Dòng sự kiện:
Quỹ đầu tư tại Việt Nam: Nhìn lại những bước khởi đầu
28/11/2021 10:12:47
Một trong những kỷ niệm không thể quên đối với những người gây dựng ngành quản lý quỹ tại Việt Nam là ngày tuyên bố dừng đóng góp cho quỹ đầu tư chứng khoán đầu tiên - Quỹ VFMVF1 - vào những ngày đầu năm 2004.

Quỹ đầu tư tại Việt Nam: Nhìn lại những bước khởi đầu (ảnh minh họa)
 
Gập ghềnh hành trình thành lập quỹ đầu tư đầu tiên ở Việt Nam

Từ trước khi thị trường chứng khoán Việt Nam hình thành, loại hình quỹ đầu tư đã manh nha xuất hiện. Đó là vào những năm năm 1990-1991, Tập đoàn Credit Lyonnais của Pháp có trụ sở tại Hồng Kông đã tiếp cận với Ngân hàng Nhà nước, đề xuất thành lập một quỹ đầu tư dành riêng cho Việt Nam.

“Vào thời điểm đó, không mấy người Việt Nam có kiến thức chuyên về quỹ đầu tư dạng này cả”, ông Nguyễn Đoan Hùng, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), kể lại trong cuốn hồi ký của UBCKNN.

Sau một thời gian trao đổi, học hỏi và nghiên cứu, phía Ngân hàng Nhà nước đã xin ý kiến của Chính phủ, tiến hành soạn thảo Bản cáo bạch để chuẩn bị cho chuyển “Road show” vận động các nhà đầu tư nước ngoài.

“Chúng tôi gọi quỹ này là Quỹ đầu tư đầu tiên Việt Nam, tên chính thức của quỹ là Quỹ tăng trưởng Việt Nam (Vietnam Growth Fund). Liên quan đến công việc này, có một kỷ niệm mà tôi nhớ mãi. Đó là vào một buổi sáng năm 1991, anh Thiệu (trợ lý của Thủ tướng khi đó là ông Võ Văn Kiệt – PV) gọi điện thoại cho tôi từ rất sớm và yêu cầu tôi có mặt tại nhà riêng của Thủ tướng đúng 6h sáng. Tôi đã mang toàn bộ hồ sơ để án mà đồng chí Cao Sỹ Kiêm đã phê chuẩn đến nhà Thủ tướng để báo cáo Thủ tướng. Tôi nhớ rất rõ trong buổi sớm hôm đó, đồng chí Sáu Dân (xin được gọi tên thân mật của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt như vậy) đang ngồi trong ngôi nhà nhỏ ở sân vườn thì anh Thiệu ra đón và đưa tối vào. Sau khi nghe tôi trình bày bản Đề án và xin phép được làm Đề án thí điểm, nếu thành công thì có thể nhân rộng ra mô hình này, khi đó Thủ tướng đã quyết định ngay và phê luôn vào tờ trình hai chữ “đồng ý”. Tôi không thể quên được hai chữ bút phê “đồng ý” và chữ ký Sáu Dân ở trên tờ trình”, nguyên Phó Chủ tịch UBCKNN hồi tưởng lại.

Ngay sau đó, phía Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện triển khai chỉnh sửa lại bản cáo bạch, chuẩn bị công tác Road Show, đi vận động các nhà đầu tư để giới thiệu Quỹ đầu tư đầu tiên của Việt Nam. Đoàn làm việc đã phải đi gần như toàn bộ châu Âu để huy động gọi vốn, kêu gọi sự tham gia của các nhà đầu tư châu Âu.

“Chuyến đi khá phức tạp, gian nan và cấp bách. Hành trình của chúng tôi xuyên suốt 6, 7 nước mà ở mỗi quốc gia chỉ dừng chân một ngày, tức là sáng hôm nay đến nước này, buổi trưa tổ chức ăn trưa và giới thiệu, trình bày nền kinh tế Việt Nam cho các nhà đầu tư quốc tế, buổi tối lại bay sang một nước khác để vận động gây quỹ đầu tư cho Việt Nam trị giá 75 triệu USD”, ông Hùng kể.

Tuy nhiên, bối cảnh Việt Nam lúc đó vẫn còn đang bị Chính phủ Mỹ cấm vận nên một số khoản cam kết chuyển tiền để tham gia vào quỹ này bị phong tỏa, từ đó dẫn tới chuyện không thành công trong việc thành lập quỹ.

“Có thể nói, Vietnam Growth Fund là tiền thân của một quỹ đầu tư để chuyên đầu tư cho Việt Nam. Cho đến nay, chúng ta đã có rất nhiều quỹ đầu tư đang hoạt động thành công tại Việt Nam”, ông Hùng nhìn nhận.

Sự ra đời của quỹ VFMVF1

Cho đến năm 2003, thị trường chứng khoán vẫn còn rất sơ khai với cơ sở hàng hóa là một vài công ty niêm yết, tổ chức kinh doanh chứng khoán chỉ hiện diện duy nhất loại hình công ty chứng khoán chứ chưa có loại hình khác. Thị trường còn thiếu loại hình tổ chức đầu tư chuyên nghiệp có chức năng huy động, quản lý, điều tiết vốn nhàn rỗi để tái đầu tư cho nền kinh tế.

Sau những giai đoạn thị trường biến động một chiều, hoặc tăng rất mạnh, hoặc giảm rất sâu, chi phối bởi tâm lý đám đông của nhà đầu tư cá nhân, UBCKNN đã có định hướng về việc cần thiết phải hình thành và phát triển một tổ chức mới trên thị trường: công ty quản lý quỹ.

Định hướng này sau đó đã được hiện thực hóa bởi để xuất thành lập công ty quản lý quỹ của Dragon Capital.

Khái niệm về công ty quản lý quỹ lúc bấy giờ còn rất mới mẻ, không chỉ với công chúng nhà đầu tư mà còn ngay cả với những người làm chính sách. Mặc dù chưa được qua các lớp đào tạo chuyên môn sâu về chứng khoán và thị trường chứng khoán, nhờ sự nỗ lực của lớp cán bộ đầu tiên của UBCKNN, kết hợp với các tổ chức, cá nhân có tâm huyết, công ty quản lý quỹ đầu tiên là Công ty Quản lý quỹ Đầu tư Việt Nam (Viet Fund Management Company - VFM) với vốn ban đầu chỉ 5 tỷ đồng đã được cấp phép thành lập và đi vào hoạt động.


Một hội thảo về quỹ đầu tư chứng khoán và công ty quản lý quỹ diễn ra trước khi quỹ đầu tư đầu tiên ra đời

Theo Vụ Quản lý các Công ty quản lý quỹ và Quỹ đầu tư chứng khoán (UBCKNN), vào thời điểm ban đầu, hoạt động quản lý quỹ chỉ được thực hiện với các mô hình quỹ đóng, quỹ thành viên. Đây là các mô hình có phương thức hoạt động tương đối đơn giản để các công ty quản lý quỹ mới thành lập dễ tiếp cận và vận hành. Mặc dù vậy, sự xuất hiện của 6 quỹ đầu tư chứng khoán dạng đóng (VFMVF1, VFMVF2, VFMVF4, PruBF1, MAFPF1, ACBGF) đầu tiên niêm yết trên thị trường tại Việt Nam trong giai đoạn 2004-2010 đã được cộng đồng nhà đầu tư quan tâm và tham gia tích cực.

Một trong những kỷ niệm không thể quên đối với những người gây dựng ngành quản lý quỹ tại Việt Nam là ngày tuyên bố dừng đóng góp cho quỹ đầu tư chứng khoán đầu tiên - Quỹ VF1 - vào những ngày đầu năm 2004.

Sự kiện này gây đôi chút ngỡ ngàng bởi chỉ trong vòng 16 ngày, các nhà đầu tư đã đăng ký, đã nộp đủ và nộp vượt số tiền Quỹ VF1 dự kiến huy động là 300 tỷ đồng với thời hạn hoạt động trong 10 năm.

Các nhà đầu tư rất hồ hởi tham gia góp vốn vào quỹ, mong muốn có thêm thời gian để góp thêm tiền vào quỹ, nhưng theo quy định pháp luật vào thời điểm đó, công ty quản lý quỹ chỉ được huy động quỹ đúng bằng quy mô quỹ dự kiến nêu trong Bản cáo bạch và Điều lệ quỹ. Trường hợp số tiền huy động được vượt quá số vốn dự kiến huy động, công ty quản lý quỹ phải hoàn trả tiền cho nhà đầu tư theo tỷ lệ đã nộp tiền vào quý. Như vậy, bước tiếp theo là việc nghiên cứu, xử lý phần vốn hơn 1 tỷ đồng mà nhà đầu tư đã góp vào quỹ vượt quy mô quỹ dự kiến. Nếu làm theo quy định thì phải tính toán lại tỷ lệ đóng góp tiền của từng nhà đầu tư vào quỹ rồi phải trả lại tiền cho nhà đầu tư phần vượt 1 tỷ đồng theo tỷ lệ. Vấn đề sẽ trở nên rất phức tạp vì tâm lý nhà đầu tư vào lúc đó là chỉ muốn nộp tiền vào để mua chứng khoán chứ không muốn phải rút ra.

Vào thời điểm đó, Dragon Capital - một nhà đầu tư lớn vào quỹ - đã đề xuất rút bớt một phần tiền đã góp của mình vào Quỹ VF1 đúng bằng với phần vượt trội để tránh ảnh hưởng đến lợi ích kỳ vọng của các nhà đầu tư. Sau khi họp ban đại diện các nhà đầu tư xin ý kiến và được chấp thuận, phương án này được đệ trình và được lãnh đạo UBCKNN phê duyệt. Và như vậy, giai đoạn huy động Quỹ VF1 đã thành công ngoài mong đợi.

Ngày 8/11/2004, chứng chỉ quỹ VF1 - chứng chỉ đầu tiên trên thị trường chứng khoán Việt Nam - chính thức được nhà đầu tư đón nhận, đưa vào niêm yết và giao dịch trên thị trường.

Hoạt động quản lý quỹ còn nhiều tiềm năng phát triển

Tính đến cuối năm 2020, tổng giá trị tài sản quản lý của các công ty quản lý quỹ chỉ chiếm 5,5% GDP của Việt Nam. Tỷ trọng giá trị tài sản quản lý của các công ty quản lý quỹ trên GDP của Việt Nam nhỏ hơn so với một số nước trong khu vực.

Một số nguyên nhân có thể kể đến là do: (i) Nhà đầu tư trong nước có thói quen tự đầu tư, gửi tiết kiệm với lãi suất ổn định thay vì ủy thác qua các quỹ đầu tư được quản lý bởi các chuyên gia tài chính; (ii) Hệ thống đại lý phân phối chứng chỉ quỹ còn hạn chế. (iii) Chất lượng hoạt động của các công ty quản lý quỹ là không đồng đều. Một số công ty quản lý quỹ hoạt động ổn định và phát triển tốt chủ yếu là do có sự hỗ trợ của cổ đông là các định chế tài chính lớn như doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán. Một số công ty hoạt động chưa hiệu quả, chưa huy động thành lập được quỹ.

Vì vậy, trong thời gian sắp tới, để thúc đẩy sự phát triển hoạt động của các công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư chứng khoán tại Việt Nam, chúng ta cần thực hiện tốt các mục tiêu, giải pháp như sau: (i) Nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty quản lý quỹ, đảm bảo năng lực và an toàn tài chính, tiếp cận và thực hiện việc quản trị công ty, quản trị rủi ro cũng như tuân thủ các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp cao nhất theo thông lệ quốc tế. Phấn đấu đến năm 2030 quy mô quản lý tài sản đạt khoảng 6-10% GDP; (ii) Phát triển và đa dạng hóa các loại hình quỹ đầu tư, trong đó cần thúc đẩy quỹ hưu trí, các loại hình quỹ mới; (iv) Nâng cao năng lực của các công ty quản lý quỹ (năng lực tài chính, năng lực cung cấp dịch vụ, năng lực cạnh tranh và quản trị rủi ro); (v) Mở cửa thị trường dịch vụ quản lý tài sản theo lộ trình hội nhập đã cam kết, kết hợp với việc nâng cao sức cạnh tranh của quản lý quỹ tại Việt Nam, nâng cao năng lực và chất lượng dịch vụ quản lý tài sản, năng lực quản trị rủi ro, đạo đức nghề nghiệp và năng lực quản trị doanh nghiệp.

Vụ Quản lý các Công ty quản lý quỹ và Quỹ đầu tư chứng khoán (UBCKNN)


Tác giả: Thanh Long

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến