Qúy III: Tiền châu Á tồi tệ nhất 17 năm qua
01/10/2015 07:33:07
ANTT.VN - Các đồng tiền châu Á đang hướng tới quý tồi tệ nhất kể từ khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998 bởi tác động từ đồng Nhân dân tệ thấp cũng như viễn cảnh về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất.

Tin liên quan

Chỉ số Bloomberg-JPMorgan Asia Dollar Index, theo dõi 10 đồng tiền mạnh nhất trừ đồng Yên Nhật Bản, đã giảm 4,2% trong quý III, mức giảm lớn nhất kể từ khủng hoảng 1997-1998. Đồng Ringgit của Malayssia lao dốc 15% cùng giá dầu giảm mạnh và bê bối tham nhũng của thủ tướng nước này. Đồng Nhân dân tệ (NDT) giảm mạnh nhất trong 18 tháng trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang không cho thấy dấu hiệu hồi phục. Trong khi đó, giới chức FED liên tục đưa ra những tín hiệu rằng họ sẽ tăng lãi suất trong năm nay, góp phần tăng áp lực tỉ giá lên các nền kinh tế ở châu Á.

“Với viễn cảnh đồng USD tiếp tục ở mức cao, sẽ rất khó để bất cứ đồng tiền châu Á nào có thể tăng lên trong thời gian cuối năm.”, Sean Callow, chuyên gia cao cấp tại Westpac Banking Corp cho biết.

Đồng Đài tệ của Đài Loan (TWD) trượt xuống mức thấp nhất 6 năm qua sau khi Ngân hàng Trung ương Đài Loan hạ lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2009 cuối tuần trước. Trong nỗ lực ngăn đà xuống dốc của nền kinh tế, tháng trước Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã hạ lãi suất lần thứ 5 kể từ tháng 11 năm ngoái, trong khi Ngân hàng Trung ương Ấn Độ vừa có động thái cắt lãi suất bất ngờ lên tới 0,5% ngày hôm qua.

Đồng Rupiah của Indonesia giảm 9,1% so với USD trong quý này, trong khi đồng Baht Thái Lan giảm 7,1%, mức giảm lớn nhất kể từ năm 1999. Đồng Đài tệ Đài Loan giảm xuống đáy 18 năm trong khi đồng Won Hàn Quốc cũng ghi nhận con số 6,4% đi xuống. NDT giảm 2,4%, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 3/2014.

Số liệu cho thấy 141,66 tỷ USD đã được rút khỏi thị trường Trung Quốc sau khi PBOC bất ngờ phá giá đồng NDT đầu tháng trước, vượt mức kỷ lục 124,62 tỷ USD tháng 7 khi thị trường chứng khoán nước này lao dốc không đáy. Các quỹ đầu tư quốc tế cũng đã rút 17,8 tỷ USD trong quý này từ các thị trường chứng khoán Ấn Độ, Indonesia, Philippin, Hàn Quốc, Đài Loan và Thái Lan.

Nền kinh tế phụ thuộc xuất khẩu của châu Á đang chịu ảnh hưởng lớn từ sự chững lại của nền kinh tế toàn cầu.

Lo sợ khủng hoảng lặp lại

PBOC liên tiếp phá giá đồng NDT trong hai ngày 11-12/8 đã dẫn tới một loạt quốc gia khác trong khu vực cũng điều chỉnh hạ thấp tỉ giá đồng thời nới lỏng chính sách tiền tệ, dấy lên lo ngại về một cuộc chiến tranh tiền tệ, hay thậm chí là một cuộc khủng hoảng trên bình diện châu lục. Tuy nhiên giới phân tích cho rằng khó có thể lặp lại một cuộc khủng hoảng quy mô lớn như giai đoạn 1997-1998.

Sự sụt giá của hàng loạt của các đồng tiền châu Á trong thời gian qua diễn ra trong bối cảnh nợ nước ngoài thấp hơn, tỉ giá hối đoái linh hoạt hơn và dự trữ ngoại hối của các quốc gia lớn hơn so với khủng hoảng 1997-1998. Ngoài ra, phần lớn các nền kinh tế châu Á hiện nay đều có thặng dư cán cân vãng lai.

“Sự khác biệt mấu chốt giữa tình hình hiện tại và thời điểm cuối những năm 90 là việc nền tảng tài chính của các quốc gia châu Á hiện giờ đã được củng cố vững chắc hơn so với thời kì trước. Phần lớn các đồng nội tệ trở nên linh hoạt hơn, dự trữ ngoại hối cao hơn. Do vậy chúng tôi không thấy những áp lực lên nền kinh tế châu lục giống như cách đây 17 năm.”, Mitul Kotecha, trưởng phòng Chiến lược tiền tệ Châu Á-Thái Bình Dương tại Barclay Plc cho biết.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) giữa tháng này vừa hạ thấp dự báo về tốc độ tăng trưởng trong khu vực từ 6,3% xuống 5,8% năm nay. Xuất khẩu của Đài Loan đã giảm tháng thứ 7 liên tiếp trong tháng 8, con số này đối với Hàn Quốc và Thái Lan là tháng thứ 8 liên tiếp. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới Trung Quốc đang ghi nhận con số tăng trưởng chậm nhất kể từ năm 1990.

Trong một diễn biến khác, đồng Đô la Singapore giảm 5,6% trong quý này, Peso Philipin giảm 3,8% trong khi Rupee của Ấn Độ rớt 3,5%. Việt Nam Đồng cũng theo xu hướng chung giảm 2,9%, mức giảm lớn nhất từ năm 2011.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã hạ tỷ giá hối đoái của VND với USD 3 lần trong năm nay. Đặc biệt sau khi Trung Quốc phá giá đồng NDT đầu tháng trước, NHNN đã liên tiếp điều chỉnh tỷ giá 2 lần, đồng thời nới lỏng biên độ giao dịch. Những chính sách này đã ngăn ngừa được tác động tiêu cực từ đồng NDT yếu đối với nền kinh tế trong nước, được giới phân tích quốc tế đánh giá cao.

Nghi Điền

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến