Dòng sự kiện:
Số lượng căn hộ công vụ chưa bố trí cho thuê còn khá nhiều
06/10/2021 08:01:47
Bộ Xây dựng cho biết, cả nước hiện có trên 75.000 căn, nhà (phòng) công vụ. Số lượng căn hộ công vụ chưa bố trí cho thuê còn khá nhiều, vì vậy, nhà ở và các trang thiết bị nội thất nhanh xuống cấp.

Theo thông tin tổng kết thực hiện quy định liên quan đến nhà ở công vụ được Bộ Xây dựng gửi tới Bộ Tư pháp, Điều 31 Luật Nhà ở quy định "tiêu chuẩn diện tích nhà ở công vụ do Thủ tướng Chính phủ quy định và được điều chỉnh cho phù hợp với từng thời kỳ theo đề nghị của Bộ Xây dựng". Quyết định số 27/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chuẩn nhà ở công vụ có quy định cụ thể về các loại hình nhà ở công vụ, diện tích sử dụng nhà ở công vụ, trang bị nội thất và các nội dung có liên quan.

Khu nhà công vụ Hoàng Cầu, Hà Nội (Ảnh tư liệu).

Cả nước có 75.694 căn, nhà công vụ

Bộ Xây dựng cho biết, tính đến ngày tháng 6/2021, cả nước có 75.694 căn, nhà (phòng); trong đó, quỹ nhà ở công vụ của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương là 19.771 căn (bao gồm: 32 căn biệt thự; 18.015 căn chung cư và 1.724 căn nhà liền kề).

Hiện nay nhà ở công vụ của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương bao gồm có biệt thự và chung cư. Phần lớn là nhà ở chung cư, có diện tích tối đa 160 m2/căn để bố trí phù hợp với hệ số phụ cấp, hệ số lương, chức danh và tiêu chuẩn nhà ở công vụ theo quy định.

Một số cơ quan Trung ương quản lý nhà ở công vụ biệt thự có diện tích đất khoảng từ 350 m2 trở lên như Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Xây dựng để bố trí nhà công vụ phục vụ cho các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp tương đương trở lên.

Theo quy định, căn hộ chung cư loại 1 và loại 2 (có diện tích sử dụng từ 100 m2 -160 m2) được dùng để bố trí cho cán bộ lãnh đạo từ cấp Thứ trưởng và tương đương trở lên được điều động, luân chuyển về công tác tại cơ quan Trung ương tại Hà Nội.

Qua báo cáo của một số Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và khảo sát thực tế cho thấy, cán bộ lãnh đạo cơ quan Trung ương nêu trên (bao gồm cả các thành viên trong gia đình) thường được bố trí cho thuê với 3 loại căn hộ chung cư (có diện tích mỗi căn hộ từ 120 m2 đến 160 m2). Đối với các căn hộ chung cư có diện tích nhỏ dưới 100 m2, trên thực tế ít được cán bộ đăng ký thuê; căn hộ có diện tích từ 60m2 - 80m2 nếu sử dụng thì cần ghép 2 căn hộ thành căn hộ có diện tích lớn từ 120 m2/căn đến 160 m2/căn mới đủ tiêu chuẩn theo quy định.

Ngoài ra, theo quy định tại Quyết định số 27/2015, biệt thự công vụ có diện tích đất 500 m2/căn được sử dụng để bố trí cho các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và được Nhà nước đài thọ trả tiền thuê nhà ở công vụ; loại biệt thự công vụ có diện tích đất 350 m2/căn được sử dụng bố trí cho chức danh Phó Thủ tướng Chính phủ và cấp tương đương trở lên.

Đối với nhà ở công vụ được đầu tư xây dựng mới (bao gồm cả mua nhà ở thương mại làm nhà ở công vụ) của các Bộ, ngành, cơ quan trung ương, bên cạnh việc đảm bảo về chất lượng, diện tích thì các khu nhà ở công vụ này còn đảm bảo về các công trình hạ tầng kỹ thuật được đấu nối thuận lợi và đồng bộ với kết cấu hạ tầng chung của khu vực.

Ở các địa phương, Bộ Xây dựng cho biết trên thực tế nhà ở công vụ bao gồm biệt thự, chung cư và nhà ở liền kề. Nhà biệt thự có diện tích đất từ 200m2/biệt thự trở lên; nhà chung cư có diện tích sử dụng từ 60-100m2/căn hộ, chủ yếu để bố trí cho các lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện đủ tiêu chuẩn, điều kiện thuê nhà ở công vụ.

Nhà ở công vụ khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo chủ yếu để bố trí cho giáo viên và nhân viên y tế với diện tích từ 25 m2/căn nhà đến 50 m2/căn nhà. Mỗi căn có thể bố cho cá nhân hoặc tập thể (từ 02 người/căn trở lên).

Quỹ nhà công vụ chưa bố trí cho thuê còn khá nhiều

Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong công tác quản lý nhà ở công vụ, Bộ Xây dựng cho rằng vẫn còn một số những tồn tại và hạn chế. Một số đối tượng cán bộ, công chức, viên chức được điều động luân chuyển công tác có nhu cầu thuê nhà ở công vụ, nhưng không thuộc đối tượng được thuê theo tiêu chuẩn nhà ở công vụ quy định của Luật Nhà ở năm 2014 và Quyết định số 27/2015.

Mặt khác, một số cán bộ, công chức đang thuê nhà ở công vụ trước Luật Nhà ở năm 2014 đến nay theo quy định mới không còn thuộc đối tượng được thuê nhà ở công vụ sẽ gặp khó khăn về nhà ở.

Luật Nhà ở năm 2014 đã thu hẹp đối tượng thuê nhà ở công vụ (tại Trung ương: cán bộ có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,3 trở lên; tại địa phương: cán bộ có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,9 trở lên). Do đó, Bộ Xây dựng cho rằng quỹ nhà ở công vụ đã được hình thành trước đây, chưa bố trí cho thuê còn khá nhiều tại các cơ quan Trung ương và địa phương.

Trong khi đó, theo quy định của pháp luật về nhà ở, các căn hộ đã bàn giao (kể cả căn hộ chưa bố trí cho thuê) phải đóng kinh phí quản lý vận hành cho đơn vị quản lý vận hành. Vì vậy, hàng năm ngân sách nhà nước vẫn phải cấp bù kinh phí quản lý vận hành cho các căn hộ công vụ đã bàn giao nhưng chưa bố trí cho thuê.

"Số lượng căn hộ công vụ chưa bố trí cho thuê còn khá nhiều (do quy định về thu hẹp đối tượng), vì vậy, nhà ở và các trang thiết bị nội thất nhanh xuống cấp; thiếu một số loại hình nhà ở công vụ (nhà liền kề, nhà ở tập thể) để đáp ứng nhu cầu và điều kiện thực tế của các địa phương. Việc trang bị nội thất cơ bản nhà ở công vụ của các địa phương chưa đảm bảo theo Quyết định số 27/2015 vì thiếu kinh phí đầu tư trang thiết bị nội thất do điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn"- Bộ Xây dựng nêu thực tế.

Bộ Xây dựng khẳng định, sau hơn 5 năm triển khai Luật Nhà ở, các văn bản hướng dẫn thi hành đặc biệt là Quyết định số 27/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và qua tổng hợp báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương cho thấy, một số tiêu chuẩn về nhà ở công vụ (loại hình và diện tích sử dụng nhà ở công vụ), định mức kinh phí tối đa trang bị nội thất cơ bản được quy định đến nay không còn phù hợp với điều kiện thực tế, cần phải sửa đổi.

Tác giả: Thế Kha

Theo: Dân Trí
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến