PVN 1000 tỷ 'rót' cho PVShipyard: Trái tim nhầm chỗ để trên đầu?
15/12/2015 15:12:45
ANTT.VN – Ra đời với sứ mệnh phát triển lĩnh vực dịch vụ ngành dầu khí, đứa con PVShipyard của Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam được hưởng những đặc ân hiếm thấy với những gói cứu trợ lên đến gần 1.000 tỷ đồng mà không cần tài sản đảm bảo.

Tin liên quan

946 tỷ đồng cho vay tín chấp

Thông qua đơn vị trực thuộc là Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVComBank), trước đây là Tổng Công ty tài chính Cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC) với 52% vốn thuộc sở hữu của Tập đoàn dầu khí Việt Nam, PVN đã đưa ra những gói cứu trợ hào phóng cho PV Shipyard mà không cần tài sản đảm bảo.

Đầu tiên phải kể đến khoản vay ngắn hạn bằng đồng đô la Mỹ từ PVCombank – chi nhánh Bà Rịa – Vũng Tàu từ ngày 26/09/2014, đáo hạn trong vòng 6 tháng kể từ ngày rút vốn. Khoản vay này không có tài sản đảm bảo và chỉ chịu lãi suất 2%/năm với hạn mức tín dụng lên tới 750 tỷ đồng dùng để bổ sung vốn lưu động, phát hành bảo lãnh, mở và thanh toán thư tín dụng để phục vụ Tam Đảo 05. Số dư nợ tại ngày 30/09/2015 là 321,718 tỷ đồng.

Kế đến, hai hợp đồng vay dài hạn từ năm 2011 nhằm phục vụ cho dự án “Xây dựng căn cứ đóng mới và sửa chữa giàn khoan dầu khí” của PV Shipyard liên tục được ân hạn dựa trên lòng tin kiên định của PVN, dư nợ đến hết quý III năm nay là 625,1 tỷ đồng.

Lịch biểu trả nợ vay dài hạn của PVShipyard đối với PVComBank

Ngày 18/03/2011, PVFC tài trợ vốn cho PV Shipyard thanh toán chi phí đầu tư ban đầu của dự án với số tiền tối đa 250 tỷ đồng – thời hạn tính từ khi PVN chuyển vốn ủy thác cho PVFC đến ngày 06/04/2012. Công ty đã giải ngân 183,5 tỷ đồng trong giai đoạn 2011-2012.

Ngày 17/5/2011, hai bên tiếp tục ký hợp đồng tín dụng số 11/2011/HDTDUT/TCDK-CNVT.TD với số tiền 641 tỷ đồng được giải ngân ngay trong năm với thời hạn ban đầu chỉ là 12 tháng từ 24/5/2011 đến 24/5/2012.

Đến năm 2013, PVComBank đã cho phép PVShipyard cơ cấu lại khoản vay và gia hạn đến năm 2018. Chưa dừng lại ở đó, mới đây, ngày 29/06/2015, PVComBank và PV Shipyard ký bổ sung phụ lục hợp đồng, theo đó khoản nợ đáo hạn ngày 30/06/2014 sẽ được trả vào năm 2015, khoản nợ gốc còn lại được ân hạn thêm 10 năm, hạn trả từ 30/6/2015 đến tận… 30/6/2024.

Không chỉ có PVN đặt niềm tin với giá trị gần 1.000 tỷ đồng tại CTCP Chế tạo giàn khoan dầu khí mà bằng cách nào đó, Vietinbank – chi nhánh 4 cũng cho PVShipyard vay không tài sản đảm bảo với số dư nợ hiện nay là 620 tỷ đồng nhằm phục vụ hợp đồng đóng mới giàn khoan Tam Đảo 05.

Ốc có mang nổi mình ốc?

Mới đây, Báo cáo của Chính phủ về tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2014 của các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước, cho thấy nhiều đơn vị bị “lỗ” và dính nhiều nợ xấu.

Báo cáo hợp nhất của các TĐ,TCT có tổng nợ phải thu là 293.617 tỷ đồng, tăng 11% so với thực hiện năm 2013. Trong đó, nợ phải thu khó đòi là 13.570 tỷ đồng , tăng 18,6% so với thực hiện năm 2013, chiếm 4,6% tổng số nợ phải thu.

Và cái tên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) tiếp tục “đội sổ” với 3.113 tỷ đồng – chiếm 23% tổng nợ khó đòi của tất cả các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước.

Nợ khó đòi của PVN lên đên 3.113 tỷ đồng - đứng đầu danh sách nợ khó đòi của TCT, TĐ Nhà nước

Với tình hình hiện tại, số dư nợ gần 1.000 tỷ đồng của PVShipyard do PVN cứu trợ liệu có thể trả được hay không, khi ngoài khoản vay ngắn hạn 321,7 tỷ đồng, trong vòng một năm tới, PVShipyard còn phải hoàn trả 117 tỷ đồng theo lịch biểu đã ký. Đó còn chưa kể chi phí lãi vay còn treo trên sổ kế toán đến ngày 30/09/2015 là 63,78 tỷ đồng.

Theo báo cáo hợp nhất tình hình kinh doanh quý III/2015, lợi nhuận sau thuế trong kỳ của công ty chỉ đạt 13,23 tỷ đồng – giảm 56% so với cùng kỳ năm trước, nâng số lãi thu về trong 9 tháng đầu năm nay lên 33 tỷ đồng.

Do đó, khoản lỗ lũy kế của PVShipyard phần nào được cải thiện khi giảm còn -142,55 tỷ đồng.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2015, Chủ tịch HĐQT Đặng Thế Hưởng đã trình bày phương án tái cơ cấu tổ chức PVShipyard theo chủ trương của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam – PVN) về thành lập Tổng công ty về lĩnh vực đóng mới sửa chữa phương tiện nổi gồm 3 đơn vị là Công ty TNHH MTV Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất (DQS), công ty CP Đóng mới và sửa chữa tàu Dầu khí Nhơn Trạch (NTS) và PV Shipyard.

Điều đáng chú ý, PV Shipyard sẽ phát hành cổ phiếu riêng lẻ tăng vốn điều lệ cho DQS góp thêm 619,18 tỷ đồng, tương đương chiếm 51% tổng vốn điều lệ có quyền chi phối.

Như vậy, sau khi DQS góp vốn để biến PV Shipyard thành công ty con, vốn điều lệ tại đây sẽ tăng từ 595 tỷ đồng lên 1.214 tỷ đồng.

Cơ cấu cổ đông hiện tại của PVShipyard

Hoa Liên

 

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến