Dòng sự kiện:
Tại sao MB không tăng vốn lên 15.500 tỷ đồng như kế hoạch?
06/01/2015 14:11:32
ANTT.VN – Đối chiếu với thời gian dự kiến được nêu trong phương án thì tiến trình tăng vốn của MB đã có “đôi chút thay đổi”; thay vì mức vốn điều lệ 15.500 tỷ đồng như theo lộ tình dự kiến, thì kết niên tài chính 2014, nhà băng có sự đãi ngộ cao bậc nhất hệ thống này mới chỉ hoàn thiện được “bước một” với 338/2.243 tỷ đồng kế hoạch 2014.

Tin liên quan

MB đề ra mục tiêu tăng vốn điều lệ lên 15.500 tỷ đồng

MB đề ra mục tiêu tăng vốn điều lệ lên 15.500 tỷ đồng

Tăng vốn điều lệ lên 15.500 tỷ đồng: Thực tế và kế hoạch

Ngày 25/12/2014, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Quyết định số 2736/QĐ-NHNN về việc sửa đổi nội dung Giấy phép hoạt động của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB).

Theo đó, Thống đốc NHNN quyết định sửa đổi Khoản c Điều 1 Quyết định số 194/QĐ-NH5 ngày 14/9/1994, Điểm 4 Giấy phép hoạt động số 0054/NH-GP ngày 14/9/1994 của Thống đốc NHNN cấp cho MB thành: “Vốn điều lệ: 11.593.937.500.000 đồng (Mười một nghìn năm trăm chín mươi ba tỷ chín trăm ba mươi bảy triệu năm trăm nghìn đồng)”.

Trước đó, ngày 20/8/2014, NHNN đã chấp thuận việc MB tăng vốn điều lệ từ 11.256.250.000.000 đồng lên 11.593.937.500.000 đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu của MB theo phương án tăng vốn điều lệ đã được thông qua tại Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông MB số 09/NQ-MB-ĐHĐCĐ ngày 23/4/2014 và Nghị quyết Hội đồng quản trị MB số 36/NQ-MB-HĐQT –TT ngày 13/6/2014.

Đối chiếu với Phương án tăng vốn điều lệ từ 11.256,25 tỷ đồng lên 15.500 tỷ đồng đã được ĐHĐCĐ Ngân hàng TMCP Quân đội thông qua tại Đại hội Cổ đông ngày 23/04/2014, thì mức tăng 337,6875 tỷ đồng trên hoàn toàn khớp với lộ trình tăng vốn “Đợt 1: Tăng vốn điều lệ thêm 337,6875 tỷ đồng thông qua việc phát hành 33.768.750 cổ phiếu để trả cổ tức đợt 2 năm 2013”.

Theo phương án tăng vốn được nêu tại Tờ trình số 255/TTr-MB-HĐQT của Ngân hàng TMCP Quân đội ngày 8 tháng 4 năm 2014 thì nguồn thực hiện phát hành cổ phiếu trả cổ tức được lấy từ lợi nhuận sau thuế còn lại của MB năm 2013 sau trích lập các quỹ, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật.

Cũng theo phương án trên, đợt 2, MB sẽ tăng vốn điều lệ thêm 3.906,0625 tỷ đồng thông qua việc chào bán 390.606.250 cổ phiếu. Đối tượng chào bán là các Cổ đông chiến lược/Đối tác chiến lược trong nước và nước ngoài với giá cổ phiếu chào bán là giá thỏa thuận có chiết giảm (mức giảm tối đa 25% giá thị trường nhưng không thấp hơn mệnh giá). Thời gian thực hiện được dự kiến là từ Quý III/2014 – Quý IV/2014.

Theo kế hoạch sử dụng vốn thu được, toàn bộ số tiền thu được từ các đợt phát hành cổ phiếu đạt tối thiểu 4.243,75 tỷ đồng sẽ được phân bổ vào 4 khoản mục: Đầu tư tăng năng lực 1.028 tỷ đồng (Đầu tư mở rộng trụ sở, vật kiến trúc 899 tỷ đồng; Đầu tư công nghệ và trang thiết bị khác 129 tỷ đồng); Bổ sung vốn góp công ty con 400 tỷ đồng; Bổ sung vốn góp đầu tư dài hạn 584 tỷ đồng; Bổ sung vốn đầu tư trái phiếu thanh khoản 1000 tỷ đồng; Bổ sung vốn kinh doanh khác 1.231,75 tỷ đồng.

So sánh giữa các chỉ tiêu kinh doanh 2013 và kế hoạch 2014 sau tăng vốn

Như vậy, so sánh với thời gian dự kiến được nêu trong phương án thì tiến trình tăng vốn của MB đã có “đôi chút thay đổi”; thay vì mức vốn điều lệ 15.500 tỷ đồng như theo lộ tình dự kiến, thì kết niên tài chính 2014, nhà băng có sự đãi ngộ cao bậc nhất hệ thống này mới chỉ hoàn thiện được “bước một” với 338/4.243 tỷ đồng kế hoạch 2014.

“Thời gian thực hiện cụ thể sẽ do Hội đồng Quản trị MB quyết định trên cơ sở Giấy phép/Chấp thuận của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền và điều kiện thị trường phù hợp” Tờ trình HĐQT MB v/v thông qua Phương án tăng vốn điều lệ cũng đã ghi rõ, nhưng đâu là “điều kiện thị trường chưa phù hợp” để MB chưa thực hiện nốt Đợt 2?

Quan hệ biện chứng giữa Thông tư 36 và lộ trình tăng vốn của MB

Thông tư 36/2014/TT-NHNN được NHNN ban hành ngày 20/11/2014 và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/02/2015 chính là một cản trở không nhỏ đối với tiến trình tăng vốn của các ngân hàng, trong đó có MB.

Điều 20 của Thông tư 36 quy định chỉ những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% mới được quyền mua và nắm giữ cổ phiếu tại các tổ chức tín dụng (TCTD) khác. Thêm vào đó, mỗi ngân hàng thương mại (NHTM) chỉ được nắm giữ cổ phiếu của tối đa không quá  2 TCTD khác, trừ trường hợp TCTD khác là công ty con của ngân hàng đó. Đồng thời, tỷ lệ nắm giữ tại TCTD khác phải dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết của TCTD khác đó và không được cử người tham gia HĐQT của TCTD mà ngân hàng mua cổ phần, trừ trường hợp TCTD đó là công ty con của ngân hàng hoặc ngân hàng thương mại tham gia tái cơ cấu, xử lý TCTD yếu kém theo chỉ thị của NHNN.

Cơ cấu cổ đông của Ngân hàng Quân đội

Cơ cấu cổ đông của Ngân hàng Quân đội

Tuy nhiên, theo Cáo bạch gần nhất của NH TMCP Quân đội, trong 3 cổ đông lớn nhất của ngân hàng này thì đã có tới 2 cái tên cũng là các nhà băng và đều nắm giữ tỷ lệ sở hữu trên 5%. Đó là Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank) với tỷ lệ sở hữu 9,95% và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với tỷ lệ sở hữu 9,59%; cổ đông lớn nhất của MB là Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) với tỷ lệ sở hữu 15%. Bản thân MB cũng đang sở hữu 8,8 triệu cổ phiếu của Công ty Tài chính cổ phần Sông Đà (SDF).

Như vậy, chiểu theo Thông tư 36, rõ ràng cả Vietcombank và MaritimeBank đều sẽ phải thoái vốn một phần hoặc toàn bộ cổ phần tại MB để đưa tỷ lệ sở hữu về dưới 5% theo chuẩn mới. Hiện tại, bản thân bộ đôi đại cổ đông này lại cũng đang rất “vướng” với “đơn thuốc liều cao” Thông tư 36. Cụ thể, Vietcombank hiện đang sở hữu cổ phần ít nhất của 5 TCTD gồm MB (9,6%), OCB (5,1%), Eximbank (8,2%), SaigonBank và Công ty tài chính Xi măng CFC (10,9%); Maritime Bank hiện cũng đang đầu tư vào MB (9,9%), MD Bank (10,2%), Tài chính Dệt may (11%).

Việc thoái vốn của Vietcombank và MaritimeBank (bắt buộc) rõ ràng sẽ có những tác động không nhỏ tới dòng vốn của chủ thể MB. Và trong bối cảnh thị trường hiện nay, việc phối hợp giữa các bên để tìm kiếm một đối tác chiến lược, nhượng lại cổ phần MBB tất nhiên cũng không phải là chuyện dễ dàng. Thậm chí, MB với tỷ lệ nợ xấu 3,09% (thời điểm công bố 30/09/2014) nếu không xử lý kịp thời thì theo quy định mới sẽ còn phải thoái toàn bộ vốn tại SDF.

Sẵn sàng chào bán cổ phiếu cho các cổ đông chiến lược/đối tác chiến lược với giá chỉ bằng 75% giá thị trường, nhưng, bước thứ 2 trong bài toán tăng vốn điều lệ của MB chắc chắn chẳng thể đi trên con đường trải đầy hoa.

"Hiện nay tìm nhà đầu tư rất khó khăn, chủ trương của HĐQT là làm sao giảm giá cổ phần bán cho cổ đông chiến lược nhưng không thấp hơn mệnh giá, đồng thời yêu cầu cổ đông mới mang lại giá trị mới như năng lực quản trị, đầu tư công nghệ, tăng giá trị thương hiệu của ngân hàng lên", người viết xin kết bài bằng phát biểu của TGĐ MB Lê Công khi giải thích cho các cổ đông về lý do chào giá MBB thấp hơn giá thị trường tại Đại hội Cổ đông vào tháng 4/2014.

N.G

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến