Tin liên quan
Trị bệnh phải trị cho hết chứ không để cho chết”
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tuyên bố quyết định sẽ mua lại bắt buộc toàn bộ vốn cổ phần của Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam – VNCB với giá 0 đồng/1 cổ phần. Theo đó, NHNN trở thành chủ sở hữu (100% vốn điều lệ) của VNCB, chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông đối với các cổ đông hiện hữu của VNCB.
Như vậy, lần đầu tiên trong lịch sử, NHNN đã tham gia tái cơ cấu một ngân hàng thương mại bằng cách tham gia góp vốn mua cổ phần cho dù việc này đã có quy định trong Quyết định số 48/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực từ ngày 20/9/2013.
Chia sẻ trên báo Đầu tư chứng khoán, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh cho biết, NHNN mua ngân hàng VNCB để củng cố, phục hồi lại hoạt động, nhưng trước tiên và quan trọng nhất đó là nhằm mục tiêu có tiền trả cho người dân (có nhu cầu rút tiền gửi tại ngân hàng này-PV).
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh
Theo ý kiến của lãnh đạo NHNN thì quyết định “quốc hữu hóa” VNCB của cơ quan này tuân thủ nguyên tắc “phát hiện ra bị bệnh, là chữa” trong quá trình tái cơ cấu theo đúng tinh thần tại Quyết định số 254/QĐ-TTg của Thủ tướng về Phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) giai đoạn 2011-2015”.
"Trong giai đoạn hiện nay, để ổn định chính trị - xã hội của đất nước, Chính phủ yêu cầu trị bệnh phải trị cho hết chứ không để cho chết. Đây là yêu cầu của Bộ Chính trị, Chính phủ nên NHNN thực hiện đúng chỉ đạo đó" vị Phó Thống đốc cho biết thêm.
Bất chấp việc “không để cho chết” có thể làm cho các ngân hàng trong diện tái cơ cấu “lì” ra với suy nghĩ đã có Nhà nước lo thì với đặc thù ảnh hưởng của ngành ngân hàng và những nguy cơ mất ổn định xã hội từ việc cho ngân hàng tuyên bố phá sản, NHNN vẫn buộc phải lựa chọn phương án ổn định nhất.
"Thà mất tiền (nhà nước chi trả) để có sự bình ổn trong xã hội sẽ tốt hơn nếu người dân mất tiền sẽ dẫn đến niềm tin mất, bất ổn xã hội rồi dẫn đến nhiều vấn đề khác mà mức chi phí đó còn lớn hơn rất nhiều. Do đó, NHNN đang và sẽ tiếp tục chọn phương án trên đối với ngân hàng thương mại".
Động thái hợp tình, hợp lý
Dù rằng các nhà lãnh đạo cấp cao của cơ quan điều hành “huyết mạch kinh tế” cả nước đã nhiều lần khẳng định về việc “xử lý dứt điểm ngân hàng yếu kém, kể cả cho phá sản” (PTĐ Nguyễn Phước Thanh), đồng thời, hàng loạt văn bản mang tính “dọn đường” cho định hướng trên đã lần lượt ra đời như Luật phá sản chính thức được Quốc hội thông qua vào sáng 19/6/2014 (dành riêng một chương quy định về thủ tục phá sản tổ chức tín dụng), hay trước đó, tại Thông tư 07/2013/TT-NHNN (có hiệu lực từ ngày 27/4/2013) NHNN cũng đã lần đầu đưa vào cụm từ “phá sản”… thì động thái liên quan đến VNCB mới đây của NHNN cũng được dư luận đánh giá là tương đối “hợp tình, hợp lý”.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực
Trao đổi với phóng viên ANTT.VN, TS. Cấn Văn Lực, Hàm Phó TGĐ, Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Trường đào tạo cán bộ Ngân hàng BIDV đánh giá:
“Về cơ bản thì xét trong một giai đoạn nhất định như hiện nay, quyết định của NHNN là tương đối phù hợp, để nhằm tránh nguy cơ đổ vỡ cũng như những rủi ro lan truyền.
Bởi lẽ, nếu một ngân hàng tuyên bố phá sản thì đúng là vẫn có thể xử lý được nhưng rõ ràng về mặt tâm lý thì điều này cũng gây ra những rủi ro không không nhỏ và rất khó lường lên toàn hệ thống
Thứ hai, thông qua quyết định vừa rồi, NHNN cũng muốn đảm bảo 100% quyền lợi của khách hàng, bởi vì, khi một ngân hàng tuyên bố phá sản thì những người gửi tiền chỉ được bảo hiểm tiền gửi bồi hoàn một phần theo Luật, còn phần còn lại sẽ rất thiết thòi cho khách hàng. Và điều này sẽ ảnh hưởng đến niềm tin vào thị trường của các khách hàng”.
Đồng thời theo TS. Lực, tuy ở Việt Nam thì đây là lần đầu tiên mà NHNN tham gia tái cơ cấu một ngân hàng thương mại bằng cách tham gia góp vốn mua cổ phần nhưng so sánh với các nước trong khu vực như Indonesia, Thái Lan, Hàn Quốc… thì phương thức này đã được áp dụng từ khá lâu trong những trường hợp tương tự.
Tương lai nào cho VNCB?
Cùng với quyết định mua lại bắt buộc toàn bộ vốn cổ phần của VNCB, NHNN cũng đã giao cho NHTMCP Ngoại thương Việt Nam – Vietcombank quản lý trên cơ sở chia sẻ về trí tuệ, nhân lực, khách hàng để VNCB đạt đến mục tiêu trở lại hoạt động bình thường.
NHNN đã tuyên bố quyết định mua lại bắt buộc toàn bộ vốn cổ phần của VNCB tại Đại hội Cổ đông bất thường 2015 của Ngân hàng Xây dựng
Đánh giá tác động của “nhiệm vụ đặc biệt” trên tới Vietcombank, TS. Cấn Văn Lực nhận xét: “Điều này chắc chắn cũng sẽ không gây ra quá nhiều xáo động bởi tương tự như công tác mà NHNN đã giao cho BIDV xử lý tài sản thế chấp, cầm cố và thu hồi nợ vay của Ngân hàng TMCP Nam Đô năm 1998, thì bây giờ Vietcombank cũng sẽ đóng vai trò là ngân hàng “khỏe” đứng ra để hỗ trợ ngân hàng “yếu”, đưa nhân sự chất lượng vào để điều hành những vị trí chủ chốt, còn những vị trí khác thì vẫn có thể dùng người của Ngân hàng Xây dựng.
Tất nhiên, VCB cũng sẽ phải mất một thời gian, công sức và tài lực, thế nhưng dù sao nó cũng thể hiện trách nhiệm đối với toàn hệ thống”.
Nhìn nhận về tương lai của VNCB sau quyết định quốc hữu hóa của NHNN, vị chuyên gia kinh tế này cho biết, giống như các nước, sau một thời gian, nếu như VNCB củng cố được hoạt động và có lãi thì NHNN sẽ rút lui và để cho một NHTM khác vận hành bình thường.
Cùng với đó, theo TS. Lực, quy mô hiện tại của Ngân hàng Xây dựng là tương đối nhỏ, mạng lưới giao dịch cũng chưa có nhiều, thì việc được NHNN lựa chọn “gửi gắm” cho Vietcombank – một ngân hàng có nền tảng quản trị, điều hành khá tốt, tham giam quản lý thì về cơ bản “mọi chuyện sẽ ổn”.
Ninh Giang
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy