Dòng sự kiện:
Quảng Nam: Dân mất lợn vì dịch tả châu Phi, phải nộp tiền cho xã tiêu hủy
31/07/2019 09:52:25
Đằng sau hình ảnh xác lợn chết trôi nổi tràn lan ở kênh mương, vứt lung tung khắp mọi nơi giữa cao điểm dịch tả lợn châu Phi là một câu chuyện ngược đời gây nhức nhối tại xã Bình Triều, huyện Thăng Bình (Quảng Nam).

Ngày 30/7, phản ánh đến báo chí, người dân xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam cho biết, nỗi bức xúc khi chính quyền địa phương "bắt ép" thu tiền khi muốn tiêu hủy lợn bệnh dịch.

"Lợn của người dân bị bệnh dịch tả châu Phi thì thông báo cho chính quyền đến đưa đi tiêu hủy, nhưng chính quyền lại bắt dân đóng mới xử lý. Loại lợn từ vài chục kg đến dưới 100kg thì nộp 200.000 đồng/con; lợn trên 100kg thì nộp 300.000 đồng...", một người dân cho biết.

Người dân lén mang lợn chết vứt tại các điểm chôn lấp do không nộp tiền nên không được tổ tiêu hủy mang đi xử lý.

Như trường hợp của bà Lê Thị B. (trú xã Bình Triều), sau nhiều tháng chăm bẵm gần xuất chuồng thì 2 con heo nái tổng trọng lượng gần 200kg của bà nhiễm dịch và lăn ra chết. Theo đúng quy định, bà B. báo cáo chính quyền. Sau đó, khi tổ tiêu hủy đến, bà nộp 500.000 đồng thì mới được chở đi tiêu hủy.

"Hai con heo mua mấy triệu bạc, chăm nom mấy tháng trời giờ mất trắng. Đã thế họ còn bắt đóng 500.000 đồng mới đưa đi tiêu hủy. Dân quê nghèo, nhà được con lợn, con bò và vài sào ruộng mà lâm phải cảnh này thì điêu đứng luôn", bà B. giãi bày.

Cũng theo phản ánh của người dân, nếu hộ dân có lợn nhiễm dịch tả châu Phi mà không đóng tiền thì tổ tiêu hủy không mang đi xử lý. Nhiều hộ dân gặp phải tình cảnh này đành lén lút chở heo đi vứt lung tung.

Theo quan sát của PV, tại nhiều điểm chôn lấp heo do chính quyền xã Bình Triều lập nên xuất hiện xác heo chết vương vãi, bốc mùi hôi thối, ô nhiễm nặng nề. Đây là số heo chết mà người dân không đóng tiền nên đã tự ý chở đến vứt, không chôn lấp theo quy trình.

Xác lợn chết trôi nổi khắp nơi.

Một lãnh đạo chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Quảng Nam cho biết, theo quy định, khi lợn bị bệnh dịch tả châu Phi thì người dân báo cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y. Sau đó có lực lượng do UBND xã chủ trì đến đưa đi tiêu hủy.

Những người tham gia công tác phòng chống dịch này được tiền ngân sách Nhà nước chi trả theo ngày công, tuyệt đối không thu tiền của người dân.

Trả lời PV, ông Nguyễn Ba, Chủ tịch xã Bình Triều thừa nhận, có việc chính quyền thu tiền của hộ dân có heo bệnh khi tiêu hủy.

Theo ông Ba, đến nay, xã này đã thu tổng cộng khoảng 125 triệu đồng của các hộ dân thuộc diện trên. Và việc đội tiêu hủy lợn dịch bệnh thu tiền của người dân là không đúng với quy định.

Giải thích về việc biết thu sai mà vẫn làm, vị Chủ tịch UBND xã Bình Triều cho rằng, Nhà nước chưa cấp tiền để chi trả cho số người tham gia đội tiêu hủy lợn bệnh, nên việc chính quyền thuê người vận chuyển xác lợn đi tiêu hủy rất khó khăn. Do đó, để có tiền chi trả, chính quyền đã thu của người dân.

"Cách làm này giúp nhanh chóng thu dọn lợn chết sớm đi tiêu hủy, còn để lâu ngày bị hôi thối. Sau khi có tiền Nhà nước chi trả thì sẽ dùng để trả lại cho người dân", ông Ba phân trần.

UBND huyện Thăng Bình yêu cầu tuyệt đối không thu tiền của người dân trong việc xử lý lợn bệnh.

Liên quan đến vụ việc này, nguồn tin từ văn phòng UBND huyện Thăng Bình cho hay, lãnh đạo huyện đã nắm được vấn đề này. Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, lãnh đạo huyện Thăng Bình đã chỉ đạo nhiều cơ quan đơn vị vào cuộc nghiêm túc phòng chống dịch.

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số xã, thị trấn chưa thực hiện nghiêm túc các vấn đề về môi trường, vệ sinh và quy trình kỹ thuật... Và chuyện thu tiền của người dân khi vận chuyển lợn dịch đi tiêu hủy.

Ông Nguyễn Văn Húy, Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết thêm rằng, ông vừa ký văn bản gửi các xã, thị trấn yêu cầu chấn chỉnh tình trạng thu tiền của người chăn nuôi trong quá trình tiểu hủy lợn mắc bệnh dịch tả châu Phi.

UBND huyện Thăng Bình đề nghị các địa phương tuyệt đối không thu tiền của người dân, nếu thu tiền công vận chuyển của người dân có lợn mắc bệnh không đúng thì phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện.

Để giải quyết bài toán tiền công tiêu hủy, UBND huyện Thăng Bình đề nghị các xã sử dụng nguồn ngân sách dự phòng, kết dư, sự nghiệp kinh tế và các nguồn ngân sách khác của địa phương để triển khai phòng chống dịch.

Được biết, tại Quảng Nam, dịch tả lợn châu Phi xảy ra ở 14 huyện, thị xã, thành phố và diễn biến rất phức tạp. Từ tháng 5 - 7/2019, lực lượng chức năng tiêu hủy trên 12.000 con với trọng lượng 600 tấn. Dịch bệnh tại tỉnh này chưa có dấu dừng lại. Số lượng lợn tiêu hủy mỗi ngày rất lớn.

NĐT

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến