Người tiêu dùng được quyền biết kết luận kiểm tra
29/09/2015 16:44:04
ANTT.VN – Theo ông Vương Ngọc Tuấn, Phó tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, người tiêu dùng có quyền được biết về kết quả thanh tra nếu các sản phẩm liên quan đến sức khỏe của cộng đồng.

Tin liên quan

TS.Vương Ngọc Tuấn - Phó tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam

Thưa ông, thời gian gần đây có nhiều trường hợp khách hàng phát hiện có dị vật trong đồ uống , vì dụ nhưng sản phẩm ghi nhãn  C2…, Hội có nhận được nhiều thông tin phả hồi của người tiêu dùng về vấn đề này không?

Có khi ngay trong đêm tôi nhận được những cú điện thoại của người tiêu dùng khiếu nại rằng họ đang ngồi ở quán được người bán hàng bán cho một chai bia nhưng không phải bia mà là nước lã. Tôi đã trao đổi trước tiên anh phải phản ánh ngay cho người bán hàng, và lập tức có biện pháp lập biên bản, phản hồi đến nhà cung cấp bia cho quản, như thế mới là đúng. Như thế doanh nghiệp bia phải có trách nhiệm, và mới có cơ hội xác minh nguồn gốc của “bia nước lã” đó từ đâu.

Khi người tiêu dùng mua phải các sản phẩm khuyết tật, kém chất lượng, phản hồi đến công ty cung cấp, công ty đưa sản phẩm đó ra thị trường. Thông thường công ty có trách nhiệm cử người gặp gỡ khách hàng để tìm hiểu và ghi nhận ý kiến  khách hàng, giải quyết đảm bảo quyền lợi của khách hàng.

Người tiêu dùng có quyền đòi lại quyền lợi của mình: tôi mua một đồng tôi phải được một đồng, và doanh nghiệp khi nhận được phản ánh thông thường sẽ xem xét giải quyết, dù chưa xác định được nguyên nhân khuyết tật của chai nước đó là do họ hay không phải do họ, cái đó phải tìm rõ nguyên nhân thì mới biết được.

Hội hàng ngày nhận được nhiều khiếu nại của người tiêu dùng về mọi vấn đề, trong đó có vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm, mỹ phẩm. Số lượng các khiếu nại này chiếm số lượng đó không nhỏ, nằm trong khoảng từ 20 – 30%.

Gần đây có việc Công ty URC phát nước gần hết hạn sử dụng cho người dân, ông có bình luận gì về vấn đề này?

Vấn đề thứ nhất là chất lượng sản phẩm (sản phẩm nói chung, chứ không riêng gì sản phẩm của URC). Nếu chất lượng sản phẩm không tốt, dù hạn sử dùng còn đến hàng năm và lâu hơn nữa, thì đương nhiên sản phẩm không thể dùng được và phải bỏ đi.

Nếu trong trường hợp còn hạn sử dụng, dù cận date, mà chất lượng sản phẩm vẫn tốt, mà không tìm cách cung cấp cho người tiêu dùng là điều dở, không phải tốt. Tại sao? Vì nếu để cho hết date, phải đổ đi. Đổ đi thì gây lãng phí cho xã hội. Lãng phí xã hội là không tốt.

Một số khách hàng mua phải sản phẩm  C2 kém chất lượng, tuy nhiên việc giải thích của nhà sản xuất lại không làm họ hài lòng. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Sản phẩm sản xuất hàng loạt, từ khâu sản xuất, qua lưu thông, bảo quản, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, bốc xếp, cửa hàng phân phối, đến tay người tiêu dùng là cả quá trình rất dài, bao giờ cũng có một tỷ lệ sai lệch nhất định, dù rất nhỏ là khó tránh khỏi, xét cả về lý thuyết lẫn thực tế.

Một khi người tiêu dùng nhận được sản phẩm có khuyết tật thì phải phản hồi tới doanh nghiệp. Vấn đề ở chỗ, doanh nghiệp tiếp cận, lắng nghe, tiếp thu, giải quyết khiếu nại như thế nào?

Vậy cách lý giải của nhà sản xuất đưa ra chưa làm hài lòng người tiêu dùng thì khách hàng nên làm gì, thưa ông?

Có thể nói khiếu nại đó là một việc làm để đòi lại quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng và là một đóng góp tích cực của người tiêu dùng cho doanh nghiệp.

Cái quan trọng nhất đối với doanh nghiệp là phải được tiếp cận, xem xét cụ thể. Khi tiếp cận đại diện của doanh nghiệp cũng phải có thủ tục nhất định, trao đổi với người khiếu nại một cách đầy đủ để nắm rõ nội dung khiếu nại, lập biên bản cẩn thận để sau đó tiến hành xem xét, kiểm tra sản phẩm cùng lô, cùng số, cùng ngày. Mục đích là tìm ra nguyên nhân sai lỗi để hoàn thiện. Những sản phẩm đã mở ra rồi thì không bao giờ có tác dụng kiểm tra. Vì khi đã mở ra, chịu tác động từ bên ngoài, tính chất và chất lượng sản phẩm đã thay đổi. Sản phẩm cùng lô, cùng số, cùng ngày, lấy từ mẫu lưu tại doanh nghiệp hoặc đang lưu thông trên thị trường.

Nếu sản phẩm sai lỗi đơn chiếc thì giải quyết đỡ phức tạp hơn. Nếu sản phẩm sai lỗi hàng loạt thì trách nhiệm của doanh nghiệp rất lớn. Doanh nghiệp phải có biện pháp phù hợp, nhanh chóng thu hồi để tránh ảnh hưởng sức khỏe chung cho cả cộng đồng.

Được biết, đoàn kiểm tra liên ngành mới đây đã tiến hành kiểm tra nhà máy sản xuất của Công  ty URC tại Hà Nội. Tuy nhiên, đến nay kết quả thanh/kiểm tra này vẫn chưa được công bố. Theo ông,  kết luận thanh tra này có nên được công bố rộng rãi cho người tiêu dùng biết không?

Thanh tra là hoạt động của cơ quan quản lý. Thanh tra thường xuyên hoặc là đột xuất chuyện đó là chuyện bình thường. Nếu việc thanh tra xuất phát từ phản hồi của người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm hàng hóa, thì người tiêu dùng có quyền được biết về kết quả thanh tra.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi, Chủ nhiệm Câu lạc bộ phụ nữ với tiêu dùng

Tôi nghĩ đã là kiểm tra, phải có nguyên tắc, và sau khi kiểm tra thì phải công bố về chất lượng, mức độ sản phẩm như thế nào, phải công bố cho đối tượng được kiểm tra, nếu cái gì mà được cơ quan truyền thông đến tham dự thì phải được công bố.

Còn nếu việc thanh kiểm tra định kỳ không ở mức độ lớn thì anh vẫn phải có văn bản để khi cơ quan truyền thông họ cần thì phải cung cấp văn bản đó, có thể cơ quan truyền thông không đến dự nhưng những văn bản kiểm tra phải lưu, để khi phóng viên, truyền thông đến hỏi thì cung cấp kết quả kiểm tra đó, tuy nhiên công bố ở mức độ nào thì do quyết định của cơ quan kiểm tra.

Thực hiện: Thiên Di

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến