Dòng sự kiện:
Sáng mai Thủ tướng trả lời chất vấn những gì?
17/11/2015 16:46:34
ANTT.VN - Theo nghị trình, cuối buổi sáng ngày mai 18/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng mới trực tiếp đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội, nhưng đến thời điểm này số lượng câu hỏi gửi đến Thủ tướng đã khá nhiều.

Tin liên quan

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ trả lời chất vấn vào sáng mai 18/11

Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước): Với trọng trách là người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng đã và sẽ có giải pháp gì để Việt Nam không rơi vào bẫy thu nhập trung bình?

Theo đại biểu Hùng, mặc dù kinh tế Việt Nam trong những năm qua đã có nhiều khởi sắc, tốc độ phát triển khá đã trở thành một quốc gia có mức thu nhập trung bình, song sự phát triển ấy còn phụ thuộc nhiều vào vốn vay trong khi nợ công đã tiếp cận với giới hạn cho phép, trong khi đó lợi thế của thời kỳ dân số vàng chưa được phát huy và tận dụng tốt và đang dần qua đi, chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động xã hội còn thấp nên rất có khả năng Việt Nam sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình trong một vài thập niên tới, ông Hùng đặt vấn đề

Và theo ông thì như vậy, Việt Nam có thể sẽ bỏ lỡ một cơ hội chỉ có một không hai trong lịch sử phát triển kinh tế - xã hội của một đất nước mà lịch sử đã giao cho thế hệ hiện nay.

Ông Hùng muốn biết Thủ tướng đã và sẽ có giải pháp gì để Việt Nam không rơi vào bẫy thu nhập trung bình như các nhà phân tích hoạch định chiến lược đang đặt ra?

Câu hỏi thứ 2 đại biểu Bùi Mạnh Hùng muốn chất vấn Thủ tướng: Tại kỳ họp thứ 8 ông đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ về tình trạng chức danh, hàm trong quy định của Nhà nước không có nhưng một số cơ quan lại triển khai thực hiện. Bộ trưởng đã hứa sẽ tổ chức các hội thảo khoa học để tìm giải pháp nhưng sau một năm không thấy hồi âm.

Ngày 2/10/2015 ông lại gửi văn bản chất vấn đến Bộ trưởng, và Bộ trưởng đã trả lời là đã xin ý kiến của Thủ tướng vì có hai luồng tư tưởng khác nhau.

“Tôi xin được hỏi quan điểm của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này như thế nào và việc này liệu còn kéo dài đến bao giờ?”, đại biểu Hùng nêu chất vấn.

Đại biểu  Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho biết đã nhận được hồi âm đối với vấn đề đã chất vấn Thủ tướng tại kỳ họp thứ 9 về trách nhiệm của Chính phủ chuẩn bị giải pháp hạn chế rủi ro khi cộng đồng ASEAN ra đời thị trường ASEAN trở thành thị trường chung hàng hóa doanh nghiệp, lao động các nước ASEAN tự do vào Việt Nam từ ngày 31/12 năm nay.

Theo đại biểu Thúy thì chỉ còn hơn một tháng nữa thôi thì Việt Nam sẽ gia nhập cộng đồng ASEAN, nhưng từ người lao động cho đến doanh nghiệp chưa có tâm thế sẵn sàng và cũng chưa thấy Chính phủ công bố giải pháp gì cho vấn đề này.

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) nhắc lại yêu cầu của Quốc hội với Chính phủ là kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với các sai phạm trong quản lý sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ.

Tuy nhiên, báo cáo tổng hợp thẩm tra của Quốc hội tại kỳ họp này vẫn nêu 3 vấn đề "chưa" tại báo cáo của Chính phủ. Đó là chưa đầy đủ, chưa làm rõ trách nhiệm cá nhân và chưa kiểm điểm và xử lý theo quy định của pháp luật thật là quyết liệt đối với vi phạm.

“Kính đề nghị Thủ tướng và các phó thủ tướng cho biết nguyên nhân của 3 vấn đề chưa này, của tình hình này và giải pháp cho thời gian tới”, đại biểu Hùng chất vấn.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) đề nghị Thủ tướng sớm ra Luật doanh nghiệp vừa và nhỏ, có kế hoạch của Chính phủ để phát triển hỗ trợ cho doanh nghiệp trong 5 năm tới 2016 - 2020. Luật doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng rất cần thiết ra sớm trong giai đoạn tới để phục vụ hội nhập kinh tế-xã hội. Bởi đại biểu bảo nhận định: doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tới 90%.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (TP Hải Phòng) nêu câu hỏi: “Đề nghị Thủ tướng cho biết về vấn đề địa vị pháp lý, tổ chức và hoạt động của tổ chức công đoàn Việt Nam trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, có gì khác khi chúng ta tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP. Đây là vấn đề được cử tri và người lao động hết sức quan tâm”.

Đại biểu Nguyễn Trung Thu (Long An) phản ánh với Thủ tướng về vấn đề thủ tục công chứng quá rườm già người dân không thực hiện việc vay vốn tín dụng của nhà nước, đành quay sang vay nóng với lãi suất cắt cổ phát sinh nhiều tiêu cực.

Đại biểu Thu cho biết: Qua tiếp xúc cử tri ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến ca thán và bức xúc của người dân và chính quyền ở cơ sở. Cụ thể khi giao dịch công chứng, công chứng viên yêu cầu những người có nghĩa vụ có quyền lợi có liên quan trong hộ gia đình có mặt đầy đủ, phải xuất trình giấy tờ hợp pháp mới được công chứng, chứng thực. Do vậy, phát sinh vấn đề phải huy động tất cả những người thân trong gia đình kể cả ông già bà cả, trong đó có những người ở khác địa phương cách xa hàng 100 km cũng phải đến phòng công chứng, cụ ông, cụ bà 70 đến 80 tuổi phải đi đăng ký kết hôn để có giấy tờ hợp pháp.

“Tìm hiểu kỹ vấn đề này chúng tôi nhận thấy nguyên nhân chính là do các hướng dẫn thực hiện Luật công chứng và Luật đất đai của Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan còn chậm, chưa đồng bộ, chưa sát với tình hình thực tiễn.

Do vậy đại biểu Nguyễn Trung Thu chất vấn: “Xin Thủ tướng cho biết vì sao có tình trạng hướng dẫn thực hiện luật trên chưa đồng bộ, chưa sát với thực tiễn, vì sao chậm khắc phục những vấn đề phát sinh trong thực tiễn gây bức xúc trong nhân dân và trách nhiệm thuộc về ai, quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc khắc phục những hạn chế tồn tại trong việc hướng dẫn thi hành luật được Quốc hội giao trong thời gian tới như thế nào?”

Theo chương trình, toàn bộ câu hỏi chất vấn của đại biểu quốc hội, Thủ tướng sẽ trực tiếp trả lời vào sáng mai.

Diệp Chi

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến