Dòng sự kiện:
Sẽ có doanh nghiệp 'đặc biệt' được niêm yết kể cả bị thua lỗ?
04/01/2024 06:06:48
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang lấy ý kiến bổ sung trường hợp đặc biệt cần duy trì niêm yết do Chính phủ xem xét, quyết định.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang lấy ý kiến với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 155 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.

Theo dự thảo sửa đổi và bổ sung Luật Chứng khoán vừa được công bố, điều 120 trong Nghị định quy định về cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc sẽ được bổ sung thêm Khoản 7 với nội dung: "Trường hợp đặc biệt cần duy trì niêm yết do Chính phủ xem xét, quyết định"

Đề xuất sửa đổi quy định này trong bối cảnh thời gian vừa qua, một số doanh nghiệp lớn trên sàn thua lỗ triền miên, đứng trước nguy cơ hủy niêm yết bắt buộc.

Bên cạnh sửa đổi nói trên, dự thảo còn đề nghị sửa đổi khoản 13 điều 310 nhằm nâng thời hạn tối đa bắt buộc triển khai thực hiện hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (CCP), từ 3 năm lên thành 5 năm.

CCP có thể hiểu là việc tổ chức thực hiện chức năng bù trừ thanh toán trung tâm cho thị trường chứng khoán, thông qua cơ chế thế vị, để trở thành chủ thể đứng giữa các bên giao dịch, người bán của tất cả các người mua và người mua của tất cả các người bán. Với cơ chế này, CCP đảm bảo việc thanh toán giao dịch ngay cả trong trường hợp một bên trong giao dịch ban đầu (giao dịch gốc) không thực hiện được nghĩa vụ.

Nghị định 155 có hiệu lực từ 01/01/2021. Tại thời điểm đó, mô hình CCP chưa thể triển khai nên nghị định đưa ra điều khoản chuyển tiếp nêu rõ CCP sẽ tiếp tục được thực hiện theo Luật Chứng khoán cũ, thời hạn tối đa trong 3 năm. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, đã hết thời hạn 3 năm, mô hình CCP vẫn chưa được triển khai.

Tác giả: Việt Linh

Theo: Tiền Phong
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến