Dòng sự kiện:
Tái cơ cấu ngân hàng: Điểm sáng trong tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế
07/11/2014 16:28:23
ANTT.VN - “Việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thời gian qua được triển khai quyết liệt, đúng lộ trình và là điểm sáng trong tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế. Nhờ các biện pháp cơ cấu lại tổ chức tín dụng cùng với điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, tăng cường quản lý thị trường tiền tệ, an toàn của hệ thống tín dụng được bảo đảm, nguy cơ gây đổ vỡ, mất an toàn hệ thống đã được đẩy lùi. Khả năng chi trả của tổng tín dụng được cải thiện, tài sản của nhà nước và tiền gửi của nhân dân được an toàn.” Đó là phát của đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (TP.Cần Thơ) thảo luận tại Hội trường ngày 1/11/2014 về việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng.

Tin liên quan

ĐBQH Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ)

ĐBQH Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ): "Việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thời gian qua được triển khai quyết liệt, đúng lộ trình và là điểm sáng trong tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế"

Đúng hướng, kết quả rõ rệt

“Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là đúng hướng và kết quả rõ rệt, chính sách tiền tệ ổn định, hệ thống ngân hàng tham gia tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người kinh doanh, sản xuất có trách nhiệm hơn”, Đại biểu Nguyễn Thế Tuy - Lạng Sơn nhấn mạnh khi đánh giá về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.

Ông Tuy cho biết thêm, đặc biệt với chỉ đạo của Thống đốc ngân hàng nhà nước, tất cả những cuộc tiếp xúc cử tri của đoàn đại biểu Quốc hội, của đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp ở Lạng Sơn có thành phần của các ngân hàng tham gia để trực tiếp có thể tháo gỡ, giải đáp những thắc mắc, khó khăn, những yêu cầu của cư tri. “Việc giữ được giá của đồng tiền Việt Nam, ổn định thị trường vàng cũng đã tạo được ổn định cho nền kinh tế và đặc biệt tạo ra tâm lý yên tâm cho xã hội. Thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế và sự nỗ lực của ngành điện đã giảm được nhiều thủ tục trong phát triển kinh doanh, đáp ứng tốt hơn vấn đề điện cho sản xuất cũng như trong đời sống của nhân dân” ông Tuy nói.

“Ngân hàng nhà nước đã kiểm soát được tình hình của các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém, khả năng chi trả của các ngân hàng yếu kém được cải thiện đáng kể, tài sản của nhà nước và quyền lợi của người gửi tiền được bảo đảm” Đại biểu Trịnh Ngọc Phương - Tây Ninh  khẳng định khi đánh giá về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.

Ông Phương cho biết thêm, sau 2 năm triển khai chủ động quyết liệt, đồng bộ, các giải pháp cơ cấu lại các tổ chức tín dụng đến nay đã được một số kết quả tích cực.Thứ nhất, từng bước lập lại trật tự kỷ cương trong thị trường tiền tệ, thị trường vàng và ngoại hối từng bước ổn định và trong tầm kiểm soát của Ngân hàng nhà nước. Thứ hai, rủi ro do hệ thống giảm dần an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng và khả năng chi trả của các tổ chức tín dụng được cải thiện, cơ cấu nguồn vốn dịch chuyển ổn định, các tổ chức tín dụng ít phụ thuộc vào nguồn vốn thị trường.

 Đồng quan điểm này, Đại biểu Huỳnh Văn Tính - Tiền Giang  khẳng định, việc thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, giúp hoạt động ngân hàng từng bước được cơ cấu lại theo hướng lành mạnh. Thanh khoản của hệ thống thương mại được bảo đảm, lãi suất liên ngân hàng được duy trì ổn định, xử lý căn bản với tổ chức tín dụng hoạt động yếu kém, không hiệu quả.

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

“Những kết quả đạt được ban đầu về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng góp phần quan trọng trong việc ổn định hệ thống tài chính, kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ điều hành chính sách tiền tệ và tạo cơ sở đẩy nhanh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng trong giai đoạn tiếp theo”, Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền - Lâm Đồng khẳng định. Ông Thuyền cho biết, Thống đốc NHNN rất quyết liệt, các buổi tiếp xúc cử tri đều cử các ngân hàng đi theo để giải quyết những vướng mắc từ cơ sở cho doanh nghiệp, tôi cho rằng bộ nào cũng làm được như vậy thì rất hay.

Đồng tình với ý kiến trên, Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương - Ninh Thuận cho rằng, các tổ chức tín dụng đã được đổi mới, nâng cao hệ thống quản trị, điều hành, hệ thống kiểm toán nội bộ, rà soát, kiện toàn bộ máy, sắp lại hệ thống mạng lưới, cơ cấu lại hoạt động kinh doanh. Từng bước định hướng chiến lược kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường công nghệ thông tin, hiện đại hóa công nghệ của ngân hàng.

“Trong đó đã tập trung chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung vốn cho các lĩnh vực sản xuất, hỗ trợ, giảm bớt khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế. Đặc biệt nguốn vốn đầu tư cho  nông nghiệp, nông thôn từng bước cơ cấu lại vốn theo hướng nâng cao tỷ trọng nguồn vốn ổn định có kỳ hạn dài hơn, giảm mức độ phụ thuộc vào nguồn vốn, huy động thị trường liên ngân hàng, từng bước chuyển rộng mô hình kinh doanh theo hướng giảm bớt phụ thuộc vào hoạt động tín dụng và tăng nguồn thu từ hoạt động phi tín dụng”, Đại biểu Cương phân tích.

Tháo gỡ khó khăn cho xử lý nợ xấu

Đề cập tới vấn đề xử lý nợ xấu, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng, NHNN, các TCTD đã chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp kiềm chế nợ xấu. Nhờ đó, nợ xấu đã được xử lý một bước, tốc độ tăng trưởng nợ xấu chậm lại, DN tiếp tục được vay vốn ngân hàng và lãi suất hợp lý, góp phần giảm bớt chi phí hoạt động cho khách hàng vay do không phải chịu lãi suất quá hạn và được vay với lãi suất thấp hơn.

Đặc biệt, theo đại biểu Nguyễn Bá Thuyền, mặc dù mô hình của VAMC chưa từng có trong tiền lệ, nhưng bước đầu đã phát huy hiệu quả tích cực trong việc xử lý nợ xấu của hệ thống TCTD và hỗ trợ khó khăn cho khách hàng, qua đó khẳng định tính đúng đắn của việc lựa chọn công cụ này trong việc xử lý nợ xấu

 Đồng tình với quan điểm của Đại biểu Thuyền, Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương - Ninh Thuận cho rằng “Ngân hàng nhà nước đã xác định một cách đúng đắn về bản chất và các giải pháp để xử lý nợ xấu, các giải pháp đưa ra hết sức phù hợp. Tôi cũng hoàn toàn nhất trí với đại biểu Thuyền cũng như đại biểu Hải của Hà Giang đã phát biểu trong phiên thảo luận kinh tế - xã hội, cho rằng nếu như coi việc xử lý nợ xấu là chỉ trông chờ vào cố gắng của ngân hàng là không đủ. “Bởi nợ xấu là vấn đề của nền kinh tế và đòi hỏi sự tham gia nỗ lực của các ngành, các cấp, các giải pháp được đặt ra và được triển khai cách đồng bộ thì việc xử lý nợ xấu mới được triệt để và đạt được kết quả như mong muốn”, Đại biểu Cương nhấn mạnh.

Còn Đại biểu Phùng Văn Hùng - Cao Bằng cho rằng, đối với lĩnh vực ngân hàng, thành công lớn nhất là ta đã đẩy lùi được nguy cơ đổ vỡ của những ngân hàng yếu kém. Các giải pháp cơ cấu lại ngân hàng, cơ cấu lại nợ xấu, trích quỹ dự phòng rủi ro, bán nợ cho VAMC kết hợp với những chính sách tiền tệ thích hợp đã góp phần đáng kể vào quá trình phục hồi kinh tế. “Vấn đề nợ xấu, mua bán nợ xấu cũng là một lĩnh vực kinh doanh có thể thu hút được các nhà đầu tư trong và ngoài nước nếu có cơ chế phù hợp. Tôi đề nghị Chính phủ xây dựng cơ chế, chính sách phát triển thị trường mua bán nợ phù hợp với thông lệ quốc tế để thu hút được các nguồn lực không nhỏ từ xã hội”, Đại biểu Hùng chia sẻ.

Thảo luận tại hội trường về việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng ngày 1/11, nhiều đại biểu Quốc hội khẳng định, tái cơ cấu hệt thống các TCTD đã được NHNN triển khai quyết liệt, đúng hướng, đúng lộ trình và là điểm sáng trong tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế. Những kết quả đạt được ban đầu về cơ cấu lại các TCTD đã góp phần quan trọng trong việc ổn định hệ thống tài chính, kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ điều hành chính sách tiền tệ và tạo cơ sở để đẩy nhanh cơ cấu lại các TCTD trong giai đoạn tiếp theo.

Đã phê duyệt 8/9 phương án cơ cấu lại của các NHTM cổ phần yếu kém. Việc cơ cấu lại được triển khai trong tất cả các TCTD, an toàn hệ thống các TCTD được bảo đảm và khả năng chi trả của các TCTD được cải thiện. Các NHTM nhà nước tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt và chi phối thị trường theo định hướng nêu trong Đề án tái cơ cấu. Đang tiến hành rà soát, đánh giá xác định và xem xét cho giải thể, phá sản một số TCTD phi ngân hàng. Hoạt động của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân bảo đảm an toàn và thực hiện tốt vai trò tương trợ giữa các thành viên, góp phần hạn chế nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn.

Xử lý nợ xấu NHTM đạt được kết quả ban đầu: Từ năm 2012 đến tháng 8/2014, toàn hệ thống đã xử lý được 214.000 tỷ đồng nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu của hệ thống năm 2012: 4,08% tổng dư nợ, năm 2013: 3,61%, đến tháng 8/2014: 3,9%. Ngoài ra, còn có 316.200 tỷ đồng giữ nguyên nhóm nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Tính đến cuối tháng 9/2014, VAMC đã mua nợ xấu với tổng nợ gốc là 82.800 tỷ đồng từ các TCTD, bán được 1.400 tỷ đồng nợ xấu.

(Trích báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “Việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015”).

Ngọc Quyết

 

 

 

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến