Dòng sự kiện:
“Quốc hội còn nợ dân”
29/03/2016 10:36:25
Thảo luận về dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011 - 2016 của Quốc hội, các cơ quan Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước, nhiều đại biểu Quốc hội vẫn cảm thấy trăn trở khi nhiệm kỳ qua chưa làm tròn trách nhiệm của mình, và từ “món nợ” được nhiều đại biểu nhắc tới.

Tin liên quan

Đại biểu Lê Nam: “Tôi vẫn trăn trở vì còn nợ dân, nợ nước”.

Chuyên trách nhưng phải chuyên nghiệp

Những hạn chế của việc làm luật, giám sát đã được nhiều đại biểu thảo luận trong ngày họp 28.3. Đó là tình trạng luật không bám sát cuộc sống, đại biểu ngồi phòng máy lạnh làm luật, tuổi thọ luật không dài, nhiều luật còn chậm trễ, còn bị nợ, việc giám sát còn mang tính hình thức, nhiều vấn đề của đất nước, của cuộc sống xã hội kéo dài lặp đi lặp lại không được giải quyết. Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng chất lượng đại biểu chưa được như cử tri mong muốn, có những đại biểu chưa năng nổ, thiếu nhiên cứu, nghiên cứu không sâu, không phản biện.

Cho rằng công tác giải quyết khiếu nại của Quốc hội đã có nhiều tiến triển trong nhiệm kỳ qua, đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) đề nghị: “Khi giám sát khiếu nại của dân cần trực tiếp nghe người khiếu nại, không nên chỉ nghe báo cáo”. Ông cũng có kiến nghị về vấn đề đại biểu chuyên trách: “Chuyên trách là tốt nhưng chuyên nghiệp mới quan trọng. Công chức hóa đại biểu chuyên trách chỉ tăng bộ máy nặng nề chứ không tăng hiệu quả hoạt động của Quốc hội”.

Dân sốt ruột vì “bệnh nhiều luật”

Đại biểu Lê Nam (tỉnh Thanh Hóa) chia sẻ, mỗi lần rời nghị trường ông cảm thấy “vẫn còn bao trăn trở ưu tư vì còn nợ dân, nợ nước”, bởi “luật thì nhiều nhưng nhân dân sốt ruột lo lắng vì bệnh nhiều luật, và có một bộ phận trong xã hội vẫn tự cho mình đứng trên pháp luật”.

Nhìn nhận thẳng thắn rằng Quốc hội đã không hoàn thành nhiệm vụ, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) nêu rõ, có những trường hợp làm luật mà xin hoãn nhiều lần, hết nhiệm kỳ không hoàn thành phải chuyển cho nhiệm kỳ sau. Ví dụ, Luật Lập hội và biểu tình từ năm 2005 nghị quyết Quốc hội đã yêu cầu hoàn thành, nhưng đến năm 2013 Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã thẩm tra rồi nhưng không đưa ra được.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) nhấn mạnh khi làm luật, cần quan tâm đến các đối tượng bị tác động của luật được ban hành, nghiên cứu xã hội học trước khi soạn thảo và ban hành luật. Ông đề nghị bên cạnh hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, cần quan tâm rà soát, ban hành, sửa đổi bổ sung các luật liên quan đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, quản lý nhà nước về môi trường, tài nguyên, tài sản công, về đô thị, quản lý hành chính, an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, văn hóa, giáo dục, y tế…

Đại biểu Trần Đình Long (Đắk Nông) nói chưa bao giờ trong 70 năm qua tình hình Biển Đông lại nóng như thời gian qua. “Quốc hội còn món nợ lớn với nhân dân, đó là ta không ra được nghị quyết về tình hình Biển Đông”!

Minh bạch kiểm toán các lĩnh vực nhạy cảm

Hiệu quả của công tác kiểm toán được các đại biểu thảo luận sôi nổi, nhất là trong các vấn đề như bội chi ngân sách, nợ công, các công trình lớn của đất nước còn lãng phí, hiệu quả chưa cao.

Đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) đặt ra những câu hỏi rất cụ thể, sát với đời sống người dân, đề nghị Quốc hội khóa tới phải trả lời được: “Tại sao làm đường giao thông ở Việt Nam đắt hơn thế giới? Làm thế nào giá sữa ở Việt Nam phải rẻ hơn giá rượu, bia? Làm sao có vaccine chất lượng tốt cho trẻ em?”.

Theo Mỹ Hằng (Lao Động)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến