Đại sứ quán Lithuania ở Trung Quốc (Ảnh: Reuters).
Các nhà chức trách Lithuania hôm 15/12 thông báo đã triệu hồi các nhân viên ngoại giao hàng đầu từ Trung Quốc về nước để "tham vấn". Theo đó, Đại sứ quán Lithuania ở Bắc Kinh sẽ hoạt động từ xa trong thời gian này.
Reuters dẫn một nguồn tin ngoại giao cho biết, nhóm 19 người gồm các nhân viên Đại sứ quán Lithuania và người thân của họ đã rời Bắc Kinh để tới Paris, Pháp. Một nguồn tin ngoại giao khác cho biết sự rời đi của các nhân viên ngoại giao Lithuania là động thái phản ứng trước "sự hăm dọa".
Ngày 15/12, tòa nhà Đại sứ quán Lithuania ở Bắc Kinh dường như trống trơn, không ai phản hồi điện thoại cũng như tiếng gọi từ bên ngoài. Bức ảnh chụp trước đó một ngày cho thấy 2 bó hoa được đặt ở cửa trước của tòa nhà.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Trung Quốc và Lithuania xấu đi rõ rệt thời gian qua sau khi Lithuania cho phép mở "Văn phòng đại diện Đài Loan".
Đài Loan có văn phòng đại diện ở nhiều nước châu Âu khác, nhưng thường được đặt tên gọi là "Văn phòng kinh tế và văn hóa Đài Bắc". Việc Lithuania cho phép sử dụng tên "Văn phòng đại diện Đài Loan" khiến Trung Quốc phản đối vì Bắc Kinh luôn coi hòn đảo là lãnh thổ cần phải được thống nhất bằng mọi giá, kể cả sử dụng vũ lực.
Trung Quốc đã hạ cấp quan hệ ngoại giao với Lithuania nhằm phản đối động thái của quốc gia châu Âu này. Lithuania sau đó cũng cáo buộc Trung Quốc đã chặn hoạt động xuất khẩu của họ, động thái mà Mỹ gọi là hành động "bắt nạt".
Ngoài hạ cấp quan hệ ngoại giao, Trung Quốc liên tục gây sức ép với Lithuania. Lithuania hồi đầu tháng cáo buộc Trung Quốc đã gây áp lực với các công ty đa quốc gia, buộc họ phải cắt đứt quan hệ đối tác với Lithuania hoặc đối mặt với việc bị đẩy ra khỏi thị trường Trung Quốc.
Tương tự hầu hết các quốc gia khác, Lithuania - một quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) - có quan hệ chính thức với Bắc Kinh, chứ không phải Đài Loan. Mặc dù hoạt động thương mại trực tiếp giữa Trung Quốc và Lithuania tương đối khiêm tốn, nhưng nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của Lithuania là nơi hàng trăm công ty sản xuất các sản phẩm như đồ nội thất, thực phẩm, quần áo cho các công ty đa quốc gia bán tại thị trường Trung Quốc.
Đài Loan ngày 15/12 đã lên tiếng ủng hộ Lithuania sau khi các nhân viên ngoại giao nước này rời khỏi Trung Quốc.
"Thật không may là các nhà ngoại giao Lithuania đang bị hăm dọa", bà Hsiao Bi-khim, đại diện của Đài Loan tại Washington, nói với Reuters.
"Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để đẩy mạnh hơn chuỗi kinh tế và hợp tác kỹ thuật với Lithuania. Cách chúng tôi nhìn nhận mối quan hệ đối tác với Lithuania là một quá trình thiện chí và hỗ trợ lẫn nhau", đại diện của Đài Loan cho biết thêm.
Mỹ đã lên tiếng ủng hộ Lithuania trong tranh cãi ngoại giao với Trung Quốc, bất chấp nguy cơ gia tăng căng thẳng Mỹ - Trung. Bộ Ngoại giao Lithuania cho biết nước này sẵn sàng tiếp tục đối thoại với Trung Quốc và khôi phục các chức năng của đại sứ quán sau khi đạt được thỏa thuận cùng có lợi.
Tác giả: Thành Đạt
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy