Dòng sự kiện:
Sau sự cố Tân Hoàng Minh, 72 nghìn tỷ được tung ra để mua lại trái phiếu
23/08/2022 08:09:17
Áp lực trả nợ tiếp tục gia tăng mạnh trong gia đoạn 2023-2024, việc đảm bảo nguồn vốn đảo nợ trở thành vấn đề cấp thiết. Riêng giá trị đáo hạn của trái phiếu bất động sản vào cuối năm 2022 là khoảng 37 nghìn tỷ.

Báo cáo chuyên đề về trái phiếu doanh nghiệp do FiinRatings (đơn vị xếp hạng tín nhiệm nội địa được Bộ Tài chính cấp phép tại Việt Nam) cho thấy, giá trị mua lại trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 72,29 nghìn tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ 2021, tập trung vào các trái phiếu cận đáo hạn. Cụ thể, 51,25% tổng giá trị trái phiếu được mua lại có kỳ hạn còn lại là 1-3 năm. Tổ chức tín dụng và Bất động sản là hai lĩnh vực có khối lượng mua lại trái phiếu lớn nhất, đạt 41,85% và 22,76% trong 6 tháng đầu năm, tương đương với 30,2 nghìn tỷ và 16,4 nghìn tỷ.

Còn theo Bộ Tài chính, tính đến cuối tháng 7/2022, khối lượng TPDN mua lại là 86.556 tỷ đồng, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Hoạt động mua lại này xuất phát từ các chính sách pháp lý kiểm soát nguồn vốn khiến nhiều DN khó triển khai tiếp dự án. Thời gian quay vòng vốn bị kéo dài khiến các DN phải tăng cường mua lại trái phiếu kỳ hạn ngắn để đảm bảo khả năng thanh toán nợ. Ngoài ra, tâm lý lo ngại trước sự kiện Tân Hoàng Minh hồi tháng 4 cũng buộc một số DN bất động sản phải tất toán trước hạn hợp đồng mua trái phiếu theo yêu cầu của trái chủ.

Cơ quan CSĐT khám xét bên trong trụ trở Tập đoàn Tân Hoàng Minh vào tháng 4/2022 (ảnh: Đình Hiếu)

Ước tính, giá trị đáo hạn của trái phiếu Bất động sản vào cuối năm 2022 sẽ đạt khoảng 37 nghìn tỷ VNĐ, trong đó các DN chưa niêm yết chiếm phần lớn với 84% tổng giá trị so với con số 16% của các DN niêm yết. Hơn thế, áp lực trả nợ tiếp tục gia tăng mạnh trong giai đoạn 2023-2024, việc đảm bảo nguồn vốn đảo nợ sẽ trở thành vấn đề cấp thiết.

Theo FiinRatings, tính chung 6 tháng đầu năm 2022, DN bất động sản ghi nhận sự suy giảm giá trị phát hành mạnh với giá trị chỉ đạt hơn 51 nghìn tỷ, giảm gần 37% so với cùng kỳ 2021. Thay vào đó, tổ chức tín dụng vươn lên là nhóm nhà phát hành lớn nhất với động lực gia tăng nguồn vốn cấp 2 trên lộ trình đạt Basel III cũng như tận dụng kênh trái phiếu cho việc tối ưu nguồn vốn qua hoạt động mua và bán lại trái phiếu (repo).

Điểm đáng lưu ý là ngành Năng lượng gần nhu không ghi nhận giao dịch phát hành nào đáng kể trong giai đoạn 6 tháng đầu năm. Vấn đề này có thể đến từ việc Quy hoạch điện VIII vẫn chưa được ban hành dẫn đến việc các nhà phát hành trong ngành tiếp tục chờ đợi các chính sách cụ thể và rõ ràng hơn trước khi huy động nguồn lực từ thị trường TPDN với kỳ hạn dài từ 5-10 năm do tính chất dài hạn của các dự án năng lượng.

Trong tổng số gần 300 đợt phát hành cả 6 tháng đầu năm 2022 đến từ 137 tổ chức phát hành thì có khoảng 44% là các DN niêm yết. Điều này một phần do những yêu cầu của cao hơn về tiêu chuẩn phát hành sau sự kiện Tân Hoàng Minh cũng như việc NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng không được mua TPDN chưa niêm yết theo Thông tư 16 có hiệu lực từ 15/1/2022.

Mặc dù một số giao dịch phát hành trong tháng 7 gần đây có kỳ hạn với xu hướng dài hơn nhưng trên bình diện chung kỳ hạn bình quân của các TPDN đã giảm mạnh từ 4,5 năm trong năm 2021 xuống 3,3 năm trong 2022. Điều này cho thấy nhà đầu tư đang lo ngại trước những rủi ro tín dụng gia tăng nên có thiên hướng chọn kỳ hạn đầu tư ngắn hơn. Mức lãi suất trung bình được chào bán bởi các nhà phát hành trong 6 tháng đầu năm 2022 không quá chênh lệch với năm 2021 khi chỉ giảm 0,17% và đạt mức bình quân 8,8%/năm.

Tác giả: Trần Chung

Theo: Vietnamnet
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến