Rơi thép tại đường sắt Nhổn – Ga Hà Nội: Công nhân không tuân thủ quy trình
12/05/2015 08:59:49
ANTT.VN - Do đầu cọc cừ có lỗ treo đã bị nứt, nhưng công nhân không kiểm tre trước khi cẩu. Sự cố này 100% là do lỗi con người.

Tin liên quan

Vụ rơi thanh thép tại dự án đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội ( Ảnh: vietnamnet.vn)

Đó là đánh giá của đại diện nhà thầu Posco (Hàn Quốc) đưa ra tại buổi họp với Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội khi đánh giá nguyên nhân vụ tai nạn rơi thanh thép tại dự án đường sắt Nhổn – Ga Hà Nội.

100% lỗi do con người

Tại cuộc họp, ông Lee San Don, Giám đốc Dự án của Posco (Hàn Quốc) – đại diện nhà thầu cũng nói lời xin lỗi vì chưa làm hết trách nhiệm quản lý, dẫn đến sự cố đáng tiếc mà đáng lẽ không được phép xảy ra. Ông Lee hứa sẽ không để xảy ra sự việc tương tự.

Đại diện của Posco cũng cho biết vào lúc 18g30 ngày 10/5, tại công trường có hai công nhân phụ trách phần việc móc cọc cừ vào cẩu để treo vào máy ép cọc. Khi cọc cừ được nhấc lên đã bị tuột khỏi lỗ móc của cọc cừ khiến cọc cừ dài 9 m bị rơi, 1/3 cọc bị rơi vào trong hàng rào công trường, phần còn lại rơi trên đường Hồ Tùng Mậu. May mắn là không xảy ra thương vong cho người đi đường. Sau 10 phút xảy ra sự cố, đơn vị thi công đã khắc phục, giải phóng hiện trường.

Theo đánh giá của nhà thầu, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự việc trên là do đầu cọc cừ ở phần có lỗ treo đã bị nứt, nhưng không được công nhân kiểm tra nên khi cẩu lên vết rách mở rộng, tuột khỏi móc làm rơi cọc cừ. Đại diện nhà thầu đánh giá, công nhân đã không tuân thủ quy trình, không kiểm tra khi móc vào lỗ treo của cọc cừ trước khi cẩu. Sự cố này 100% là do lỗi con người mà hoàn toàn có thể loại bỏ được nếu có kiểm tra.

Để không lặp lại sự cố này, Posco đã thống nhất biện pháp sử dụng hai dây để cẩu cọc cừ gồm một dây móc vào lỗ treo chính ở đầu cọc và một dây cột ngang thân cọc. Đồng thời phân công người có chuyên môn chịu trách nhiệm tháo lắp khi treo cọc. Những người này có màu áo và mũ riêng để phân biệt trên công trường. Bên cạnh đó, sẽ thiết lập vùng nguy hiểm trong phạm vi bán kính của cọc cừ, khi tổ chức nâng hạ cọc cừ sẽ phải có người cảnh giới, điều phối giao thông.

Ngoài ra, Posco sẽ tiến hành huấn luyện lại toàn bộ kỹ sư giám sát, an toàn cho công nhân đặc biệt là công tác nâng, hạ, móc tải, kiểm tra vật liệu; kiểm tra 100% cọc cừ, tránh đưa các cọc bị nứt, biến dạng. Posco cũng sẽ  thiết lập và đăng ký với Chủ đầu tư bộ phận an toàn chuyên trách tại các vị trí thi công, khi kiểm tra thấy đủ điều kiện an toàn mới cho phép thi công.

Tạm dừng thi công nhà ga số 4

Liên quan đến khâu giám sát, ông David Chevallier - quyền trưởng đoàn tư vấn của Pháp cũng tái khẳng định vấn đề đầu tiên mà tư vấn giám sát đặt ra là an toàn. Theo ông David, sự cố xảy ra vào ngày Chủ nhật, không có sự giám sát của tư vấn khi thi công.

Ông David cũng yêu cầu nhà thầu Possco phải lập báo cáo về an toàn gửi tư vấn giám sát trong ngày 11/5 và tư vấn giám sát sẽ kiểm tra về vật liệu, điều kiện an toàn tại tất cả các ga đang thi công, thấy đảm bảo an toàn mới cho phép thi công. Đại diện tư vấn giám sát cũng khẳng định sẽ xem xét lại năng lực của tất cả nhà thầu phụ, nếu thấy không đạt điều kiện sẽ loại khỏi dự án.

Ông Lê Huy Hoàng, Phó trưởng ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, vị trí xảy ra sự cố là nhà ga số 4, đối diện trụ sở UBND quận Nam Từ Liêm. Đây là nhà ga trên cao, hiện đang thi công đào móng đổ bệ, ép cừ. Đơn vị đã ép được 400 cọc cừ. Cọc cừ bị rơi dài 9 m, rộng 30 cm và nặng 630 kg.

Theo ông Hoàng, trên tuyến đường sắt Nhổn – ga Hà Nội chưa từng xảy ra sự cố tương tự. Ban quản lý dự án đề nghị nhà thầu Posco báo cáo tiến độ khắc phục sự cố ngay trong ngày 11/5. 

Riêng nhà ga số 4 tạm dừng công tác ép cừ đến khi đánh giá xong các biện pháp an toàn mới thi công lại. 7 ga còn lại cần thực hiện nghiêm chỉnh công tác đảm bảo an toàn. Đặc biệt khi cẩu vật liệu trên cao bắt buộc phải có người cảnh giới nguy hiểm cho các phương tiện đi lại. Tạm thời, toàn bộ dự án không thi công vào ngày chủ nhật.

“Sau khi xảy ra sự cố, Ban quản lý đã có văn bản báo cáo UBND TP. Trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư. Đồng thời xem xét các nhà thầu phụ, nếu nhà thầu không đạt yêu cầu sẽ cho dừng thi công”, ông Hoàng nói.

Trước câu hỏi về hình thức kỷ luật đối với công nhân làm sai quy trình móc nối cọc cừ, ông Hoàng cho biết, trong ba ngày đơn vị sẽ kết luận theo trình tự và có báo cáo cụ thể.

TD

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến