Dòng sự kiện:
Tháng 2/2015: Thông tư 36 đi vào thực tế
01/02/2015 16:05:10
ANTT.VN - Bắt đầu từ ngày 1/2/2015, thông tư 36/2014/NHNN quy định về các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chính thức có hiệu lực. Bên cạnh đó có hàng loạt thông tư do NHNN ban hành cũng bắt đầu đi vào thực tế.
 

Tin liên quan

 

Giới hạn tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng

Từ ngày 1/2/2015, Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bắt đầu có hiệu lực.

Thông tư 36 sẽ thay thế một loạt các văn bản từng gây chú ý trên thị trường trước đây như Quyết định 03 về giới hạn cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán, Thông tư 13 về các tỷ lệ an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng…

Bắt đầu từ tháng 2/2015, Thông tư 36 bắt đầu có hiệu lực siết chặt tỷ lệ an toàn vốn tại các tổ chức tín dụng

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trừ công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính) phải duy trì tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi như sau: Ngân hàng thương mại nhà nước, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ngoài: 90%. Ngân hàng hợp tác xã, ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài: 80%.

Điều 20 của Thông tư 36 cho phép những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% mới được quyền mua và nắm giữ cổ phiếu tại các tổ chức tín dụng (TCTD) khác. Thêm vào đó, mỗi ngân hàng thương mại (NHTM) chỉ được nắm giữ cổ phiếu của tối đa không quá  2 TCTD khác, trừ trường hợp TCTD khác là công ty con của ngân hàng đó.

Đồng thời, tỷ lệ nắm giữ tại TCTD khác phải dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết của TCTD khác đó và không được cử người tham gia HĐQT của TCTD mà ngân hàng mua cổ phần, trừ trường hợp TCTD đó là công ty con của ngân hàng hoặc ngân hàng thương mại tham gia tái cơ cấu, xử lý TCTD yếu kém theo chỉ thị của NHNN.

Thủ tục cho nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam

Từ ngày 1/2/2015, Thông tư 38/2014/TT-NHNN về hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận việc nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam bắt đầu có hiệu lực.

Theo đó, trong 30 ngày, từ ngày cấp có thẩm quyền chấp thuận NĐT nước ngoài mua cổ phần của TCTD thì NĐT phải chuyển đủ số tiền đã đăng ký mua vào tài khoản đầu tư gián tiếp phong tỏa bằng VND tại một TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được hoạt động và cung ứng dịch vụ ngoại hối theo quy định.

Trường hợp mua cổ phần của TCTD đã niêm yết trên thị trường chứng khoán, NĐT nước ngoài phải có đủ tiền trên tài khoản trước khi đặt lệnh giao dịch.

Ngoài ra, khi NĐT nước ngoài mua cổ phần của TCTD yếu kém, hồ sơ cần bổ sung văn bản cam kết gắn bó lợi ích lâu dài với TCTD yếu kém, hỗ trợ trong việc áp dụng công nghệ hiện đại…

Tiêu chuẩn giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tiền tệ - ngân hàng

Ngày 29/12/2014, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 44/2014/TT-NHNN về giám định tư pháp trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.

Theo đó, tiêu chuẩn chung bổ nhiệm giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng là tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 7 của Luật giám định tư pháp và không thuộc trường hợp không được bổ nhiệm.

Trong đó, quy định "đã qua thực tế hoạt động chuyên môn ở lĩnh vực được đào tạo từ đủ 5 năm trở lên" là đã có thời gian trực tiếp làm công tác chuyên môn ở lĩnh vực được đào tạo từ đủ 5 năm trở lên từ ngày bổ nhiệm ngạch công chức, viên chức hoặc ký hợp đồng lao động.

Thông tư 44/2014/NHNN quy định tiêu chuẩn trở thành giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tài chính ngân hàng

Riêng giám định viên tư pháp trong lĩnh vực ngân hàng phải có trình độ đại học trở lên thuộc một trong các lĩnh vực: ngân hàng, tài chính, kế toán, kinh tế, luật. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 12/02/2015.

Hướng dẫn thi đua, khen thưởng ngành Ngân hàng

Ngày 7/1/2015, Ngân hàng nhà nước vừa ban hành Thông tư 02/2015/TT-NHNN hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng ngành Ngân hàng.

Theo đó, cá nhân được xét nhận “Bằng khen của Thống đốc” phải đáp ứng một trong các tiêu chuẩn sau:

Hai năm liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc có thành tích xuất sắc được bình xét tại phong trào thi đua, trong thời gian đó có 2 sáng kiến cấp cơ sở được công nhận và có khả năng áp dụng hiệu quả.

Lập nhiều thành tích có phạm vi ảnh hưởng trong lĩnh vực hoạt động ngành Ngân hàng. Lập thành tích xuất sắc đột xuất.

Đối với danh hiệu “Anh hùng lao động” thì tổ chức xét 5 năm một lần vào Đại hội thi đua yêu nước trừ khi có thành tích đặc biệt xuất sắc đột xuất.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 23/02/2015 và thay thế Thông tư 36/2011/TT-NHNN.

Hoa Liên

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến