Dòng sự kiện:
Rắc rối pháp lý vụ Grab mua Uber: Có vi phạm Luật Cạnh tranh?
14/04/2018 14:00:01
Cục Quản lý Cạnh tranh Việt Nam (VCA) vừa yêu cầu các bên có liên quan trong các giao dịch “có vẻ như là tập trung kinh tế” cung cấp thông tin về giao dịch. Nhưng yêu cầu này có đúng thẩm quyền?

Ngày 06/4/2018, VCA đã có buổi làm việc với đại diện hợp pháp của GrabTaxi. Theo đó VCA đã yêu cầu Grab cung cấp thông tin vụ việc. Tuy nhiên, vấn đề pháp lý là: VCA có thẩm quyền yêu cầu Grab cung cấp thông tin về giao dịch hay không và Grab có nghĩa vụ phải cung cấp thông tin hay không?

Thẩm quyền của VCA

Xét về thẩm quyền, VCA có quyền kiểm soát các hoạt động tập trung kinh tế. Theo đó, các hoạt động tập trung kinh tế được chia làm ba nhóm:

Nhóm 1: Thị phần kết hợp dưới 30%: Được tự do tiến hành; Nhóm 2: Thị phần kết hợp từ 30% - 50%: Phải báo cáo trước khi tiến hành; Nhóm 3: Thị phần kết hợp trên 50%: Bị cấm tiến hành.

Logic của vấn đề là trước khi bàn đến việc các hành vi tập trung kinh tế được tự do tiến hành, bị cấm hay chịu sự kiểm soát, thì các giao dịch này phải được coi là tập trung kinh tế theo qui định của Luật cạnh tranh. Cụ thể, Điều 16 Luật Cạnh tranh qui định năm hình thức tập trung kinh tế, bao gồm: 1. Sáp nhập doanh nghiệp; 2. Hợp nhất doanh nghiệp; 3. Mua lại doanh nghiệp; 4. Liên doanh giữa các doanh nghiệp; 5. Các hành vi tập trung kinh tế khác theo quy định của pháp luật. Trong đó bốn hành vi đầu được qui định chi tiết tại điều 17 Luật Cạnh tranh và Điều 34 Nghị định 116/2005/NĐ-CP qui định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cạnh tranh (Nghị định 116). Riêng hành vi thứ năm Luật Cạnh tranh và Nghị định 116 không hề qui định. Nói cách khác, trên thực tế, pháp luật Việt Nam tính đến thời điểm này chỉ qui định bốn hình thức tập trung kinh tế như được qui định tại Điều 17 của Luật Cạnh tranh.

Áp dụng vào trong tình huống của Grab và Uber, không rơi vào bốn trường hợp Tập trung kinh tế. Uber chấp nhận bỏ hoạt động kinh doanh tại Đông Nam Á để nhận lấy 27,5% cổ phần trong Grab. Hành vi này không thể đưa vào bất cứ hành vi tập trung kinh tế nào.

Xét về mặt thực tế, giao dịch giữa Grab và Uber sẽ có ảnh hưởng đến vấn đề cạnh tranh và quyền lợi của người tiêu dùng. Mặc dù VCA được qui định là có thẩm quyền kiểm soát các hoạt động tập trung kinh tế, nhưng vì giao dịch này không phải là tập trung kinh tế, nên VCA không có cơ sở pháp lý nào cho việc yêu cầu cung cấp thông tin như trên.

Phản ứng của Grab

Lĩnh vực kinh doanh của Grab, Uber là lĩnh vực khá “nhạy cảm”. Bởi vì họ khai sinh ra một ngành hoàn toàn mới mà khung pháp lý chưa qui định, chính điều này tạo nên những rủi ro cho hoạt động kinh doanh. GrabTaxi cho rằng thị phần kết hợp của Grab và Uber trên thị trường liên quan tại Việt Nam được xác định thấp hơn 30%. Do đó, Grab hiểu rằng các bên tham gia giao dịch không phải thông báo cho cơ quan quản lý cạnh tranh trước khi tiến hành và hoàn tất giao dịch tại Việt Nam .

Bản chất là Grab từ chối cung cấp thông tin. Nhìn từ góc độ pháp lý, tác giả đồng tình với lựa chọn này. Tuy nhiên, đi vào chi tiết, rõ ràng Grab chưa chuyên nghiệp trong trong các vấn đề liên quan đến việc tuân thủ và xử lý khủng hoảng về pháp lý. Bởi giao dịch của Grab và Uber theo Luật Cạnh tranh Việt Nam không phải là tập trung kinh tế, nên lý do từ chối cung cấp thông tin cũng phải căn cứ vào đó để khẳng định VCA không có thẩm quyền, thay vì đưa ra lý do là “thị phần kết hợp thấp hơn 30%”.

Cần “cách mạng tư duy”

Cách mạng 4.0 không phải chỉ là câu chuyện của riêng doanh nghiệp. Với sự phát triển của công nghệ, những mô hình kinh doanh mới mẻ sẽ ra đời ngày càng nhiều hơn. Qua vụ Grab, nhìn từ góc độ của doanh nghiệp, thấp thoáng đâu đó cách hành xử “chưa hợp lý” từ cơ quan quản lý nhà nước. Liệu rằng khuyến nghị của VCA là nhằm mục đích gì, khi họ là cơ quan nhà nước quản lý chuyên ngành về cạnh tranh, hơn ai hết họ sẽ là người hiểu rõ về vấn đề thẩm quyền?

Cách mạng 4.0 sẽ là điều kiện cho các dịch vụ xuyên biên giới và những ngành nghề mới ra đời. Tính chất “xuyên biên giới” cũng sẽ mang lại cho các doanh nghiệp nhiều lựa chọn hơn. Vấn đề là: Tại sao doanh nghiệp lại chấp nhận mạo hiểm, đầu tư vào những thị trường mà pháp luật khó dự đoán và cách hành xử của cơ quan Nhà nước chưa thực sự chuẩn mực?

Theo Enternews

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến