Tân Hiệp Phát luôn đứng về phía khách hàng!
06/02/2015 10:06:43
ANTT.VN - Liên quan đến chai Number One có con ruồi trị giá 500 triệu, cơ quan chức năng sẽ tiến hành trưng cầu giám định chai nước này.

Tin liên quan


Trả lời phóng viên ANTT, đại diện của Tân Hiệp Phát cho biết, qúa trình sản xuất nước ngọt của Tân Hiệp Phát được áp dụng theo quy trình khép kín của Châu Âu. Do vậy mà sẽ không thể có tình trạng có côn trùng trong nước uống được. 

Trường hợp của anh Võ Văn Minh (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) doanh nghiệp này cũng đã có thỏa thuận trước đó nhưng anh Minh vẫn muốn Tân Hiệp Phát “chi” nửa tỷ để giữ trong im lặng. Việc phải báo cơ quan điều tra là điều mà doanh nghiệp “không mong muốn”. Phương châm của doanh nghiệp luôn đứng về phía khách hàng trong mọi trường hợp để phục vụ.

Anh Minh bị cơ quan công an tạm giam

Cũng theo đại diện của Tân Hiệp Phát, trường hợp năm 2012 của anh Trần Quốc Tuấn (Bình Thạnh) có liên quan đến vụ việc chai trà xanh có con gián bên trong sản phẩm của tập đoàn là do có sự tác động từ bên ngoài. Vì vậy, mà sự việc của anh Minh cũng đang chờ thông tin từ phía các cơ quan chức năng.

Trả lời trên báo Tuổi trẻ, bà Nguyễn Thị Ánh - Phó viện trưởng Viện KSND tỉnh Tiền Giang - cho biết cơ quan đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với Võ Văn Minh (ngụ xã An Cư, huyện Cái Bè, Tiền Giang) về hành vi cưỡng đoạt tài sản theo điều 135 Bộ luật hình sự, thời gian tạm giam là 111 ngày (đã trừ thời gian tạm giữ khi bị bắt quả tang ngày 27/1).

Liên quan đến chai Number One có con ruồi, bà Ánh cho biết cơ quan điều tra sẽ tiến hành trưng cầu giám định xem con ruồi đó có sẵn trong chai trước khi Minh đem về bán và phản ảnh với Công ty Tân Hiệp Phát để vòi tiền hay là có tác nhân bên ngoài đưa vào. Từ kết quả giám định này cơ quan điều tra mới có hướng xử lý tiếp theo.

Theo luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), nếu con ruồi trong chai nước uống Number One của Công ty Tân Hiệp Phát là có thật thì đây là vấn đề dân sự.

Nếu là vấn đề dân sự, khách hàng có quyền thỏa thuận tiền với công ty sản xuất sản phẩm. Điều này hoàn toàn không có dấu hiệu hình sự. Nếu phía công ty làm ăn chính đáng, đàng hoàng thì họ phải thương lượng với anh này. Nếu không thương lượng được thì các bên ra tòa án giải quyết. Còn nếu anh này tạo ra con ruồi rồi tống tiền doanh nghiệp thì mới có dấu hiệu hình sự của tội “Cưỡng đoạt tài sản”.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia rượu giải khát Việt Nam nên giải quyết vấn đề theo hướng nhân văn

Với trường hợp đã xảy ra của Tân Hiệp Phát, nếu các bên cùng chọn một cách nghĩ có văn hóa, từ đó lựa chọn cách giải quyết vấn đề bằng một tinh thần nhân văn hơn thì chuyện đáng tiếc có lẽ đã không xảy ra.

Lẽ ra khi người tiêu dùng chưa am hiểu hết quy định, vốn đã được ghi trong Luật bảo vệ người tiêu dùng, thì nhà sản xuất - vốn có những lợi thế nhất định hơn về việc tiếp cận các quy định của pháp luật - cần kiên trì giải thích cho họ hiểu thêm, hiểu đến khi nào đi đến được các thỏa thuận hợp tình, hợp lý thì tốt biết mấy.
Vì trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm hiện nay, luôn có một quy trình chuẩn để xử lý cho các tình huống sản phẩm lỗi, hư hỏng xảy ra trong quá trình sản xuất.

Là doanh nghiệp, đương nhiên phải nắm rõ quy trình này. Là doanh nghiệp có hiểu biết thì càng không thể chọn giải pháp “hứa hẹn” với người tiêu dùng để giải quyết vấn đề khi có sự cố xảy ra.

( PGS.TS Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia rượu giải khát Việt Nam)

 

Thu Thủy

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến