Sếp cảng hàng không nhận lương trăm triệu: Vay ODA 70 tỷ Yen về làm gì?
12/03/2016 08:24:48
ANTT.VN – Với vai trò quan trọng trong phát triển giao thông, ACV liên tục nhận được sự quan tâm đầu tư, ưu đãi của Chính phủ, Bộ giao thông vận tải và các Bộ, cơ quan liên quan thông qua việc cấp nguồn kinh phí đầu tư và đặc biệt là bảo lãnh vay vốn ODA với quy mô lớn.

Tin liên quan

Tiếp tục diễn biến về tình hình kinh doanh của Tổng công ty hàng không Việt Nam (ACV), ngay trước thời điểm ACV tiến hành cổ phần hóa đã có nhiều câu hỏi xoay quanh vấn đề vay vốn ODA của Nhật.

ACV được thành lập vào tháng 2/2012 trên cơ sở sáp nhập 3 tổng công ty cảng hàng không miền Bắc, miền Nam và miền Trung. Kể từ đó, ACV trở thành công ty duy nhất giữ vai trò quản lý, vận hành toàn bộ hệ thống 22 Cảng hàng không tại Việt Nam.

Với vai trò quan trọng trong phát triển giao thông, ACV liên tục nhận được sự quan tâm đầu tư, ưu đãi của Chính phủ, Bộ giao thông vận tải và các Bộ, cơ quan liên quan thông qua việc cấp nguồn kinh phí đầu tư và đặc biệt là bảo lãnh vay vốn ODA với quy mô lớn.

Vay vốn ODA hơn 70 tỷ Yen Nhật

ACV cho biết, giai đoạn 2012 – 2014 là thời kỳ cao điểm, tập trung thực hiện chiến lược cải tạo, mở rộng và phát triển cơ sở hạ tầng hàng không của ACV theo Quy hoạch các cảng hàng không đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ và chính quyền, cơ quan địa phương phê duyệt.

Trên cơ sở đó, tận dụng triệt để các nguồn tài trợ nội tại từ các quỹ, Tổng công ty ACV đã sử dụng nguồn vốn vay ODA dài hạn.

Cũng tính từ năm 2012, các khoản vay vốn của ACV tăng lên không ngừng, chủ yếu từ vay vốn ODA của Nhật phục vụ cho hai công trình trọng điểm là dự án xây dựng nhà ga Quốc tế Nội Bài T2 và xây dựng nhà ga hành khách Quốc tế Sân bay Tân Sơn Nhất.

Tổng dư nợ vay vốn ODA tăng từ đầu năm 2012 là 5.662 tỷ đồng lên hơn 12.543 tỷ đồng (gần 71 tỷ Yen Nhật - JPY) tính đến ngày 30/06/2015.

Trong đó, khoản vay tín dụng cho dự án Xây nhà ga hành khách Quốc tế Sân bay Tân Sơn Nhất theo Hiệp định vay vốn giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC), thực hiện thông qua chi nhánh ngân hàng Phát triển TP Hồ Chí Minh chịu lãi suất 1,6%/năm trong thời hạn 40 năm, ân hạn 10 năm.

Để phục vụ dự án xây nhà ga Quốc tế Nội Bài T2, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam đã thực hiện ba hiệp định vay vốn với tổng số vốn vay gần 60 tỷ Yên Nhật, chịu lãi suất 0,3-0,4%/năm cho chi phí xây dựng, 0,21% cho chi phí tư vấn.

ACV vay gần 60 tỷ Yen phục vụ dự án xây nhà ga Quốc tế Nội Bài T2 với lãi suất 0,4% cho chi phí xây dựng, chưa tính trượt giá

ACV  dự kiến chi trả nợ gốc trong các năm từ 2015-2020 khoảng 731 triệu JPY, tương đương 136 tỷ đồng/năm, còn chi phí lãi vay dao động từ 465-512 triệu JPY/năm (tương đương 87-95 tỷ đồng).

Ngoài khoản lãi suất vay vốn ODA phải chịu, ACV cũng còn phải lường trước những biến động khó lường của tỷ giá Yên Nhật đối với VND.

Và những năm gần đây, rủi ro tỷ giá liên quan đến các khoản vay ODA của doanh nghiệp xây dựng, giao thông vận tải đã hiện hữu, thậm chí gây lo ngại ở một số trường hợp khi mà yêu cầu trích lập dự phòng đã san bằng cả khả năng chia cổ tức cho cổ đông.

Theo Bloomberg, chấm dứt đợt sụt giá đến 40% so với đô la Mỹ trong vòng 4 năm qua, yen Nhật (JPY) trong năm 2016 đủ lực để vượt xa tất cả các đồng tiền khác. Rất nhiều chuyên gia đã dự báo đồng JPY sẽ leo đến 120 JPY ngang giá 1 USD vào cuối năm 2016.

 “Om” ¼ tài sản gửi ngân hàng

Cân đối với nguồn vốn vay dài hạn hơn 12 nghìn tỷ đồng trên, bảng cân đối tài sản của ACV có một khoản mục chiếm tới 25% tổng tài sản là khoản tiền gửi ngắn hạn ngân hàng có số dư tại ngày 30/06/2015 là 10.732 tỷ đồng.

Mặc dù Tổng công ty có xu hướng điều chỉnh cơ cấu tài sản giai đoạn 2012 – 2014 theo hướng giảm tài sản ngắn hạn và tăng tài sản dài hạn nhưng ACV vẫn không ngừng tăng khoản tiền gửi ngân hàng ngắn hạn lên con số khổng lồ.

Khoản tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn ngắn từ trên 3 tháng đến dưới 1 năm được ACV “om” ngay từ khi Tổng công ty được thành lập từ  4.784 tỷ lên gần gấp đôi (8.716 tỷ) vào cuối năm 2012, tăng lên 9.926 tỷ đồng vào năm 2013 và tiếp tục “phình to” thành con số 10.558 tỷ vào cuối năm 2014.

Trong 4 năm qua, ACV đã tích cực tận dụng những ưu đãi của Chính phủ, Bộ giao thông vận tải và các ban ngành liên quan để thực hiện vay vốn ODA phục vụ các dự án, trong khi đó, hơn 10.000 tỷ đồng tiền tươi thóc thật của Nhà nước lại được chọn kênh đầu tư là gửi tiết kiệm ngân hàng lấy lãi.

Liệu đây có phải là kênh đầu tư hiệu quả nhất cho vốn của Nhà nước khi mà “vết xe đổ” về khoản tiền gửi tại Công ty cho thuê Tài chính 2 – Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (ALC2) mà ANTT.VN  đề cập trong bài viết trước đã gây thiệt hại gần 300 tỷ vẫn còn hiện hữu?

Hoa Liên

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến