Sửa đổi thông tư 36, kẻ khóc người cười
25/02/2016 06:48:08
ANTT.VN – Ngoài việc nới tỷ lệ LDR cho các “ông lớn” có công trong việc hỗ trợ tài cơ cấu hệ thống ngân hàng thời gian qua lên 90%, dự thảo sửa đổi thông tư 36 lần này lại khiến các doanh nghiệp bất động sản lo lắng khi vừa mới nhận được vài tín hiệu về phía cầu ấm dần lên.

Tin liên quan

Nới  LDR cho “công thần” trong tái cơ cấu

Ngân hàng Nhà nước đang dự kiến nâng tỷ lệ LDR (tỷ lệ dư nợ cho vay trên tổng tiền gửi) từ 80% lên 90%. Nếu được thông qua, đây được coi là “quà to” cho ba vị “công thần” (gồm Vietcombank Vietinbank và BIDV) vì đã tích cực tham gia hỗ trợ tái cơ cấu hệ thống ngân hàng trong thời gian qua.

Tỷ lệ LDR của ba "ông lớn" sẽ được nới lên 90%

Cụ thể, theo quy định hiện hành ở Thông tư 36 có hiệu lực từ ngày 1/2/2015, NHTM Nhà nước được áp tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi là 90%; các NHTM cổ phần (trong đó bao gồm cả Vietcombank, Vietinbank và BIDV), ngân hàng liên doanh và 100% vốn nước ngoài là 80%.

Còn theo dự thảo sửa đổi Thông tư 36, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 21, trong đó có bổ sung khái niệm NHTM cổ phần do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ (bao gồm Vietcombank, Vietinbank và BIDV) được áp tỷ lệ LDR là 90%.

Ngoài ba ông lớn kể trên, tỷ lệ LDR cho phép ở mức 90% cũng vẫn được áp dụng đối với các ngân hàng thương mại nhà nước như Agribank hay mới đây là các “ngân hàng 0 đồng” mà Ngân hàng Nhà nước đã mua lại, bao gồm Ngân hàng Đại Dương, Ngân hàng Xây Dựng và Ngân hàng Dầu khí Toàn Cầu.

Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến, việc nới tỷ lệ LDR tăng thêm 10% lại không có nhiều ý nghĩa trên tình hình thực tế.

Bởi lẽ, dữ liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước suốt thời gian qua cho thấy, khối ngân hàng có vốn Nhà nước trên 50% kể trên luôn có tỷ lệ LDR ở mức cao vượt trội; cập nhật gần nhất đến tháng 11/2015 ở mức 98,38%, trong khi giới hạn dự kiến trên chỉ 90%.

Trong khi đó, sau khi Thông tư 36 có hiệu lực, khối ngân hàng thương mại cổ phần gần như tuân thủ một cách đầy đủ và nghiêm túc, về số liệu báo cáo, khi duy trì LDR luôn thấp hơn giới hạn quy định 80%.

Bất động sản lo ngại

Theo CT chứng khoán Vietcombank, việc giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn, dài hạn của từng khối cho thấy định hướng hạn chế cấp tín dụng trung, dài hạn, giảm rủi ro thanh khoản và đồng thời, cũng giảm cho vay đối với lĩnh vực bất động sản (do các khoản vay này thường là vay trung – dài hạn) của NHNN.

Trong năm 2015, thị trường bất động sản có sự chuyển động mạnh mẽ và thu hút được một phần rất lớn các nguồn lực đa kênh đổ vào đây. Trong đó, có nguồn lực vốn đến từ tín dụng nhà băng.

Thông tư 36 sửa đổi sẽ siết cho vay tín dụng bất động sản 

Theo Vụ Tín dụng, các ngành kinh tế, tín dụng vào lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản liên tục có sự tăng trưởng trong thời gian qua (năm 2012 là 14%, năm 2013 là 14,7%, năm 2014 đạt 15,2%). Tốc độ tăng trưởng cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản trong 9 tháng đầu năm 2015 đạt 14,59% (cao hơn khoảng 2,5% so với tốc độ tăng trưởng tín dụng chung 9 tháng đầu năm 2014).

Tuy nhiên, dòng chảy tín dụng vào bất động sản vẫn được đánh giá là ở trong mức kiểm soát. Dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản đến cuối tháng 9/2015 chiếm tỷ trọng 8,05% tổng dư nợ tín dụng (9 tháng đầu năm 2014 là 7,86%). Dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản (tức không bao gồm cho vay mua nhà ở, vay cá nhân mua nhà trả góp, sửa nhà…) tập trung lớn nhất vào phân khúc xây dựng, sửa chữa, mua nhà, xây dựng đô thị và chiếm tới 60%.

TS Cấn Văn Lực – Chuyên gia Ngân hàng đánh giá đây không phải là tỷ trọng quá cao và vẫn đang ở mức an toàn.

Về việc giảm trần sử dụng nguồn vốn ngắn hạn xuống còn 40%, NHNN cho rằng, làm như vậy là để đảm bảo phù hợp với định hướng hạn chế cấp tín dụng trung dài hạn, giảm rủi ro thanh khoản; giảm tập trung cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản (BĐS).

Còn động thái thay đổi hệ số rủi ro của “Các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản” từ 150% lên 250%, NHNN muốn “phát đi tín hiệu” đối với thị trường và hệ thống ngân hàng nhằm kiểm soát rủi ro cho vay đối với lĩnh vực này.

Nếu dự thảo sửa đổi thông tư 36 lần này được thông qua, rõ ràng phía cầu bất động sản có thể chịu tác động xấu do dòng tiền sẽ bị hạn chế hơn rõ rệt so với giai đoạn trước, trong khi đó lượng cung hàng được đánh giá tương đối dồi dào, đặc biệt là phân khúc trung bình trở lên.

Hiểu Minh

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến