Không còn là điểm "sốt" đất
Tại ĐHCĐ thường niên, Tập đoàn CEO Group đưa ra kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm 2019 từ 1.544 tỷ đồng lên 2.573 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu. Trong đó, CEO Group dự định dùng số tiền 357 tỷ đồng để phát triển dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City (huyện đảo Vân Đồn, Quảng Ninh).
Đây sẽ là dự án trọng điểm của CEO Group trong tương lai với quy mô 358,5ha, có tổng vốn đầu tư lên tới 5.000 tỷ đồng, gồm tổ hợp nghỉ dưỡng bao gồm khách sạn quốc tế, căn hộ nghỉ dưỡng - condotel, biệt thự nghỉ dưỡng ven biển và trung tâm hội nghị quốc tế. Dự án được chia ra làm nhiều giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 đã chính thức khởi công vào quý III/2018 với mức đầu tư từ 1.500 - 2.000 tỷ đồng.
Vân Đồn được coi là vị trí tuyệt đẹp cho du lịch với lợi thế vùng biển đẹp, nhiều địa điểm du lịch tâm linh. Không những thế, trong năm 2018 tuyến đường cao tốc nối thẳng từ Hà Nội đi Vân Đồn và sân bay Vân Đồn đi vào hoạt động sẽ tạo đường kết nối lý tưởng cho du khách trong và ngoài nước.
ĐHCĐ thường niên năm 2019 của CEO Group.
Bằng kinh nghiệm thành công tại huyện đảo Phú Quốc - Kiên Giang, CEO Group quyết tâm thực hiện dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City như là một điểm nhấn của doanh nghiệp tại khu vực phía Bắc.
Nhưng nhiều người lo ngại thành công của CEO Group tại dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City. Bởi thời điểm này khác với năm 2011 khi tập đoàn đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng ở Phú Quốc, thị trường bất động sản không còn được hâm nóng, khách hàng cũng tính táo và có nhiều kênh thông tin tham khảo hơn.
Mặc dù đến nay CEO Group chưa tiết lộ giá bán và thời điểm mở bán chính thức, nhưng theo nhiều nguồn tin trên thị trường, mức giá sản phẩm dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City sẽ không dưới 10 tỷ đồng/1 đơn vị sản phẩm và thời điểm mở bán trước đó được đồn đoán trong tháng 5/2019, đã dời sang tháng 6/2019.
Vào đầu năm 2018 khi thông tin Luật Đặc khu kinh tế sẽ được thông qua mà điểm được lựa chọn là Phú Quốc - Kiên Giang, Bắc Vân Phong - Khánh Hòa và Vân Đồn - Quảng Ninh đã làm điên đảo dân môi giới bất động sản. Giá đất tại các khu vực này như nhảy múa, tăng chóng mặt chỉ trong thời gian ngắn. Lo ngại trước tình trạng trên, cả 3 địa phương đều "đóng băng" tất cả giao dịch liên quan đến bất động sản mà không phải là đất ở lâu năm. Chính sách đó tác động mạnh, khiến cho tình hình "sốt" đất tại Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc giảm xuống.
Đến đầu tháng 1/2019, chính quyền huyện Vân Đồn đã chính thức cho phép giao dịch mua bán đất đai trở lại. Sau khi được giao dịch trở lại, bất động sản Vân Đồn có dấu hiệu sốt.
Tuy nhiên, chuyện sốt đất chỉ là đồn thổi, do giới đầu cơ thêu dệt để tháo chạy, rút vốn, vì vậy, sau khi cơ quan chức năng vào cuộc thanh tra, thị trường lại rơi vào cảnh "đóng băng". Ông Châu Thành Hưng, Phó chủ tịch UBND huyện Vân Đồn mới đây xác nhận, trên địa bàn huyện không xảy ra tình trạng sốt giao dịch hay giá bán đất.
Trong bối cảnh như hiện tại, liệu rằng với mức giá CEO Group đưa ra, sản phẩm tại dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City có dễ dàng thanh khoản?
Liên tục tăng trưởng nhưng còn nhiều nỗi lo
Theo báo cáo tài chính hợp nhất của Tập đoàn CEO Group năm 2018, quy mô tài sản tăng gấp 10 lần trong 6 năm qua, lợi nhuận liên tục tăng nhưng kèm theo đó là số nợ phải trả cũng tăng mạnh.
Tại ĐHCĐ thường niên 2019 của CEO Group, ông Đoàn Văn Bình - Chủ tịch HĐQT tập đoàn đã chia sẻ những con số khá ấn tượng của doanh nghiệp trong hơn 10 năm hình thành và phát triển, đáng chú ý là giai đoạn 2013 - 2019 khi kết quả kinh doanh có những bước tăng vượt bậc.
Quy mô tài sản của CEO Group trong giai đoạn này đã tăng gấp 10 lần từ 873 tỷ đồng vào năm 2013 lên 8.703 tỷ đồng vào năm 2019. Cùng với đó là vốn điều lệ của CEO Group được tăng từ 343 tỷ đồng năm 2013 đến 1.544 tỷ đồng vào năm 2018. Nhiều dự án của CEO Group được đông đảo khách hàng lựa chọn, đem lại lợi nhuận cao.
Phối cảnh dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City (huyện đảo Vân Đồn, Quảng Ninh) của CEO Group.
Nhưng nhìn rộng ra thì nhiều dự án khác của CEO Group vẫn đang bị chậm tiến độ, thậm chí bỏ hoang đến cả chục năm nay như khu đất D27 rộng 2,2ha tại quận Cầu Giấy, TP.Hà Nôi; dự án CEO Mê Linh... Hiện tại, CEO vẫn còn 1.035 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang chủ yếu nằm ở dự án Sonasea Condotel & Villas tại Phú Quốc 588 tỷ đồng, dự án Khu tổ hợp nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City gần 357 tỷ đồng.
Hết quý I/2019, tổng nợ phải trả của CEO là 6.409 tỷ đồng, trong đó nợ đi vay ngắn hạn, dài hạn của ngân hàng và tổ chức khác là 2.229 tỷ đồng, gấp 1,4 lần so với vốn góp của chủ sở hữu và gấp 0,97 lần tổng vốn chủ sở hữu. Không chỉ vay nợ tăng lên mà hạng mục hàng tồn kho cũng tăng trưởng rất nhanh, tại ngày 31/3/2019 con số tồn kho đã chiếm tới 27% tổng tài sản.
Mặc dù vậy, lãnh đạo CEO Group vẫn lạc quan khi vốn lưu động của tập đoàn tính đến ngày 31/3/2019 đang dương 543 tỷ đồng.
Theo báo Đất Việt
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy