Sáng 23/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Quy định hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần là nội dung “nóng” nghị trường, được nhiều đại biểu góp ý, tranh luận.
Nêu ý kiến, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho hay, rút BHXH một lần là thực trạng vô cùng day dứt hiện nay, gây tác động tiêu cực đến đảm bảo an sinh xã hội lâu dài của người dân.
Nếu không có những quy định triệt để, rất khó có thể dần xóa bỏ tình trạng rút BHXH một lần. Nhưng đặt trong bối cảnh đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, việc loại bỏ hoàn toàn quy định về rút bảo hiểm BHXH từ khi luật mới có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025) là chưa thực sự phù hợp.
Để hạn chế tình trạng này, bà Nga cho rằng các quy định cần siết chặt theo 2 khía cạnh; đó là trao quyền lựa chọn cho người lao động bằng cách tăng tính hấp dẫn, ưu đãi của các chế độ BHXH để giữ chân người lao độngtrong hệ thống BHXH; quy định chặt chẽ các điều kiện hưởng để hạn chế tối đa rút BHXH một lần.
Từ việc hạn chế, siết chặt bằng các quy định sau đó mới có thể tiến tới lộ trình bỏ hoàn toàn chế định rút BHXH một lần.
Bà nga cũng cho rằng cần tiếp tục lấy ý kiến từ các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp về nội dung này, để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, từ đó tiếp tục nghiên cứu để đưa ra những phương án, lộ trình phù hợp nhất để hạn chế tình trạng rút BHXH một lần, góp phần đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho người dân.
ĐBQH Trần Hoàng Ngân.
Quan tâm đến quy định về bảo hiểm một lần, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn Tp.HCM) đồng tình với phương án 1 như Chính phủ trình. Đại biểu dẫn chứng một vài số liệu về tỉlệ lao động mất việc làm tăng lên theo từng năm. Đây là nguyên nhân chính khiến tỉ lệ rút bảo hiểm một lần tăng cao.
Đại biểu cho biết, 3 năm qua người lao động bị tổn thương nặng nề, họ vừa mất người thân do đại dịch Covid-19, mất việc làm do hợp đồng, đơn hàng của các doanh nghiệp bị cắt giảm. Do vậy, đại biểu đề nghị tiếp tục kéo dài chính sách của Nghị quyết 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu, Bộ trưởng Bộ Lao Động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, liên quan đến quy định hưởng BHXH một lần, đây là vấn đề lớn, quan trọng, nhạy cảm, vừa mang tính chính trị xã hội, cũng có tính chất chuyên môn rất cao.
Do đó, ban soạn thảo luật và Chính phủ sẽ tiếp tục cân nhắc thấu đáo, nghiên cứu, lấy thêm ý kiến của các đối tượng thụ hưởng, của người sử dụng lao động.
Ông thông tin thêm, bên cạnh nguyên nhân người rút BHXH khó khăn, ban soạn thảo luật đã tổng kết được 5 vấn đề chung nhất.
Bộ trưởng Bộ Lao Động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.
"Phương án quy định việc rút BHXH một lần, cần hướng tới hai mục tiêu cơ bản. Thứ nhất, là đáp ứng được nhu cầu chính đáng của người tham gia BHXH là có quyền rút BHXH. Thứ hai là phấn đấu để giữ chân người lao động trong hệ thống, đảm bảo an sinh xã hội và chăm lo, để người dân có lương hưu, đảm bảo cuộc sống khi về già", ông Dung nhấn mạnh.
Ông Dung cho biết, hiện tại khó có thể đưa ra một phương án tối ưu, phương án chỉ có ưu điểm mà sẽ đi theo phương án tiếp tục đề xuất, hoặc chọn phương án nhiều ưu điểm hơn.
Các phương án sẽ tiếp tục được điều chỉnh theo hướng người lao động có quyền rút BHXH một lần, không phân biệt người đóng bảo hiểm trước hay sau khi luật có hiệu lực.
Trước ý kiến một số đại biểu nêu về nhiều mức cho rút BHXH khác nhau như chỉ được rút 8% người lao động đóng, cũng có ý kiến đề nghị giữ lại phần 14% người sử dụng lao động đóng, Bộ trưởng nhắc lại phương án 2, người lao động chỉ được rút 50% và bảo lưu 50% còn lại.
Ông Dung lý giải, 50% thời gian đóng BHXH được bảo lưu sẽ ghi nhận trong sổ BHXH để người lao động tiếp tục được hưởng các quyền lợi. Khi quay trở lại tham gia bảo hiểm, người lao động sẽ được cộng tiếp vào thời gian đóng. Còn nếu không tái tham gia BHXH, người lao động sẽ hưởng trợ cấp hàng tháng khi đến tuổi nghỉ hưu.
"Phương án bảo lưu 50% thời gian đóng đảm bảo quyền của người tham gia hưởng BHXH một lần, công bằng giữa người tham gia trước và sau khi luật có hiệu lực, phù hợp với khuyến nghị tổ chức quốc tế và cũng vẫn giữ chân người lao động", ông Dung nhấn mạnh.
Tác giả: Hoàng Thị Bích
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy