Dòng sự kiện:
Quy hoạch đô thị Hà Nội: Bắt đầu lại từ đâu?
16/01/2017 13:54:59
TS. Phạm Sỹ Liêm: “Vì sao nhiều dự án nhà cao tầng hiện nay cứ bị dư luận phản đối là lại được lý giải: dự án tuân thủ đúng quy hoạch? Tôi cho rằng người ta đã điều chỉnh lại quy hoạch để phù hợp với dự án”

Tin liên quan

Tắc đường đang là một vấn nạn ở Hà Nội (ảnh minh họa)

Quy hoạch đô thị ở Hà Nội đang là một bài toán nan giải do việc cấp phép xây nhà cao tầng thời gian qua diễn ra tràn lan, cao ốc mọc lên như nấm, toàn cảnh thủ đô nhìn như một bức tranh lổn nhổn, hay nói theo cách của chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung: quy hoạch như vậy là “băm nát” Hà Nội.
Bên cạnh đó, việc đầu tư cao ốc không đi kèm với phát triển hạ tầng đô thị dẫn đến tình trạng mật độ dân cư đông đúc gây quá tải cho hạ tầng khiến tình trạng tắc đường xảy ra như cơm bữa...
Vấn đề dư luận quan tâm hiện nay là: ai đã “băm nát” Hà Nội? Quy hoạch Hà Nội đang mắc ở điểm nào và nên bắt đầu lại từ đâu? Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với TS Phạm Sỹ Liêm – Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam (nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng) về các vấn đề trên.
Quy hoạch đô thị Hà Nội đang mắc ở điểm nào?
PV: Thưa TS. Phạm Sỹ Liêm! Là một chuyên gia, và từng là nhà quản lý trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển đô thị, xin ông cho biết quy hoạch đô thị ở Hà Nội đang vướng mắt ở những điểm nào?
TS. Phạm Sỹ Liêm: Quy hoạch đô thị ở Hà Nội hiện nay đang gặp phải một số vấn đề như: mật độ xây dựng chung cư cao tầng, cao ốc quá lớn khiến cho dân cư bị dồn ứ vào một số khu vực, trong khi hạ tầng giao thông công cộng không được đầu tư tương xứng, dẫn đến các vấn nạn tắc đường, hạ tầng xuống cấp... Ví dụ khu Royal City, khu nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo mọc lên bên cạnh các căn nhà lúp xúp, giao thông cống rãnh như cũ, không tương xứng.
Việc quy hoạch đô thị cũng chưa tính đến phương án giảm tải lưu lượng giao thông trên đường. Cụ thể là nơi ở và nơi làm việc cách xa nhau dẫn đến tình trạng “giao thông con lắc”: sáng phải di chuyển rất xa đến nơi làm việc, chiều lại di chuyển từ nơi làm việc về nhà khiến cho giao thông luôn ùn ứ một chiều.
Theo tôi, vướng mắc đầu tiên của chúng ta là vướng mắc về vấn đề thể chế. Quy hoạch Hà Nội hiện nay bao gồm 3 khu vực: khu vực đô thị hiện có (đã xây dựng, có đường sá đầy đủ), khu vực đô thị mới (phát triển trên đất nông nghiệp, ở bên ngoài), khu vực hạn chế xây dựng (cạnh các hồ, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử ...). Lâu nay về mặt luật pháp cũng như trong chỉ đạo, người ta quan tâm đến quy hoạch khu đô thị mới, còn đối với khu đô thị hiện có thì quy định chưa có bài bản gì. Ở các nước, quy định phát triển đô thị khu hiện có rất chặt chẽ, ở mình ngoài quy hoạch chi tiết thì không có quy định gì chặt chẽ.
Vướng mắc thứ hai là về năng lực tổ chức thực hiện quy hoạch. Hiện nay chúng ta rất coi trọng đào tạo cán bộ lập quy hoạch (là chuyên ngành của trường Xây dựng và Kiến trúc) nhưng không có nơi đào tạo cán bộ tổ chức thực hiện quy hoạch. Đáng lẽ nội dung ấy phải là nội dung quan trọng đươc đào tạo ở Học viện Hành chính quốc gia và của các cơ quan quản lý. Hiện chưa có sách giáo khoa bài bản giảng dạy vấn đề này. Do đó hiện nay quản lý quy hoạch chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Đây là vấn đề của nhiều đô thị trong đó có Hà Nội.

TS Phạm Sỹ Liêm (Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam)

“Các dự án bất động sản đang “dẫn dắt” quy hoạch” (!)
P.V: Hiện nay có một thực trạng: Nhà nước chủ trương di dời trụ sở một số bộ ngành ra khỏi nội đô để giảm áp lực cho giao thông, nhưng thực tế sau khi các bộ ngành này dời đi thì đất đó lập tức trở thành “đất vàng” quy hoạch. Ông có nhận xét gì về vấn đề này?
T.S Phạm Sỹ Liêm:. Hiện nay 1 số dự án được triển khai trong khu “đất vàng” của đô thị. Các dự án ấy có được đất do các nhà máy, cơ quan dọ ra bên ngoài. Mục đích ban đầu là để giảm tải giao thông cho đô thị, nhưng lẽ ra đất đó sau này phải dùng vào mục đích công ích thì không hiểu sao lại được biến thành đất xây cao ốc. Xây cao ốc xong thì hàng nghìn hàng vạn người lại kéo về, như vậy chẳng những không giảm tải mà còn tăng thêm áp lực cho giao thông. Khu đất Triển lãm Giảng Võ hiện nay chỉ khi nào có sự kiện thì mới có người đến, nếu bây giờ xây cao ốc 50 tầng nghe nói 7.500 người sẽ kéo về - thế thì là giảm tải hay tăng thêm áp lực cho giao thông??
Các nhà kinh doanh bất động sản dĩ nhiên đều có ý đồ xây dựng trong khu đô thị sẵn có, vì môi trường kinh tế xã hội ổn định rồi, xung quanh đã sẵn hạ tầng không phải đầu tư gì nữa. Lý do quan trọng nữa là vào các khu đất đó chỉ cần chính quyền cho phép là xong, chứ vào khu dân cư phải thương lượng với người dân, rồi đền bù giải phóng mặt bằng rất phức tạp. Và đây chính là một vấn đề của thể chế.
Vì sao nhiều dự án nhà cao tầng hiện nay cứ bị dư luận, báo chí phản đối là lại được lý giải: dự án tuân thủ đúng quy hoạch? Tôi cho rằng người ta đã điều chỉnh lại quy hoạch để phù hợp với dự án. Là vì thể chế không rõ ràng. Đúng ra không chỉ quy hoạch chi tiết phân khu phải tiến hành như thế nào, trình tự ra sao mà  vấn đề điều chỉnh quy hoạch cũng phải được thực hiện chặt chẽ không tùy tiện. Nhưng thực tế vừa qua Hà Nội điều chỉnh quy hoạch âm thầm không ai biết.
Tôi nghĩ vấn đề gốc không phải ở chỗ quy hoạch mà ở các dự án bất động sản. Các dự án bất động sản đang “dẫn dắt” quy hoạch. Chủ trương cải tạo chung cư cũ đã có từ lâu mà có ai quy hoạch đâu? Hàng chục năm nay nó vẫn ì ạch. Là vì làm cái đó không ra tiền. Còn những mảnh đất vàng người ta đã ngắm nghía cho nên vào rất nhanh. Có dự án Chính phủ vừa chỉ đạo tháng 2 thì đến tháng 10 dự án đã khởi công. Không lý gì trong vòng có 8 tháng mà đã kịp lập báo cáo tiền khả thi, báo cáo khả thi rồi thực hiện khảo sát đo đạc thiết kế... Nói tóm lại, chỗ nào người ta nhìn thấy lợi ích thì họ làm rất nhanh, không quan liêu. Còn cải tạo chung cư cũ không có lợi ích thì rất quan liêu.
“Giải cứu” quy hoạch Hà Nội – Bắt đầu từ đâu?
P.V: Với kiến thức và kinh nghiệm lâu năm của một chuyên gia, xin ông cho biết chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm gì về quy hoạch đô thị từ các nước phát triển cũng như một số nước trong khu vực?
T.S Phạm Sỹ Liêm: Muốn phát triển một khu đô thị hiện có, phải căn cứ vào quy hoạch phân khu khu vực đó, thực hiện cải tạo hạ tầng trước đã. Người ta đã tổng kết: giao thông và năng lượng phải đi trước, rồi mới đến khu đô thị. Vấn đề ở chỗ hạ tầng là vốn ngân sách, xây công trình là vốn của nhà đầu tư, ngân sách thì đang thiếu hụt. Cách giải quyết rất dễ dàng và các nước khác đã làm rồi. Nhà đầu tư muốn phát triển vào đây làm tăng thêm áp lực cho hạ tầng thì phải bỏ tiền vào hạ tầng. Các nước họ bắt đóng phí phát triển tính theo mét vuông sàn. Nhà nước lấy phí đấy phát triển hạ tầng phục vụ các công trình đó.
Một kinh nghiệm nữa là: Xu hướng các đô thị trên thế giới ngày nay đều muốn tăng thêm mật độ xây dựng đi kèm với tăng hiệu quả của hạ tầng, gọi là “xây dựng đô thị nén”. Cụ thể là đường không cần dài lắm, làm sao đi lại ngắn hơn. Đường sá gọn lại như thế sẽ chịu đựng tốt hơn đối với chống bão, chống ngập lụt so với đô thị ở rải rác, dàn trải. Có những đô thị hiện nay mật độ rất cao như Hồng Kông nhưng không gặp vấn đề gì về giao thông. Là vì đô thị nén, đi làm gần nên một nửa là đi làm bằng phương tiện công cộng, số còn lại hầu như đi bộ, chỉ có 5% đi làm bằng phương tiện cá nhân. Người ta quy hoạch làm sao để giảm số người lưu thông trên đường còn ở ta đang sai quy hoạch ở chỗ làm tăng lượng người lưu thông trên đường rồi lại dùng ngân sách để giải quyết.
Kinh nghiệm thứ 3 tôi muốn chia sẻ là vấn đề quy hoạch phát triển đô thị theo hướng quá cảnh, hay gọi là quy hoạch đô thị dựa vào giao thông công cộng có sẵn. Cái này Hoa Kỳ đã làm và phổ biến thế giới rồi. Hiện nay chúng ta đã nói và đã làm. Mặc dù làm đường sắt trên cao tiến độ chậm nhất thế giới, đường Xã Đàn đắt nhất hành tinh còn xe bus nhanh trước mắt không nhanh hơn xe bus chậm là bao nhiêu, nhưng tôi hi vọng dần dần sẽ tốt.
Ngoài ra phải có khâu theo dõi kiểm tra giám sát chặt chẽ. Hà Nội nên thành lập Hội đồng kiến trúc quy hoạch là 1 hội nghề nghiệp, không có công chức trong đó để tư vấn cho thành phố. Báo chí cũng là 1 phương tiện thông tin minh bạch và lấy ý kiến nhân dân, phải hỏi ý kiến nhân dân chứ hiện nay không ai hỏi dân, người dân muốn tra thông tin quy hoạch còn khó.
Tất nhiên tôi cũng hoàn toàn chia sẻ đối với những người làm quy hoạch bởi đây còn là vấn đề liên quan đến năng lực giao thông, di dân và nhiều vấn đề phức tạp khác. Nhưng tôi tin rằng nếu có lòng muốn lo cho thành phố thì sẽ vẫn tìm được giải pháp.
Xin cảm ơn ông!
Hoàng Yến (thực hiện)
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến