“Bốc hơi” ngàn tỷ đồng lợi nhuận vì nợ xấu
Theo số liệu tại thời điểm cuối năm 2024, cứ 100 đồng phải thu khách hàng do “mua chịu” của PV GAS lại có 32,5 đồng nằm ở diện nợ khó đòi. Khoản phải thu khách hàng khó có khả năng thu hồi đến cuối năm 2024 xấp xỉ 5.440 tỷ đồng. Cùng với công nợ ở nhóm trả trước người bán và phải thu khác, con số được xác định vào nhóm nợ xấu tại ngày 31/12/2024 xấp xỉ 5.670 tỷ đồng, gấp 2,93 lần so với thời điểm cuối năm 2023.
Đây cũng là nguyên nhân khiến chi phí dự phòng phải thu khó đòi năm 2024 vọt lên 1.918 tỷ đồng, gấp gần 17 lần năm 2023, qua đó trực tiếp làm tăng chi phí quản lý doanh nghiệp.
Năm 2024, doanh thu cả năm của “ông lớn” ngành khí này đạt 103.564 tỷ đồng, tăng 15% so với năm trước đó. Đóng góp chính vào tăng trưởng doanh thu là mảng khí LPG, với mức tăng 42% nhờ sản lượng tăng tới 25% so với cùng kỳ. Theo giải trình từ phía Tổng công ty, nguyên nhân chính khiến lợi nhuận năm 2024 giảm 10% là do xu hướng giảm của giá dầu Brent và sản lượng khí khô tiêu thụ giảm 14%. Dẫu vậy, lợi nhuận gộp cả năm 2024 vẫn nhích tăng 4%.
Theo bà Phạm Thị Mộng Thy, chuyên gia phân tích của Chứng khoán Vietcombank (VCBS), chi phí dự phòng nợ xấu phát sinh từ khó khăn trong thu hồi công nợ và nợ tồn đọng lớn từ các khách hàng như PV Power, EVNGENCO3 và các nhà máy điện BOT, do các khách hàng này gặp khó khăn trong thanh toán, là một trong những nguyên nhân làm thu hẹp lợi nhuận của PV GAS.
Không chỉ tác động đến chi phí, việc “chiếm dụng vốn” từ các đối tác cũng tác động trực tiếp đến doanh thu của Tổng công ty khi lãi tiền gửi giảm 27,6% so với năm trước. PV GAS là một trong những doanh nghiệp niêm yết có lượng tiền và tiền gửi lớn nhất trên sàn chứng khoán, với giá trị các khoản tương đương tiền và đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (tiền gửi 3-12 tháng) lần lượt là 4.320 tỷ đồng và 27.494 tỷ đồng. Thời điểm cuối năm 2023, lượng tiền gửi cao hơn nhiều, xấp xỉ 39.600 tỷ đồng. Tỷ trọng giá trị các khoản tiền gửi trong cơ cấu tổng tài sản giảm mạnh, từ 45% xuống 39% trong năm qua. Với lượng tiền gửi nắm giữ thấp hơn nếu nợ đọng còn kéo dài, cùng xu hướng lãi suất huy động khó tăng trong năm 2025, thì doanh thu tài chính từ khoản tiền gửi khó tăng thêm trong năm nay.
Dòng tiền ứ đọng
Trong cơ cấu phải thu khó đòi của PV GAS, khách hàng mua chịu lớn nhất là Công ty cổ phần Điện lực dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2), với giá trị khoản nợ xấu gần 2.690 tỷ đồng, bao gồm 1.397 tỷ đồng nợ 6 -12 tháng và 942 tỷ đồng nợ đọng 1-2 năm. Các khoản nợ trên 3 năm đến cuối năm 2024 cũng vượt 268 tỷ đồng.
Tại Nhơn Trạch 2, doanh nghiệp này cũng còn tồn đọng tới hơn 2.930 tỷ đồng khoản phải thu của Công ty Mua bán điện (EPTC). Theo Nghị quyết số 1944/NQ-DKVN của PVN ban hành năm 2018, Nhơn Trạch 2 sẽ phải tiến hành ghi nhận khoản thu tiền lãi trả chậm phát sinh từ EPTC và ghi nhận khoản phải trả cho PV GAS dựa theo ngày chậm trễ/quá hạn thanh toán theo đúng quy định của hợp đồng nguyên tắc và các phụ lục bổ sung tại hợp đồng mua bán khí và hợp đồng mua bán điện.
“Công ty đã làm việc với Công ty Mua bán điện thuộc EVN, PV GAS về tình hình thực hiện hợp đồng mua bán điện/khí và đang trao đổi lại với PVN cũng như Công ty mẹ - PV Power về phương pháp cụ thể, về tính hiệu lực của Nghị quyết số 1944/NQ-DKVN có được áp dụng cho các khoản lãi chậm nộp có số dư phát sinh từ những năm/kỳ trước để làm cơ sở cho việc hạch toán chính xác và đầy đủ các khoản lãi phạt/chi phí, phải thu/phải trả liên quan đến việc chậm thanh toán tiền điện/tiền khí đã phát sinh trong thời gian tới”, lãnh đạo Nhơn Trạch 2 cho hay trong báo cáo tài chính gửi đến các nhà đầu tư.
Ngoài ra, một phần khoản phải thu đối với hai nhà máy điện BOT phát sinh từ phần chênh lệch giữa đơn giá bán khí mới và khí cũ do có sự thay đổi về nguồn cung cấp khí. Các bên vẫn đang trong quá trình thảo luận để ký kết chính thức các phụ lục hợp đồng mua bán khí liên quan đơn giá bán khí mới, từ đó mới có cơ sở cho hoạt động thanh toán sau này.
“Đọng vốn” vì các khoản phải thu gia tăng giữa các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị ngành điện cũng góp một phần kéo vòng quay tiền chậm lại. Theo TS. Cấn Văn Lực, vòng quay tiền còn chậm. Dù cung tiền tăng, vòng quay tiền năm 2024 là 0,67 lần - cải thiện, nhưng không đáng kể so với mức nền vốn đã thấp của năm trước đó (0,66 lần). Một trong các nguyên nhân được chỉ ra là tình trạng các chủ đầu tư, doanh nghiệp vẫn còn nợ đọng lẫn nhau.
Hiện tượng doanh nghiệp nợ lẫn nhau và trả nợ không đúng hạn từng xảy ra ở nhiều ngành, lĩnh vực, đặc biệt từ cuối năm 2022. Một phần là hệ lụy từ việc các doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn khác, đặc biệt khi kênh huy động vốn tín dụng chưa được “nới” room và thị trường trái phiếu trầm lắng giai đoạn đó.
Ở giai đoạn hiện tại, với lĩnh vực điện, tình trạng nợ đọng vốn kéo dài đang trực tiếp ảnh hưởng đến nhiều đơn vị. Trong báo cáo mới đây, VIS Rating cho rằng, dòng tiền toàn ngành điện sẽ được thúc đẩy nhờ giá bán lẻ điện tăng và các nhà máy sản xuất điện mới sẽ tăng tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống thêm 6%, nâng cao sản lượng và doanh thu trong bối cảnh nhu cầu điện tăng cao.
Tiềm năng tăng trưởng của PV GAS vẫn được đánh giá cao trong năm 2025. Theo chuyên gia VCBS, các mỏ khí thiên nhiên trong nước từ sau năm 2020 đang trong giai đoạn suy giảm mạnh, khí hóa lỏng LNG từ kho Thị Vải của PV GAS đã cung cấp nguồn khí đảm bảo vận hành các nhà máy điện, đặc biệt ở giai đoạn mùa khô.
Năm 2025, theo chuyên gia trên, PV GAS có thể tăng nhập khẩu LNG gấp đôi so với cùng kỳ và mở rộng công suất tái hóa kho LNG Thị Vải từ 5,7 lên 7 triệu Sm³/ngày từ tháng 3/2025. Chiến lược đẩy mạnh phát triển thị trường miền Bắc và Bắc Trung bộ thông qua các dự án kho LPG lạnh cũng là điểm nhấn đầu tư tại doanh nghiệp này.
Tác giả: Thanh Thủy
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy