Dòng sự kiện:
Sự thay đổi của Huawei trong chiến lược đối phó Mỹ
10/03/2019 11:52:47
Từng ít tiếp xúc với truyền thông, Huawei giờ mở nhiều cuộc gặp gỡ báo chí và thực hiện hành động pháp lý quyết liệt chống lại Mỹ.

Huawei họp báo tại Thâm Quyến ngày 7/3. Ảnh: AFP.

Người sáng lập tập đoàn viễn thông Huawei Nhậm Chính Phi vốn hiếm khi trò chuyện với các nhà báo. Nhưng trong những tuần gần đây, ông trả lời một loạt các cuộc phỏng vấn và bênh vực cho doanh nghiệp của mình tại Đại hội Thế giới Di động, triển lãm lớn nhất thế giới của ngành công nghiệp di động.

Huawei mua quảng cáo chiếm trọn một trang báo trên tờ Wall Street Journal. Tại New Zealand, nơi chính phủ đã ngăn công ty viễn thông nội địa hàng đầu của họ sử dụng thiết bị Huawei trong mạng 5G, Huawei đang chạy quảng cáo so sánh "5G mà không có Huawei" thì như "cuộc sống không bóng bầu dục".

Sự thay đổi chiến lược của Huawei được thể hiện rõ nhất vào ngày 7/3, khi doanh nghiệp mời các nhà báo đến trụ sở ở Thâm Quyến và tuyên bố họ kiện chính phủ Mỹ về luật cấm các cơ quan liên bang và nhà thầu Mỹ mua sản phẩm của họ, theo CNN.

"Quốc hội Mỹ không đưa ra bằng chứng để thể hiện các hạn chế của họ đối với sản phẩm Huawei là chính đáng", phó chủ tịch Huawei Quách Bình nói.

Quyết định nộp đơn kiện cho thấy Huawei sẵn sàng đối đầu với Mỹ khi Washington cố gắng thuyết phục các quốc gia khác rằng sử dụng thiết bị của công ty này cho mạng 5G sẽ đặt ra mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.

"Huawei không có bất lợi khi thách thức Mỹ", Duncan Clark, chuyên gia về lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc nói, giải thích rằng Washington từ lâu đã không mở rộng cửa với Huawei nên công ty này "không có nhiều thứ để mất ở Mỹ".

"Tuy nhiên, họ có nhiều thứ để mất ở châu Âu và các thị trường phát triển khác", Clark nhấn mạnh. Tại những nơi này, Huawei thiết lập "trung tâm minh bạch" cho phép khách hàng chạy các bài kiểm tra bảo mật trên các sản phẩm. Một trung tâm mới được mở tại Brussels trong tuần này.

Khi nhìn lại quá khứ, thật khó tưởng tượng Huawei lại có cách tiếp cận quyết liệt như vậy.

William Plummer, người làm việc 8 năm trong mảng quan hệ chính phủ và truyền thông cho Huawei, viết trong một cuốn sách vào năm ngoái rằng Huawei "hiếm khi nói chuyện với truyền thông và có tương tác không đáng kể với chính phủ".

Họ vẫn giữ phong cách đó ngay cả sau khi các nhà lập pháp Mỹ cảnh báo vào năm 2012 rằng các sản phẩm của Huawei "có thể làm suy yếu lợi ích an ninh quốc gia cốt lõi của Mỹ". Công ty bác bỏ cáo buộc nhưng các giám đốc của họ hiếm khi tranh luận công khai.

Plummer viết trong sách rằng với sự im ắng trên truyền thông này, Huawei "vô tình để những nỗi lo ngại và nghi ngờ được coi như sự thật".

Washington nghi ngờ rằng chính phủ Trung Quốc có thể sử dụng thiết bị Huawei để do thám các quốc gia khác nhưng không đưa ra bằng chứng cụ thể. Huawei nhiều lần bác bỏ cáo buộc.

Áp lực đối với tập đoàn Trung Quốc gia tăng đáng kể trong những tháng gần đây. Các công tố viên Mỹ đã nộp đơn kiện Huawei tại bang Washington và New York với cáo buộc rằng họ cố gắng đánh cắp bí mật thương mại từ T-Mobile và vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.

Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu bị bắt ở Canada vào tháng 12/2018 theo yêu cầu của Washington và đang đối mặt với nguy cơ bị dẫn độ sang Mỹ.

Đức và Anh đang xem xét nên áp đặt loại hạn chế nào đối với thiết bị của tập đoàn này. Australia đã cấm Huawei cung cấp công nghệ cho mạng 5G.

Chiến dịch kìm hãm Huawei của Mỹ và các hành động pháp lý đã khiến tập đoàn có phản ứng khác hẳn trước đây.

Ông Nhậm hồi tháng một lần đầu tiên nói chuyện với truyền thông nước ngoài trong ba năm. Ông nói rằng ông yêu nước và ủng hộ đảng Cộng sản Trung Quốc nhưng chưa bao giờ được yêu cầu chia sẻ "thông tin một cách không chính đáng" về các đối tác của Huawei.

Quách Bình ngày 7/3 nói rằng các quan chức Mỹ "đạo đức giả" và cáo buộc Mỹ "đã xâm nhập máy chủ, đánh cắp email và mã nguồn" của họ.

Plummer bình luận rằng Huawei "cuối cùng đã đứng lên chống lại các cáo buộc".

Giới chuyên gia đánh giá vụ kiện của Huawei có thể kéo dài đến vài năm và khả năng công ty thắng kiện là khá ít. Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Terry Branstad gọi động thái của họ là "không khôn ngoan".

Tuy nhiên, chiến lược quyết liệt của Huawei có thể giúp họ giành lại niềm tin từ các nước châu Âu. "Nếu Huawei muốn duy trì sự hiện diện ở phương Tây, họ phải đảm bảo với các khách hàng khác rằng họ không đáng bị lĩnh lệnh cấm", Eric Crusius, từ công ty luật Holland & Knight, bình luận.

Theo VnExpress

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến