Dòng sự kiện:
Tản mạn chuyện tặng quà
09/01/2017 09:44:46
Cuối năm thường là dịp để doanh nghiệp tặng quà cho đối tác, khách hàng, nhưng nhiều chuyện tặng quà và món quà tặng lại trở thành nỗi khổ tâm cho cả người tặng quà lẫn người được tặng.

Tin liên quan

Mới đây, một doanh nhân đã lặn lội từ miền Trung đến sân bay Tân Sơn Nhất ngồi chờ hàng giờ liền chỉ để có vài phút ngắn ngủi bắt tay và tặng quà cho sếp lớn của một tập đoàn đa quốc gia mà ông muốn kết nối làm ăn lâu dài.

Khi đối tác vừa xuất hiện với người nhà cùng lỉnh kỉnh mấy cái va li hành lý, ông bước đến với món quà tặng là một pho tượng đá nặng hơn chục kí lô gam khắc hình con vật mà ông nghĩ là biểu tượng của công ty đối tác. Màn chào hỏi diễn ra nhanh chóng, nhưng đến khi giới thiệu món quà thì vị sếp người nước ngoài hơi khựng lại trước cái thùng xốp to đùng nằm trên xe đẩy. Có lẽ ông băn khoăn làm sao để mang món quà cồng kềnh và nặng nề này đi suốt mấy ngày công tác kết hợp du lịch cùng gia đình ở một số tỉnh của Việt Nam rồi lại mang về đặt trong văn phòng ở Thái Lan như mong muốn của người tặng quà. Chưa kể, có vẻ như người tặng chưa tìm hiểu rõ về công ty đối tác nên con vật được tạc tượng không phải là biểu tượng của công ty vì thiếu đôi cánh cách điệu.

Gần Tết, để gửi quà cho khách hàng thân thiết, một ngân hàng gửi thư đến khách với nội dung cảm ơn ông/bà A, B, C đã gắn bó với ngân hàng, mời ông/bà đến chi nhánh D, E, F để nhận quà tặng là... lịch năm mới.

Chắc chẳng có mấy người lại cất công đi đến ngân hàng chỉ để lấy lịch. Ngân hàng này, thay vì gửi thư mời khách đi nhận lịch sao không gửi tờ lịch đến khách hàng như một lời chúc mừng năm mới? Làm như vậy sẽ khiến người nhận quà thấy mình được quan tâm chứ không phải mang cái cảm giác: “À, nó biểu mình muốn có quà thì phải đến lấy”.

Một ngân hàng khác chăm sóc khách hàng khá chu đáo. Anh nhân viên phụ trách chi nhánh ở huyện nọ theo sát những khách hàng có số tiền gửi lớn, cả những dịp gia đình khách có đại hỷ như cưới hỏi hay mừng thọ, anh cũng biết để mà hỏi han.

Nhân viên này có vẻ rất thích chữ nên trong mấy năm nay, cứ mỗi lần đôi vợ chồng già là khách hàng thường xuyên tổ chức tiệc mừng thọ, anh lại mang tặng một bức thư pháp. Các cụ mắt kém lại vốn là nông dân suốt cả một đời, có số tiền lớn gửi ngân hàng là nhờ bán những mảnh đất tích tụ mấy chục năm chứ không phải người học nhiều hay chữ, do vậy, dù rất cố gắng, cũng chỉ nhìn được mấy dòng chữ uốn lượn đó là chữ gì, chứ không cảm nhận được hết cái đẹp, cái hay của thư pháp.

Thế là sau vài bữa được hiện diện trên tường (chắc cho đỡ ngại với người tặng), món quà được đóng khung gỗ tươm tất ấy đã được cất vào gầm giường, dành chỗ để các cụ treo hình con cháu cho vui vẻ.

Một hãng kinh doanh sữa bột cho trẻ em muốn giới thiệu sản phẩm và lấy ý kiến của khách hàng đã kết hợp với mấy trường học tặng sữa cho trẻ đang học ở trường. Mấy ngày sau khi gửi quà, khi nhân viên công ty lần lượt liên hệ với phụ huynh để lấy ý kiến đánh giá chất lượng sản phẩm và mời mua thêm thì nhận được những thông tin hết sức phũ phàng. Những hộp sữa tặng có giá bán lên đến 500.000 đồng/hộp đó đã được phụ huynh đem cho người khác hoặc vẫn để nguyên trong giỏ xách, chưa hề mở nắp, bởi loại sữa này dành cho trẻ em từ 2 tuổi trở lên trong khi những đứa bé được tặng quà lại chưa đến 1 tuổi. Thế nên, phụ huynh - những khách hàng tiềm năng mà nhà sản xuất nhắm đến, còn chưa biết sữa có màu gì nên không thể đánh giá được độ tan, độ béo hay mùi vị của sữa. Vì thế, hãng này đã tốn công sức và tiền bạc cho chương trình vì đã gửi tặng khách món quà không thích hợp.

Tặng quà, đâu phải là chuyện dễ!

Theo TBKTSG 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến