Sai phạm kinh tế nghiêm trọng tại HUD
30/06/2015 08:09:01
ANTT.VN – Hàng loạt sai phạm kinh tế xảy ra tại HUD cùng những món nợ hàng nghìn tỷ tại công ty này khiến việc thu hồi nguồn vốn trở nên rất khó khăn.

Tin liên quan

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (gọi tắt là HUD) là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - công ty con. Tuy nhiên, trong những năm qua, hàng loạt sai phạm về quản lý, sử dụng vốn, tài sản và nhiều vi phạm trong xây dựng xảy ra tại công ty này khiến HUD rơi vào tình trạng khó khăn, thậm chí có khả năng mất vốn.

Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà và đô thị (HUD)

Sai phạm từ vốn điều lệ

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1416/TTg-KTTH ngày 18/6/2011 về việc ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt vốn điều lệ của HUD, Bộ Tài chính có văn bản số 11798/BTC-TCDN ngày 1/9/2011 phê duyệt vốn điều lệ của HUD tại thời điểm 31/12/2010 là 3.981 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm 31/12/2013, vón đầu tư chủ sở hữu của công ty mẹ - HUD chỉ đạt 2.282,569 tỷ đồng, thiếu 1.698,431 tỷ đồng nhưng HUD chưa có nguồn để bổ sung theo mức phê duyệt.

Mặc dù trước đó, để giải quyết khó khăn về vốn điều lệ, ngày 19/3/2009 Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo tại văn bản số 426/TTg-ĐMDN “Cho phép Tổng công ty HUD được dùng phần còn lại của giá trị trích trước ở các dự án đã duyệt quyết toán sau khi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định hiện hành để bổ sung vốn điều lệ”. Tuy nhiên, trong các năm 2010 và 2011, HUD đã hạch toán bổ sung vốn điều lệ từ lợi nhuận kinh doanh Dự án Văn Quán chưa quyết toán; tổng số bổ sung 278,883 tỷ đồng.

Những khoản nợ nghìn tỷ

Theo báo cáo tài chính của HUD, số dư các khoản phải trả thời điểm 31/12/2012 là 6.684,223 tỷ đồng.

Trong khi đó, HUD đã căn cứ theo suất đầu tư m2 đất, m2 nhà phân bổ được tính trên cơ sở tổng mức đầu tư (không có căn cứ dự toán hạng mục công trình) để hạch toán trích trước vào chi phí giá vốn hàng kỳ là trái với quy định tại điểm 1.2, mục II phần G, Thông tư số 130/2008/TT-BTC và điểm a, Khoản 1, Điều 17, Thông tư 123/2012/TT-BTC.

Việc trích trước chi phí trái với quy định khiến HUD trở thành “con nợ” với những món nợ lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Điển hình như, kiểm tra việc trích trước chi phí phải trả dự án Việt Hưng cho thấy: Số dư chi phí đã trích trước cho hạ tầng kỹ thuật 936,131 tỷ đồng, nhưng khối lượng tồn tại giải phóng mặt bằng và các hạng mục tại thời điểm kiểm tra là 2.035,137 tỷ đồng, thiếu 1.099,006 tỷ đồng.

Việc quản lý sử dụng nguồn chi phí phải trả

Số dư chi phí phải trả thời điểm 31/12/2012 của HUD là 3.539,057 tỷ đồng, trong khi đó HUD còn nợ khối lượng các hạng mục hạ tầng chậm thời hạn chưa xây dựng và bàn giao là 4.726,984 tỷ đồng.

Dù đang nợ nần chồng chất, nhưng HUD lại đem số dư nguồn trích trước chi phí phải trả để đầu tư vào các dự án khác. Việc làm này của HUD là sai quy định tại khoản 2, Điều 4, Nghị định số 153/2007/NĐ-CP dẫn đến các dự án chậm trễ, thanh khoản chậm, việc thu hồi vốn để hoàn trả đúng nguồn là rất khó khăn

Tại thời điểm 31/12/2012, tổng dư nợ vay của HUD là 2.229,5812 tỷ đồng. Ngay cả khoản kinh phí bảo trì, bảo hành chung cư đã trích theo 8 dự án 146,181 tỷ đồng, (khoản kinh phí được giao cho Ban quản trị chung cư để quản lý bằng tài khoản riêng mở tại ngân hàng thương mại) cũng bị HUD đem “ném” vào kinh doanh

Đầu tư để nhận “trái đắng”

Để xảy ra hàng loạt sai phạm về tài chính, cùng với hàng loạt những món nợ lớn lên đến hàng nghìn tỷ đồng thì những đầu tư của HUD vào những công ty con lại không hiệu quả hoặc thua lỗ.

Từ HUD1, HUD6, HUD8 hay HUD.VN … những công ty con này là những “trái đắng” mà Tổng công ty mẹ HUD phải gánh với những món nợ từ vài tỷ cho đến hàng trăm tỷ đồng.

Nhưng, có lẽ “trái đắng” lớn nhất của HUD từ những công ty con là thất bại thảm hại tại Công ty cổ phần Xi măng sông Thao. Tính đến thời điểm 31/12/2012, HUD đã dùng 516,550 tỷ đồng để “nuôi” đứa con này. Và theo “kế hoạch lỗ” thì trong 2 năm đầu công ty này chỉ lỗ khoảng 65,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số lỗ thực tế ở Công ty cổ phần Xi măng sông Thao lại “chua chát” và “đắng cay” hơn nhiều lần. Tính đến thời điểm 31/12/2012, công ty này đã lỗ lúy kế lên đến 305 tỷ đồng (khoảng 45% vốn đầu tư).

Không chỉ sai phạm về tài chính, HUD còn hàng loạt sai phạm thi công tại nhiều dự án. Thông tin vụ việc sẽ tiếp tục được ANTT.VN cập nhật trong những bản tin tiếp theo…

Thủy Tiên

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến