Tham vọng tăng vốn của người tình Mỹ Tâm: Khi 'da trơn' không còn là hàng 'hot'
14/10/2014 10:27:09
ANTT.VN - Có thể nhà đầu tư sẽ cân nhắc khi "rót" tiền vào kế hoạch tăng vốn của thủy sản Hùng Vương, bởi thị trường mà doanh nghiệp này hướng đến đang có mức sụt giảm, cộng với đó là sự "thất thường" của những hàng rào kỹ thuật được áp dụng với mặt hàng thủy sản được nhập từ Việt Nam.

Tin liên quan

Việc Công ty cổ phần Hùng Vương quyết định họp đại hội đồng cổ đông bất thường, quyết định tăng vốn thêm 440 tỷ đồng, nâng mức vốn điều lệ của công ty lên hơn 2.000 tỷ có là quyết định tăng vốn khôn ngoan của ông chủ Dương Ngọc Minh?

Tham vọng M&A

Vua “cá” Dương Ngọc Minh không chỉ nổi tiếng là người tình tin đồn với cô ca sỹ đa tài Mỹ Tâm, mà còn bởi khát vọng trở thành ông trùm ngành thủy sản với những tham vọng thôn tính bằng thương vụ M&A có giá trị lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Cuối tháng 12 năm ngoái, Công ty cổ phần Hùng Vương bất ngờ thông báo tổ chức ĐHCĐ bất thường để thông qua kế hoạch huy động vốn bằng cách phát hành thêm 30 triệu cổ phiếu, trong đó có 20 triệu bán cho 2 đối tác chiến lược Singapore. Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là 300 tỷ đồng trong khi HVG không thiếu tiền.

Khi trình cổ đông phương án này, ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HVG nói rằng “HVG xem xét đối tác ở hai yếu tố: ngoài tài chính, đối tác phải có quan hệ rộng với các siêu thị ở nước ngoài. Đối tác Singapore mà chúng tôi nhắc đến có quan hệ rất tốt với một tập đoàn siêu thị tại Indonesia, nên chúng tôi đã quyết định lựa chọn”. Nhưng dự định không thành do quá trình đàm phán không thuận lợi, không đảm bảo tiêu chí tối đa hóa giá trị lợi ích cho cổ đông hiện hữu.

Ngày 10/4, ông Dương Ngọc Minh lại đã đăng ký mua thêm 300.000 cổ phiếu, nâng tổng số cổ phiếu nắm giữ lên suýt soát 44 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 36,6% cổ phần. HVG cũng đã công khai chào mua 6 triệu cổ phiếu Agifish (AGF) và 2,5 triệu cổ phiếu Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng (VTF) để nâng số lượng và tỷ lệ nắm giữ tại 2 DN này lên 19,1 (75%) và 25,8 triệu (61,2%), với số tiền dự kiến chi ra lên tới hơn 180 tỷ đồng. Nhưng số lượng đăng ký không nhiều, do giá cổ phiếu thời điểm đó ở mức khá cao so với giá trị sổ sách (25.000 đồng so với 17.800 đồng/cp). Tham vọng của Dương Ngọc Minh thì lớn, nhưng tính khả thi lại không cao, việc đánh giá thị trường và các nhà đầu tư tiềm năng có vẻ chưa phải thế mạnh của HVG. 

Lợi nhuận gộp của DN này đang suy giảm khá mạnh và HVG cũng không nằm ngoài vòng xoáy ảnh hưởng của những khó khăn trên thị trường trong nước và thế giới nói chung. Tính đến 30/6/2014, doanh thu của HVG đạt 7.473 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kì năm ngoái. Nhưng tỷ lệ giá vốn/ doanh thu chiếm 96,37%, tỷ lệ này 6 tháng đầu năm ngoái là 88%. Như vậy, lợi nhuận báo cáo của doanh nghiệp là 297 tỷ đồng vẫn còn thấp so với doanh thu, nguyên nhân do nguyên liệu đầu vào cao, mức thuế suất bị áp lớn, đặc biệt là thuế chống phá giá của chính phủ Hoa Kỳ.

Cá da trơn không còn là “hàng hot”

Theo số liệu của hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu cá tra từ 1/1/2014 đến 15/7/2014 đạt 892,83 triệu USD, giảm 2,1% so với cùng kì năm 2013. Trong đó, xuất khẩu cá tra sang Mỹ và Nga đều sụt giảm, nguyên nhân chủ yếu do rào cản kỹ thuật và thuế chống bán phá giá.

Tổng kim ngạch XK cá tra sang Mỹ từ 1/1/2014 đến 15/7/2014 đạt 163,12 triệu USD, giảm 24,2% so với cùng kỳ năm 2013. XK cá tra sang Mỹ sụt giảm kể từ tháng 3 và giảm liên tiếp đến giữa tháng 7 này, trong đó mức giảm cao nhất lên tới 59,2% vào tháng 5 và mức giảm thấp nhất là tháng 3 với tỷ lệ giảm 12,7%. Lần đầu tiên XK cá tra sang Mỹ trong quý II thấp hơn so với quý I.

Thị phần của thị trường Mỹ đến nay cũng giảm xuống chỉ còn 18,3% so với 23,9% của cùng kỳ năm 2013. Nếu như cùng thời gian này năm ngoái Mỹ vẫn giữ vị trí dẫn đầu về NK cá tra của Việt Nam, thì đến năm nay đã lùi xuống vị trí thứ 2 sau EU.

Thị trường xuất khẩu cá da trơn gặp nhiều khó khăn với luật thuế chống phá giá

Từ trước đến nay, thị trường Mỹ luôn là thì trường tiềm năng xuất khẩu cá da trơn của Việt Nam, đặc biệt là công ty CP Hùng Vương. Cá basa của Việt Nam được thương lái Mỹ gắn mác cá da trơn, tiêu thụ trên thị trường nội địa với giá chỉ bằng 1/5 cá da trơn của Mỹ. Điều này bị đánh giá là không công bằng, chính quyền Hoa Kỳ được phép thu thuế nhập khẩu đặc biệt (được gọi là thuế chống phá giá) để bù lại phần thiệt hại do việc nhập khẩu hàng hóa với giá thấp.

Theo nhận định, xuất khẩu cá tra sang Mỹ sụt giảm chủ yếu là do mức thuế chống bán phá giá (CBPG) lần thứ 9 giai đoạn từ ngày 1/8/2011 đến 31/7/2012 (POR 9) cao. Mức thuế suất đối với sản phẩm cá tra của doanh nghiệp bị đơn bắt buộc là Công ty Cổ phần Hùng Vương vẫn giữ nguyên 1,20 USD/kg. Mức thuế suất chung toàn quốc là 2,11 USD/kg.

Ở thị trường xuất khẩu bị phụ thuộc vào bên thứ ba có nhiều dị biệt như Hoa Kỳ, ở thời điểm này, khi mà mức thuế suất POR 10 chưa được quyết định, thì ngành xuất khẩu cá da trơn cũng gặp những trở ngại nhất định. Nhà đầu tư sẽ cần xem xét tình hình kinh doanh khả quan hơn trong giai đoạn tiếp theo để quyết định đổ vốn của mình vào số phận của sản phẩm nào.

Hoa Liên
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến