Dòng sự kiện:
Quốc Cường Gia Lai xin nộp tiền chênh lệch để tiếp tục thực hiện dự án
13/10/2022 05:34:05
Trả lời HĐXX, đại diện Quốc Cường Gia Lai nói chấp nhận nộp tiền để tiếp tục được thực hiện dự án Khu dân cư Ven Sông vì công ty này có kinh nghiệm kinh doanh bất động sản.

Một góc dự án Khu dân cư Ven Sông. Ảnh: Lê Quân.

Chiều 12/10, TAND TP.HCM tiếp tục phiên tòa sơ thẩm xét xử ông Tất Thành Cang (cựu Phó bí thư Thành ủy TP.HCM) và 9 đồng phạm liên quan sai phạm chuyển nhượng 32 ha đất dự án Phước Kiển, huyện Nhà Bè và dự án Khu dân cư Ven Sông, quận 7 cho Công ty Quốc Cường Gia Lai.

Trong vụ án này, các bị cáo bị truy tố về cùng tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí theo khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự, khung hình phạt 10-20 năm tù.

Công ty Tân Thuận xin nhận lại 21 tỷ đồng tiền lãi

Cáo trạng thể hiện, tháng 6/2017, Công ty Tân Thuận đã chuyển nhượng 32 ha đất Phước Kiển cho Công ty Quốc Cường Gia Lai với giá 1,29 triệu đồng/m2 và đã nhận của Công ty Quốc Cường Gia Lai 374 tỷ đồng, tiền thuế VAT 23 tỷ đồng.

Sau khi hợp đồng bị hủy bỏ, Công ty Tân Thuận đã trả lại cho Quốc Cường Gia Lai tiền chuyển nhượng, tiền thuế VAT và tiền lãi suất là 21 tỷ đồng.

Tại tòa hôm nay, đại diện Công ty Tân Thuận xác định thiệt hại phần lãi suất khi 2 bên hủy hợp đồng chuyển nhượng và đề nghị HĐXX cho nhận lại phần lãi suất này (21 tỷ đồng).

Đối với việc chuyển nhượng dự án khu dân cư Ven Sông, do chưa thu hồi, khắc phục được, Công ty Tân Thuận đề nghị HĐXX tuyên hủy hợp đồng, phụ lục hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa Công ty Tân Thuận và Quốc Cường Gia Lai, đồng thời giải quyết hậu quả khi hủy bỏ hợp đồng.

Trong đó, đối với phần diện tích đất Công ty Tân Thuận đã chuyển nhượng cho Quốc Cường Gia Lai, hiện Quốc Cường Gia Lai đã xây dựng hoàn thiện, nên Công ty Tân Thuận kiến nghị HĐXX có biện pháp thu hồi phần giá trị chênh lệch còn thiếu mà Quốc Cường Gia Lai đang chiếm hữu.

Đối với phần diện tích hơn 9.900 m2 chưa được cấp sổ đỏ, Công ty Tân Thuận đề nghị được liên hệ với cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không tiếp tục chuyển nhượng cho Quốc Cường Gia Lai.

Trả lời câu hỏi của HĐXX về việc Công ty Tân Thuận có đủ vốn nếu xử lý quy hoạch phần diện tích hơn 9.900 m2 còn lại hay không. Đại diện Công ty Tân Thuận cho rằng nếu phía Công ty Tân Thuận giữ lại khu đất này để đầu tư, phải xin điều chỉnh quy hoạch và tính toán lại mức vốn.

"Quốc Cường Gia Lai chấp nhận nộp tiền để tiếp tục thực hiện dự án"

Trả lời HĐXX, đại diện Quốc Cường Gia Lai đề nghị HĐXX xem xét trong giao dịch chuyển nhượng 32 ha đất tại Phước Kiển, Quốc Cường Gia Lai là một bên trong quan hệ giao dịch dân sự kinh tế, là một bên ngay tình, không có vi phạm gì trong nội bộ của Công ty Tân Thuận hay Văn phòng Thành ủy TP.HCM.

Theo Quốc Cường Gia Lai, việc hủy hợp đồng gây thiệt hại cho Công ty Quốc Cường, nên việc hoàn trả cho Quốc Cường Gia Lai một phần tiền lãi là phù hợp. Trong quá trình điều tra, Quốc Cường Gia Lai đã chuyển vào tài khoản của cơ quan điều tra 16,9 tỷ đồng, hiện Quốc Cường Gia Lai xin nhận lại số tiền này.

Đối với dự án khu dân cư Ven Sông, Quốc Cường Gia Lai nhận chuyển nhượng 45% vốn góp với giá 186 tỷ đồng. Công ty này đã thanh toán đầy đủ cho Tân Thuận. Hiện Quốc Cường Gia Lai đã đầu tư xây dựng được block A và C để phục vụ hạ tầng kỹ thuật khu dân cư.

Năm 2016, Hội đồng thẩm định giá trong tố tụng hình sự đã xác định tiền chênh lệch giữa giá Hội đồng định giá xác định và giá chuyển nhượng là hơn 3,5 triệu đồng/m2. Quốc Cường Gia Lai cho rằng mình có kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, có năng lực, có vốn để thực hiện dự án và cũng đã trả tiền mua lại 45% vốn góp.

"Quốc Cường Gia Lai mong HĐXX đồng ý cho công ty này tiếp tục thực hiện dự án và chấp nhận nộp phần chênh lệch giữa giá chuyển nhượng và giá trị Hội đồng định giá xác định", đại diện Quốc Cường Gia Lai trình bày.

Bị cáo Tất Thành Cang và đồng phạm tại tòa. Ảnh: Y Kiện.

Theo cáo trạng, Công ty Tân Thuận là công ty có vốn Nhà nước. Tháng 11/2000, công ty này được UBND huyện Nhà Bè (TP.HCM) giao nhiệm vụ đầu tư xây dựng dự án Phước Kiển, được Văn phòng Thành ủy chấp thuận chủ trương đầu tư.

Tháng 8/2016, Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai có văn bản đề nghị hợp tác đầu tư với tỷ lệ 75/25 hoặc xin nhận chuyển nhượng 100% dự án Phước Kiển. Thời điểm này, ông Trần Công Thiện (Tổng giám đốc Công ty Tân Thuận) đã chỉ đạo cấp dưới thuê Công ty Kiểm toán và dịch vụ tin học TP.HCM ban hành chứng thư thẩm định giá xác định diện tích 32 ha đất tại dự án trên có giá bình quân là hơn một triệu đồng/m2.

Hội đồng xây dựng giá bất động sản kinh doanh của Công ty Tân Thuận sau đó họp và chỉ căn cứ duy nhất vào giá trong chứng thư thẩm định giá (1,25 triệu đồng/m2) để xây dựng đơn giá chuyển nhượng. Tháng 6/2017, Công ty Tân Thuận đã chuyển nhượng 32 ha đất Phước Kiển cho Công ty Quốc Cường Gia Lai với giá 1,29 triệu đồng/m2, nhận 374 tỷ đồng, tiền thuế VAT là 23 tỷ đồng. Sau đó, hợp đồng bị hủy bỏ, Công ty Tân Thuận đã trả lại cho Công ty Quốc Cường Gia Lai 374 tỷ đồng, 23 tỷ đồng tiền thuế VAT và 21 tỷ đồng tiền lãi, gây thiệt hại 202 tỷ đồng của Nhà nước.

Đối với 32.967 m2 đất thuộc Khu IV - dự án Khu dân cư Ven Sông tại phường Tân Phong (quận 7), Công ty Tân Thuận cũng căn cứ vào chứng thư thẩm định giá của Công ty Thương Tín trong đó xác định giá trị bình quân khu đất này là hơn 17,6 triệu đồng/m2. Ngày 28/11/2017, Công ty Tân Thuận chuyển nhượng toàn bộ khu đất này cho Công ty Quốc Cường Gia Lai với giá 20 triệu đồng/m2, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 283 tỷ đồng. Tổng thiệt hại vụ án này là hơn 532 tỷ đồng.

Tác giả: Dương Quỳnh Trang

Theo: Zing.vn
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến