Kể từ khi khởi sắc trở lại từ đầu quí tư năm ngoái, VN-Index luôn biến động tỷ lệ thuận với những diễn biến trên thị trường tài chính quốc tế, đặc biệt chịu ảnh hưởng sâu sắc của thị trường chứng khoán Mỹ, Trung Quốc. Tuần trước, sau khi vượt qua mốc 1.000 điểm, thị trường đã buộc phải lùi trở lại khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất và chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang.
Việc nâng lãi suất của Fed đã được dự báo từ trước và nó đã được phản ánh vào giá chứng khoán không chỉ của Mỹ mà nhiều quốc gia khác. Tuy nhiên, điều mà giới đầu tư không ngờ là phản ứng của thị trường đối với lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ đã vượt qua mọi dự đoán. Dow Jones sau khi tiến sát mốc 27.000 điểm - cao nhất mọi thời đại - đã điều chỉnh. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc đỏ lửa. So với mức cao nhất thiết lập vào cuối tháng 1-2018, chỉ số sàn Shanghai hiện đã giảm 24%. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc liên tục có những động thái mạnh để hỗ trợ thị trường như cho phép các quỹ đầu tư có vốn của chính phủ mua vào cổ phiếu, hạ dự trữ bắt buộc để giúp các ngân hàng cải thiện thanh khoản và giúp doanh nghiệp trả các khoản nợ đến hạn. Mới nhất Trung Quốc đã quyết định hạ thêm 1% dự trữ bắt buộc từ giữa tháng 10 này, nhằm bơm ra thị trường lượng tiền khổng lồ gần 103 tỉ đô la Mỹ.
Tất nhiên với những đợt “tiếp máu” nặng ký như vậy, đồng nhân tệ không thể không mất giá so với đô la Mỹ. Tuần này, có thời điểm đồng tệ đã rơi về 6,93 tệ đổi 1 đô la, tức rớt giá 8,28% trong bốn tháng (từ giữa tháng 6-2018 đến nay) - tốc độ giảm giá nhanh nhất trong nhiều thập kỷ qua. Đang có những dự báo của các ngân hàng đầu tư hàng đầu trên phố Wall về việc tỷ giá đồng tệ/đô la Mỹ sẽ nhanh chóng chạm ngưỡng 7,4 tệ/đô la Mỹ.
Ở trong nước tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng niêm yết bán ra của nhiều ngân hàng đã vượt 23.400 đồng, chỉ còn cách trần 3 đồng. Ngân hàng Nhà nước đầu tuần này lại bắt đầu một đợt bán ngoại tệ cho các ngân hàng thương mại có nhu cầu chính đáng ở mức 23.355 đồng/đô la Mỹ. Ngày thứ Hai 8-10-2018, Ngân hàng Nhà nước bán ra khoảng 600 triệu đô la Mỹ. Mức bán những ngày tiếp theo sẽ phụ thuộc vào nhu cầu đăng ký mua của các tổ chức tín dụng. Với những đợt bán dạng này, có thể thấy chủ định rõ ràng của nhà điều hành là thỏa mãn nhu cầu thị trường trước, sau đó sẽ mạnh tay hơn với tỷ giá hối đoái tùy theo diễn biến thị trường bên ngoài cũng như cán cân thương mại.
Dựa trên tham khảo ý kiến của một số ngân hàng, cá nhân người viết bài này cho rằng khả năng tỷ giá trung tâm sẽ dịch chuyển về tầm 23.000 đồng/đô la Mỹ trong quí cuối cùng của năm là cao. Khi ấy, với biên độ cộng trừ 3%, tỷ giá niêm yết chuyển khoản bán ra cuối năm của các ngân hàng sẽ có thể ở mức 23.650-23.700 đồng/đô la Mỹ. Xin nhấn mạnh đây là dự đoán của cá nhân.
Như vậy xét trên tổng thể, năm nay tiền đồng có thể giảm giá cao hơn dự kiến của Nhà nước hồi đầu năm, nhưng hợp lý nếu đặt nó vào biến động của thị trường tài chính quốc tế. Liệu mức tăng trưởng của thị trường chứng khoán có đảm bảo để bù đắp cho sự trượt giá của tiền đồng?
Cuối năm ngoái VN-Index đóng cửa ở 984 điểm. Để tăng trưởng được 45%, chỉ số sàn HOSE ít nhất phải vươn tới 1.0301.035 điểm. Động lực lớn nhất để hỗ trợ chỉ số là dòng tiền, nhưng xem ra tiền vào chứng khoán tiếp tục mang tính ngắn hạn.
Khác với đầu năm, các kênh đầu tư bất động sản, ngoại tệ và gửi tiết kiệm đang lấn lướt chứng khoán. Mới đây một số ngân hàng đã đẩy lãi suất tiết kiệm kỳ hạn ba tháng (từ 1/10 đến hết 31/12/2018) lên gần 8%/năm để nâng tổng tài sản, nhờ đó có thể cho vay thêm số tuyệt đối trong hạn mức được duyệt. Trên thực tế người gửi tiền tiết kiệm kỳ hạn 9-12 tháng với lãi suất 8%/năm, nhưng có thể rút gốc và lãi với lãi suất trên khi thời gian thực gửi đạt 90 ngày. Vì sao chỉ là ba tháng? Theo các ngân hàng, sang năm mới họ có quota tín dụng mới và khi đó “cơn khát” hạn mức tín dụng sẽ được “giải tỏa”.
Kênh đầu tư bất động sản (đất nền, căn hộ) vẫn thu hút người mua. Nhu cầu mua bất động sản từ rẻ tiền đến đắt tiền, từ trung tâm các đô thị đến vùng ven, từ mua để ở thật đến mua đầu cơ… đến từ hàng chục triệu người. Nhưng đã hơn 18 năm kể từ khi thành lập, đến nay Việt Nam mới có trên 2 triệu tài khoản đầu tư chứng khoán theo Trung tâm Lưu ký. Trong số này, có không ít người mở nhiều tài khoản ở nhiều công ty chứng khoán khác nhau và tỷ lệ tài khoản không hoạt động cho đến nay chưa bao giờ được Trung tâm Lưu ký công bố.
Theo Thời báo kinh tế SG
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy