Dòng sự kiện:
Sách Công nghệ Giáo dục: Vì sao lại đọc thơ theo ô vuông, tam giác?
07/09/2018 16:39:45
Theo nhiều GV, việc đọc thơ theo ô vuông, tam giác là bài đầu tiên của học sinh lớp 1 học ở sách Công nghệ Giáo dục. Đây chỉ là cách dạy học sinh đếm số tiếng trong câu thơ, chứ không có chuyện thay đổi chữ viết.

Nội dung một bài học trong sách Tiếng Việt 1 - Công nghệ Giáo dục.

Những ngày qua, dư luận có nhiều tranh cãi quanh những đoạn clip được chia sẻ trên mạng xã hội, liên quan đến việc học sinh tiểu học chỉ nhìn vào những biểu tượng hình tròn, hình vuông, hình tam giác có thể đọc vanh vách cả một bài thơ, nhưng khi chỉ vào chữ thì không thể đọc được.

Không ít phụ huynh bày tỏ sự hoang mang, lo lắng. Có người bức xúc cho rằng phương pháp này có vấn đề, chỉ dạy học sinh "học vẹt". Nhiều người cũng thắc mắc, tại sao trẻ nhìn vào các ô vuông, tròn có thể đọc được thơ?

 

Hướng dẫn tách lời thành tiếng trong sách Công nghệ Giáo dục.   

Để giải đáp những thắc mắc của phụ huynh, cũng như tránh tình trạng nhiều người không hiểu nhưng cũng a dua "ném đá", thầy Nguyễn Thành Nam (giáo viên tại Hà Nội) đã thực hiện video chia sẻ về nguồn gốc của việc đọc thơ theo ô vuông, tam giác và vì sao lại đọc như vậy.

Theo thầy Nam, cách đọc trên là ở trong cuốn sách "Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục" của GS Hồ Ngọc Đại đã được giảng dạy ở không ít trường tiểu học trên cả nước.

Trong những bài đầu tiên của cuốn sách, có xuất hiện những ô vuông, hình tròn, hình tam giác, cùng những câu lục bát. Vậy tại sao trẻ em có thể dùng hình đó để ghi thành một câu, nhìn vào các hình đó có thể đọc được câu thơ?

"Trong chương trình đại trà, thầy cô muốn dạy học sinh âm gì thì viết âm đó lên bảng với các chữ cái và học sinh chỉ cần đọc, ghi nhớ máy móc âm đó là được, dùng lâu dần sẽ thành quen.

Còn trong chương trình của Công nghệ Giáo dục, học sinh sẽ được tổ chức để tự mình phân tích âm và ghi âm lại bằng các chữ cái. Qua đó học sinh tự tạo ra bộ chữ viết riêng của mình.

Trong quá trình tự tạo ra chữ viết riêng của mình, bước đầu tiên là trẻ em phải học tách câu thành từng tiếng một. Và việc dùng ô vuông, tròn chỉ phục vụ cho việc tách câu để đếm tiếng mà thôi", thầy Nguyễn Thành Nam chia sẻ.

Cụ thể hơn, thầy Nam lấy ví dụ: Học sinh học câu "Trong đầm gì đẹp bằng sen…", bình thường các em vẫn nói những câu đó trong cuộc sống hằng ngày nhưng không nhận thức được câu như vậy được ghép lại từ từng tiếng riêng biệt. Do đó, ở trên lớp, thầy cô sẽ dạy học sinh tách từng tiếng ra.

Có nhiều cách khác nhau, có người vừa đọc "Trong đầm gì đẹp bằng sen" vừa vỗ tay, câu thơ có 6 tiếng thì giáo viên vỗ tay 6 lần; có người xếp viên phấn; có người viết các ô vuông tương ứng với số tiếng trong câu thơ để học sinh biết một câu khi mình nói, đọc ra thì được ghép lại từ mấy tiếng.

"Khi học sinh nhìn vào các ô vuông đó sẽ nhận thức rất sâu sắc là câu thơ đó được tạo nên từ các tiếng riêng biệt", giáo viên này nhấn mạnh.

Cũng theo thầy Nam, khi học sinh vừa vào lớp 1 chưa biết mặt chữ nhưng những hình khối như ô vuông, tròn, tam giác thì quá quen thuộc; nên việc dùng hình ảnh thân thuộc này để dạy học sinh đếm số tiếng là bình thường.

Hơn nữa, việc dạy như này chỉ xuất hiện khi trẻ em học bài đầu tiên trong chương trình Tiếng Việt 1 Công nghệ Giáo dục mà thôi. Sau đó, học sinh học vần, rồi học viết chữ như bình thường. Mục đích cuối cùng vẫn là học sinh biết đọc, viết thành thạo tiếng Việt.

Linh Nhi (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến