Dòng sự kiện:
Tập đoàn Masan tham dự xây dựng dự thảo tiêu chuẩn sản xuất nước mắm
13/03/2019 10:17:09
Cơ quan thẩm định sẽ tạm dừng công bố Tiêu chuẩn quốc gia "Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm" sau khi gây nhiều tranh cãi, tuy nhiên, việc Tập đoàn Masan tham dự vào dự thảo này khiến nhiều câu hỏi được đặt ra.

Liên quan đến những nội dung bất hợp lý trong Dự thảo “Tiêu chuẩn quốc gia quy phạm thực hành sản xuất nước mắm” (TCVN-12607:2019) vừa tạm dừng ban hành, trao đổi trên báo Bình Thuận, ông Lê Trần Phú Đức - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nước mắm Phan Thiết cho biết, ông là 1 trong 12 thành viên được Bộ NN & PTNT ký quyết định thay mặt Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết tham gia xây dựng dự thảo. Cuộc họp đầu tiên ông tham dự rất cởi mở và đưa ra nhiều ý tưởng tốt, mang tính minh bạch cho NMTT lẫn nước mắm công nghiệp. Tuy nhiên, đến tháng 2/2018, nội dung cuộc họp đầu tiên hoàn toàn bị xóa bỏ và tổ chức họp lại với điều kiện có sự tham dự của Tập đoàn Massan (nước mắm Nam Ngư).

Ông Lê Trần Phú Đức - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nước mắm Phan Thiết

"Trong cuộc họp ấy, nhiều nội dung hoàn toàn được thay đổi so với cuộc họp tôi tham gia trước đó. Và khi ban hành dự thảo lần đầu, nội dung không giống với những gì đã bàn luận, có nhiều điểm làm khó cho NMTT. Tôi đã trao đổi qua mail và kịch liệt phản đối những nội dung trong dự thảo. Và sau lần đó, tôi không nhận được bất cứ giấy mời nào để tiếp tục tham gia góp ý cho dự thảo mới dù tôi là thành viên", ông Đức nói.

Cũng theo ông Đức, đến cuối tháng 2/2019, thông qua báo chí, ông mới biết dự thảo này đang lấy ý kiến lần cuối trước khi ban hành. Ông cũng như Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết hoàn toàn bị bất ngờ trước thông tin này. Trong dự thảo, một trong những nội dung được báo chí nhắc nhiều là yêu cầu các cơ sở sản xuất NMTT phải kiểm soát dư lượng thuốc thú y, thuốc BVTV, trong khi nguyên liệu làm nước mắm là cá biển, chứ không phải cá nước ngọt (cá nuôi).

"Tôi khẳng định đây chỉ là phương án “nghi binh” của những người có ý đồ khi ban hành dự thảo. Nội dung quan trọng để “bức tử” NMTT chính là những quy định về hàm lượng Histamine trong nước mắm", ông Đức chia sẻ.

Tập đoàn Masan tham dự xây dựng dự thảo tiêu chuẩn sản xuất nước mắm

Nói về sự can thiệp của Masan đối với việc thành lập Hiệp hội nước mắm Việt Nam và việc xây dựng dự thảo TCVN 12607:2019, VOV dẫn lời bà Trần Thị Dung – Thành viên Ban vận động thành lập Hiệp hội nước mắm truyền thống Việt Nam cho biết, danh sách của Ban vận động thành lập Hội nước mắm Việt Nam có ông Trần Đáng (nguyên Cục trưởng Cục ATVSTP Bộ Y tế), bà Phan Thị Kim và một số quan chức của Cục ATVSTP Bộ Y tế, cộng thêm 6 DN của Masan và một vài DN cung cấp muối cho DN này. "Chúng tôi tranh luận là Hiệp hội này không có ai sản xuất nước mắm mà cho phép đặt tên Hội có chữ nước mắm ở đây”, bà Dung cho biết.

“Với Masan thì các nhà sản xuất nước mắm truyền thống không thể nào địch được. Cho nên, mấy năm nay cứ loay hoay, suy nghĩ, hỏi người nọ, người kia nhưng mọi việc vẫn đang đứng im”, bà Dung bày tỏ sự ngao ngán.

Theo Hội Lương thực thực phẩm TP HCM, trung bình mỗi năm Việt Nam tiêu thụ 250 triệu lít nước mắm. Tuy nhiên, lượng nước mắm tự nhiên chỉ chiếm khoảng 60 triệu lít. Còn nước chấm công nghiệp (nước mắm tự nhiên pha loãng và thêm hương vị) chiếm trên dưới 190 triệu lít, tương đương 70% thị phần nội địa.

Trong số doanh nghiệp có sản phẩm nước mắm đóng chai, sản xuất trên dây truyền thì Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) đang gần như độc chiếm thị phần.

Năm 2012, thị phần nước mắm của Masan là 80% thì đến năm 2015 - 2016, thị phần nước mắm của Masan giảm xuống còn 65%. Masan nổi tiếng với hai sản phẩm nước mắm đóng chai là nước mắm Nam Ngư và nước mắm Chinsu.

Dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia "Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm" do Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chủ trì soạn thảo. Sau khi soạn thảo, dự thảo được chuyển sang Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học & Công nghệ) để thẩm định và công bố.

Tuy nhiên, sau khi dự thảo được chuyển sang, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều nên cơ quan thẩm định sẽ tạm dừng công bố để ghi nhận thêm ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo. Việc xin ý kiến tiếp theo nhằm đảm bảo sức khoẻ, quyền lợi của người tiêu dùng và không để ảnh hưởng đến các tổ chức sản xuất kinh doanh nước mắm.

Ly Na (t/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến