Dòng sự kiện:
Quảng Bình xử lý 'điểm tắc' cuối cùng tại mặt bằng cao tốc Bắc – Nam
20/08/2024 22:56:01
Quảng Bình đã xây dựng phương án bảo vệ thi công đảm bảo hoàn thành giải phóng mặt bằng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn đi qua địa bàn huyện Lệ Thủy.

Theo công điện của Thủ tướng Chính phủ, chậm nhất đến ngày 30/8/2024, Quảng Bình phải hoàn thành  100% công tác bồi thường,giải phóng mặt bằng (GPMB) của Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, gần đến mốc thời gian này, Quảng Bình vẫn còn gần 1 km mặt bằng chưa bàn giao cho chủ đầu tư bởi những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng chưa được tháo gỡ và phần lớn khó khăn còn lại này nằm trên địa bàn huyện Lệ Thủy .

Vì vậy, ngày 20/8, UBND tỉnh Quảng Bình cử ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh có buổi làm việc với UBND huyện Lệ Thủy về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025 đoạn đi qua địa bàn huyện.

Yêu cầu huyện Lệ Thủy tập trung quyết liệt để hoàn thành theo mốc thời gian quy định; sau cuộc họp này cần ban hành ngay các quyết định cưỡng chế và xây dựng phương án bảo vệ thi công đối với trường hợp không đồng ý với chính sách bồi thường, GPMB theo quy định của pháp luật hiện hành. Các tổ công tác, ban quản lý dự án và nhà thầu cần phối hợp chặt chẽ trong thực hiện nhiệm vụ bồi thường, GPMB; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và những vấn đề phát sinh, không để ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án.

Ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh động viên các hộ dân đang triển khai làm nhà ở thuộc khu tái định cư.

Theo báo cáo của huyện Lệ Thủy, tình hình triển khai thực hiện Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025, tính đến ngày 19/8/2024, huyện đã ban hành các quyết định phê duyệt thu hồi đất và phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho 991 hộ dân với số tiền 909 tỷ đồng, tương đương 240 ha với 31,95 km, đạt 100%. Mặt bằng đã bàn giao cho Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh là 31,343 km/31,952 km, đạt 98,5%. Chiều dài còn lại chưa bàn giao là 489 m, bao gồm: Xã Trường Thủy 105 m, thị trấn Lệ Ninh 45 m và xã Phú Thủy 339 m.

Hiện tại, huyện Lệ Thủy đang còn vướng mắc trong công tác bồi thường, GPMB đối với 24 hộ gồm: 7 trường hợp đã phê duyệt nhưng chưa nhận tiền do chờ tiền, do làm ăn ở Hàn Quốc chưa về; 3 trường hợp không đồng ý tái định cư tại vị trí đã xây dựng mà đề nghị tái định cư cùng trục đường; 12 trường hợp đang thực hiện cưỡng chế và một số vướng mắc khác đang chờ giải quyết.

Nhiều hộ dân dùng nhiều cách để cản trở thi công cao tốc Bắc Nam đoạn đi qua huyện Lệ Thủy.

Huyện Lệ Thủy đã có giải pháp thông báo chi trả sau khi có kinh phí và bàn giao trước ngày 30/8 với các trường hợp đã phê duyệt nhưng chưa có kinh phí; tiếp tục giải thích, vận động và thực hiện phương án bồi thường bằng tiền, hoàn thiện hồ sơ cưỡng chế các trường hợp không đồng ý tái định cư; thực hiện hỗ trợ sau thuế, trường hợp không đồng ý bàn giao thì tiến hành cưỡng chế khi có chính sách mới đối với trang trại điện mặt trời.

Riêng trường hợp ông Trương Xuân Thành ở xã Trường Thủy sẽ thực hiện phương án bồi thường bằng tiền đối với 2 thửa đất tương đương và tiến hành cưỡng chế nếu không đồng ý.

Ông Lưu Tuấn (Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh), chủ đầu tư dự án thành phần Vạn Ninh – Cam Lộ đoạn qua huyện Lệ Thủy cho biết, địa phương bàn giao mặt bằng đến đâu, đơn vị huy động nhân lực, vật lực để thi công đảm bảo kịp tiến độ đến đó.

“Chúng tôi rất sốt ruột khi trên tuyến chính vẫn còn án ngữ nhiều nhà dân, hệ thống đường điện… Sắp vào mùa mưa, nếu không được bàn giao mặt bằng để đắp nền đường, dự án có nguy cơ vỡ tiến độ”, ông Tuấn thông tin.

Xuân Hương



 

 

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến