Dòng sự kiện:
Sau tranh chấp quyền lực kéo dài, Eximbank có bước khởi đầu mạnh mẽ
17/02/2023 06:03:32
3 thành viên HĐQT được bầu bổ sung. Nhiều thông tin được cho là “sáng sủa” tại ĐHCĐ lần này của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) sau gần chục năm đắm chìm trong tranh chấp vị trí lãnh đạo.

Với sự tham dự của 137 cổ đông đại diện cho 82,27% cổ phần có quyền biểu quyết, tổ chức ĐHCĐ vào ngày 14/2/2023.

Tại ĐHCĐ lần này, nhiều thông tin được coi là “sáng sủa” được công bố và thông qua. Theo Chủ tịch HĐQT Eximbank Lương Thị Cẩm Tú, từ nguồn vốn phát hành là lợi nhuận sau thuế sau khi trích lập các quỹ từ 2017 - 2021, ngân hàng này sẽ phát hành thêm 245,8 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho các cổ đông. Các cổ đông dự kiến sẽ nhận được tỉ lệ 20% cổ phiếu tại ngày chốt quyền nhận cổ phiếu và chốt danh sách cổ đông vào 20/2 tới.

Sau khi hoàn thành chia cổ tức bằng cổ phiếu, vốn điều lệ của Eximbank lên 14.814 tỉ đồng. Đề xuất đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận và Eximbank đang làm các thủ tục liên quan.

Ban kiểm phiếu tại ĐHCĐ Eximbank bất thường ngày 14/2/2023. (Ảnh: KT)

Đây là thông tin được cổ đông mong ngóng, bởi từ lần trả cổ tức bằng tiền mặt 4% suốt từ năm 2014 đến nay, cổ đông mới được nhận cổ tức. Sự “trục trặc” này là do nội bộ Eximbank vật vã trong tranh chấp quyền lực kéo dài, khiến ngân hàng này tụt hạng và chỉ số mất niềm tin tăng cao như VOV từng đề cập.

Trước đó, Eximbank tăng vốn điều lệ thêm tối đa 2.459 tỉ đồng từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối, theo phương án tăng vốn điều lệ đã được đại hội cổ đông Eximbank thông qua và được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận. 

Đóng cửa phiên giao dịch đúng vào ngày ĐHCĐ 14/2, cổ phiếu của Eximbank (EIB) tăng 3,51% lên 22.100 đồng/cp sau 2 phiên giảm sàn liên tiếp. 

Năm 2022, Eximbank là một trong những ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế ấn tượng nhất đạt 3.709 tỷ đồng, cao gấp 3 lần năm 2021.

Lý do là bởi, nhiều năm trước ngân hàng này trích lập dự phòng rủi ro ở mức rất cao. Năm 2022, Eximbank quyết liệt thực hiện giảm mạnh trích lập tới 90% so với cùng kỳ (chỉ ở mức 103 tỷ đồng). Cùng với đó là sự chuyển biến theo xu hướng tốt về chất lượng tài sản.

Trích Nghị quyết thông qua danh sách trúng cử HĐQT Eximbank. (Ảnh: website Eximbank)

ĐHCĐ của Eximbank lần này thông qua việc bầu ba thành viên mới vào HĐQT gồm: bà Lê Thị Mai Loan, ông Phạm Quang Dũng, ông Trần Anh Thắng. Trong đó, ông Thắng là ứng viên thành viên HĐQT độc lập.

Bà Lê Thị Mai Loan (sinh năm 1982) từng có hơn 10 năm công tác trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, đảm nhiệm nhiều vị trí quản lý cấp cao tại các công ty thành viên của Tập đoàn Bamboo Capital. Bà Loan cũng từng là thành viên BKS tại BCG và TCD từ năm 2015 (từ năm 2020 đến nay là Phó Chủ tịch HĐQT tại CTD). Đáng chú ý, Phó Chủ tịch HĐQT Bamboo Capital Nguyễn Thanh Hùng cũng được bầu làm thành viên HĐQT Eximbank từ tháng 2/2022. Ông được đề cử bởi nhóm cổ đông Công ty Helios, Thắng Phương và cá nhân Chủ tịch Bamboo Capital Nguyễn Hồ Nam. Bamboo Capital là một tập đoàn đa ngành đang lớn mạnh và có mối quan hệ kinh tế khá khăng khít với TP Bank. 

Bà Lê Thị Mai Loan, thành viên HĐQT Eximbank. (Ảnh: BCG)

Ông Phạm Quang Dũng từng có 13 năm làm việc tại Techcombank, giữ nhiều vị trí quản lý như Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, khách hàng doanh nghiệp lớn, giám đốc chi nhánh. Từ năm 2018, ông Dũng làm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Filmore và hiện là CEO Công ty TNHH đầu tư & kinh doanh bất động sản Phú Mỹ.

Ứng viên độc lập HĐQT Trần Anh Thắng (sinh năm 1984) hiện là Phó Chủ tịch thường trực HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán Nhất Việt, Chủ tịch Công ty cổ phần Amber Capital Holdings, chủ tịch Công ty cổ phần đầu tư du lịch Hà Nội Non Nước.

Ba thành viên này thay thế các ông Võ Quang Hiển, Đào Phong Trúc Đại và bà Lê Hồng Anh có đơn từ nhiệm từ tháng 10/2022 và đã được ĐHCĐ thông qua.

Với việc bầu bổ sung 3 thành viên mới, HĐQT Eximbank đến nay có 7 thành viên: bà Lương Thị Cẩm Tú (Chủ tịch HĐQT), ông Nguyễn Hiếu, ông Nguyễn Thanh Hùng, bà Đỗ Hà Phương, bà Lê Thị Mai Loan, ông Phạm Quang Dũng và ông Trần Anh Thắng.

Chủ tịch HĐQT Lương Thị Cẩm Tú được bầu giữ chức vụ chủ tịch hội đồng quản trị Eximbank nhiệm kỳ VII (2020 - 2025) thay ông Yasuhiro Saitoh từ tháng 2/2022.

ĐHCĐ lần này đã thống nhất giữ lại tài sản số 242 Bình Thới, Phường 10, Quận 11, TP.HCM để triển khai việc đầu tư làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc, cơ sở kho tàng của ngân hàng. Tài sản có diện tích 7.205,4m2 trong tổng diện tích sử dụng 11,905.17m2 gồm 4 tầng có tầng hầm./.

Tác giả: Nhóm PV

Theo: VOV
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến