ánh sự thay đổi, nếu có, trong tháng hiện tại so với tháng trước dựa trên dữ liệu thu thập vào giữa tháng. Một chỉ số đạt mức hơn 50 điểm cho biết mức tăng tổng thể của chỉ số đó, dưới 50 điểm là một mức giảm tổng thể.

Theo Nguyệt Quế - Trí thức trẻ

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến