Dòng sự kiện:
PMI Việt Nam giảm lần đầu tiên trong 2 năm qua
01/10/2015 12:33:47
ANTT.VN - Chỉ số quản trị mua hàng PMI, ghi nhận thực trạng khu vực sản xuất của Việt Nam đã giảm xuống mức 49,5 điểm trong tháng 9 từ 51,3 điểm trong tháng trước. Chấm dứt sự tăng trưởng liên tục trong khu vực này trong hơn 2 năm qua.

Tin liên quan

Nikkei vừa cho biết tháng cuối cùng trong quý III chứng kiến sự đi xuống của khu vực sản xuất trong nước với cả hai yếu tố sản lượng và số đơn đặt hàng mới đều giảm. Trong khi đó, giá dầu giảm sâu dẫn tới chi phí đầu vào giảm mạnh, qua đó giảm giá hàng hóa cuối cùng tới tay khách hàng.

Số lượng đơn hàng mới trong tháng 9 giảm lần đầu tiên trong hơn một năm qua trong bối cảnh thị trường đang xấu đi. Mặc dù con số giảm là tương đối thấp. Trong khi đó, các đơn hàng xuất khẩu giảm tháng thứ 4 liên tiếp. Điều này có thể giải thích được bởi nhu cầu đang diễn biến tiêu cực ở nhiều quốc gia nhập khẩu trong khu vực.

Mặc dù số lượng đơn đặt hàng mới suy giảm, các doanh nghiệp trong nước vẫn tiếp tục gia tăng tuyển dụng, tuy nhiên ở mức độ giới hạn và tốc độ chậm nhất trong quý III.

Những số liệu mới nhất chỉ ra sự đi xuống đột ngột của giá cả trong khu vực sản xuất, phần lớn bởi giá nhiên, nguyên liệu giảm sâu, qua đó hạ thấp ảnh hưởng của lạm phát và đồng nội tệ yếu.

Hệ quả là các nhà sản xuất trong nước đã liên tục giảm giá sản phẩm, khiến con số này giảm tháng thứ ba liên tiếp kể từ tháng 7/2012.

Tồn kho các mặt hàng mua tiếp tục tăng tháng thứ ba liên tiếp. Tuy nhiên điều này cho phép các nhà cung ứng đầu vào cải thiện thời gian cung cấp hàng hóa trong tháng 9, rút ngắn thời gian giao hàng tháng thứ hai liên tiếp.

Bình luận về chỉ số PMI của Việt Nam, ông Andrew Harker tại Markit, tổ chức thực hiện cuộc khảo sát chỉ số này cho biết:

“ Sau khi tăng trưởng chậm lại trong những tháng gần đây, tình hình đã trở nên tệ hơn đối với khu vực sản xuất của Việt Nam trong tháng 9 với sự sụt giảm trong cả hai yếu tố số lượng đơn hàng mới và sản lượng.”.

“Nhu cầu yếu trong khu vực đang gây ra những tác động tiêu cực tới các nhà sản xuất Việt Nam. Số liệu cho thấy khu vực này đang tăng trưởng chậm lại, tương phản với thời gian đầu năm.”.

“Tuy nhiên một điểm tích cực trong báo cáo PMI tháng 9 là tăng trưởng trong thị trường lao động, mặc dù có thể thay đổi trong những tháng sắp tới nếu xu hướng giảm xuống trong sản lượng và đơn hàng mới tiếp diễn.”.

Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng Ngành Sản xuất tại Việt nam của Nikkei (Nikkei Vietnam Manufacturing PMI™) được xây dựng trên cơ sở dữ liệu thu thập hàng tháng từ các bảng trả lời câu hỏi khảo sát của các nhà quản trị mua hàng ở hơn 400 doanh nghiệp công nghiệp hàng đầu ở Việt Nam.

Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam của Nikkei là một chỉ số tổng hợp dựa vào năm trong số các chỉ số riêng lẻ với những trọng số sau đây: Số lượng đơn đặt hàng mới - 0,3, Sản lượng - 0,25, Việc làm - 0,2, Thời gian giao hàng của nhà cung cấp - 0,15, Tồn kho các mặt hàng mua – 0,1.

Thông tin về PMI đã được thực hiện tại hơn 30 quốc gia bao gồm khu vực đồng tiền chung châu Âu. Đây là những cuộc khảo sát kinh doanh được theo dõi nhiều nhất trên thế giới, được sự ủng hộ của các ngân hàng trung ương, thị trường tài chính và các nhà hoạch định chính sách kinh doanh vì khả năng cung cấp những chỉ số cập nhật, chính xác và độc đáo phản ánh các khuynh hướng kinh tế. 

Nghi Điền

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến