Số người chết vì nhiệt điện than có xu hướng tăng cao
29/09/2015 18:34:50
ANTT.VN – Theo ông Trần Đình Sính – Phó giám đốc GreenID, báo cáo của nhóm nghiên cứu ĐH Harvard nêu rõ, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện nay số người chết vì nhiệt điện than chắc chắn có xu hướng tăng cao, chưa kể kèm theo chi phí y tế khổng lồ.

Tin liên quan

Bà Ngụy Thị Khanh - Giám đốc GreenID phát biểu tại hội thảo

Sáng 29/9, Trung tâm Phát triển sáng tạo Xanh (GreenID) đại diện Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) đã tổ chức hội thảo “than và nhiệt điện than: những điều chưa biết”.

Theo nghiên cứu của GreenID, trong bước chuyển mình của năng lượng thế giới từ việc tập trung khai thác và sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo, Việt Nam đang  có những bước đi trái chiều thể hiện qua việc Quy hoạch điện 7 đặt mục tiêu gia tăng tỷ trọng của nhiệt than lên hơn 50% vào năm 2030.

GreenID cũng cho biết, việc phát triển các nhà máy nhiệt điện than sẽ thải ra một lượng tro khổng lồ gây ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường và sức khỏe cộng đồng, ước tính khoảng 14,8 triệu tấn mỗi năm từ 2020 và lên tới 29,1 triệu tấn mỗi năm từ 2030.

Ngoài ra, an ninh năng lượng của Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi việc đặt trọng tâm quá lớn vào nhiệt điện đốt than. Trong khi dự báo của các chuyên gia đưa ra cho thấy than nội địa phục vụ cho việc phát điện sẽ không thể đáp ứng đủ trong thời gian tới và Việt Nam sẽ phải nhập khẩu khối lượng than rất lớn khoảng 46,7 triệu tấn than năm 2020 và 157 triệu tấn vào năm 2030.

Tuy nhiên, việc nhập than với số lượng lớn theo hợp đồng dài hạn là một vấn đề không đơn giản, chưa kể tới sự phụ thuộc vào biến động giá trên thị trường.

Tại hội thảo, ông Trần Đình Sính – Phó Giám đốc GreenID cho biết: “ Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu trường ĐH Harverd, số người chết yểu liên quan đến nhiệt than ở Việt Nam là 4.300 người mỗi năm. Nếu các dự án nhiệt điện than đang trong quy hoạch đều được đưa vào vận hành thì con số này sẽ có thể tăng lên 25.000 người chết yểu mỗi năm. Trong bối cảnh kinh tế đất nước ngày càng phát triển như hiện nay thì số người chết vì nhiệt điện than chắc chắn sẽ có xu hướng ngày càng tăng cao, chưa kể kèm theo đó là chi phí y tế khổng lồ do sự suy giảm về sức khỏe của người dân”.

Theo bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc GreenID, hiện ở Việt Nam có 19 nhà máy điện than đang vận hành, trong đó ít nhất 2/3 số nhà máy sử dụng than từ vùng Quảng Ninh, dự kiến hơn 50 nhà máy nhiệt điện than xây dựng trong thời gian tới bởi các bên như: Tập đoàn Điện lực VN, Tập đoàn Dầu khí VN, Tập đoàn Than – Khoáng sản, các doanh nghiệp tư nhân, nước ngoài, nhà đầu tư BOT.

Bà Khanh cũng phân tích, những thách thức và cơ hội của nhiệt điện than Việt Nam, cụ thể do thủy điện đã khai thác gần hết, khí và dầu chưa có thêm mỏ lớn, nhiệt điện than được đánh giá là nguồn năng lượng khả thi nhất đáp ứng phát triển kinh tế - xã hội; Việt Nam đã có kinh nghiệm về thiết kế, xây dựng và vận hành điện than.

Tuy nhiên, thách thức cũng không nhỏ, bà Khanh nhận định, tăng tỷ trọng điện than là đi ngược với xu thế thời đại, mâu thuẫn với các chiến lược tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhập khẩu một lượng than lớn đòi hỏi đầu tư cơ sở hạ tầng vận chuyển và chưa rõ nguồn nhập, tác động tới tính khả thi của kế hoạch năng lượng.

Điện than kéo theo nhập khẩu công nghệ lạc hậu của các nhà thầu Trung Quốc. Chế tài kiểm tra, giám sát bảo vệ môi trường còn yếu.

Bên cạnh đó, tỷ lệ điện than quá lớn ảnh hưởng đến an ninh năng lượng, phát triển điện than lớn dẫn đến phát thải khí nhà kính lớn, ô nhiễm môi trường sống; chi phí và gánh nặng cho xã hội với việc chăm sóc sức khỏe. Phát triển than nhập kéo theo nhiều hệ lụy về xã hội như lao động nước ngoài, việc làm…

Thiên Di

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến